Tiếp nối phiên tăng điểm đầu tuần khi một số bang mở cửa hoạt động kinh tế trở lại, các chỉ số chính của phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng tốt trong nửa đầu phiên sáng thứ Ba (28/4). Tuy nhiên, sau đó nhà đầu tư chuyển hướng dòng tiền, bán ra các cổ phiếu tăng trưởng mạnh thời gian qua là nhóm công nghệ để chuyển hướng vào nhóm cổ phiếu giá trị theo chu kỳ khiến phố Wall đảo chiều đi xuống và lình xình dưới tham chiếu gần như suốt thời gian còn lại của phiên.
Theo các chuyên gia, sự chuyển hướng này là do các quốc gia bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế, giúp nhiều nhóm ngành lấy lại đà tăng trưởng theo chu kỳ.
Kết thúc phiên 28/4, chỉ số Dow Jones giảm 32,23 điểm (-0,13%), xuống 24.101,55 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 15,09 điểm (-0,52%), xuống 2.863,39 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 122,43 điểm (-1,40%), xuống 8.607,73 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục duy trì đà tăng mạnh trong phiên thứ Ba khi nhiều nền kinh tế trong khu vực bắt đầu mở cửa trở lại sau thời gian cách ly xã hội khi nhiều nước châu Âu đã có dấu hiệu qua đỉnh dịch.
Kết thúc phiên 28/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 111,71 điểm (+1,91%), lên 5.958,50 điểm. Chỉ số DAX tăng 135,64 điểm (+1,27%), lên 10.795,63 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 64,54 điểm (+1,43%), lên 4.569,79 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản và Trung Quốc điều chỉnh nhẹ, thì chứng khoán Hồng K ông và Hàn Quốc lại duy trì đà tăng tốt khi giới đầu tư phấn khởi với việc nền kinh tế và xã hội bắt đầu hoạt động trở lại bình thường.
Kết thúc phiên 28/4, Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 12,03 điểm (-0,06%), xuống 19.771,19 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 5,47 điểm (-0,19%), xuống 2.810,02 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 295,82 điểm (+1,22%), lên 24.575,96 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 11,32 điểm (+0,59%), lên 1.934,09 điểm.
Giá vàng lại có phiên giao dịch đầy biến động khi giảm mạnh trong phiên châu Á và châu Âu, thậm chí có lúc đã xuống sát ngưỡng 1.690 USD, nhưng sau đó lại bật trở mạnh mẽ, trước khi có nhịp giảm, rồi lại bật ngược trở lại đóng cửa gần như không đổi và tạo thành đồ thị hình W với đáy sau cao hơn đáy trước.
Kết thúc phiên 28/4, giá vàng giao giảm 0,7 USD (-0,04%), xuống 1.711,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 1,6 USD (-0,09%), xuống 1.722,2 USD/ounce.
Giá dầu thô lại dao động trái chiều nhau trong phiên thứ Ba. Trong khi giá dầu thô Brent phản ứng tích cực với việc nhiều nước mở cửa kinh tế trở lại, thì giá dầu thô Mỹ vẫn giảm do lo ngại thiếu nơi lưu trữ.
Kết thúc phiên 28/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,44 USD (-3,57%), xuống 12,34 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,47 USD (+2,30%), lên 20,46 USD/thùng.