Hạn chế cách ly, giới đầu tư hứng khởi

(ĐTCK) Nhiều nước bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp cách ly, khởi động lại hoạt động kinh tế giúp giới đầu tư hứng khởi trong phiên giao dịch đầu tuần mới (27/4).
Ảnh AFP Ảnh AFP

Các bang Alaska, Georgia, Oklahoma và một số bang khác bắt đầu mở cửa lại cửa hàng bán lẻ, công viên, bãi biển từ 24/4. Georgia, Tennessee mở cửa trở lại các nhà hàng từ 27/4, dù các chuyên gia y tế cho rằng cần duy trì cách biệt cộng đồng để ngăn virus lây lan.

Thông tin một số bang mở lại hoạt động kinh tế, cùng với các gói cứu trợ đang được triển khai giúp giới đầu tư hứng khởi, đẩy mạnh mua vào trong phiên giao dịch đầu tuần mới, giúp phố Wall duy trì đà tăng tốt.

Kết thúc phiên 27/4, chỉ số Dow Jones tăng 358,51 điểm (+1,51%), lên 24.133,78 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 41,74 điểm (+1,47%), lên 2.878,48 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 95,64 điểm (+1,11%), lên 8.730,16 điểm.

Sau phiên giảm cuối tuần trước khi nhà đầu tư thất vọng với gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU), chứng khoán châu Âu đã nhảy vọt trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu hàng không khi nhiều nước nới lỏng việc đi lại, các gói kích thích kinh tế. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh lạc quan của Deutsche Bank và các công ty khác vừa công bố bổ sung thêm sự lạc quan cho nhà đầu tư.

Kết thúc phiên 27/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 94,56 điểm (+1,64%), lên 5.846,79 điểm. Chỉ số DAX tăng 323,90 điểm (+3,13%), lên 10.659,99 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 111,95 điểm (+2,55%), lên 4.505,26 điểm.

Chứng khoán châu Á cũng đồng loạt tăng trở lại trong phiên đầu tuần mới với kỳ vọng về các gói kích thích kinh tế mới từ các ngân hàng trung ương, cùng với kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vừa công bố không quá bi quan như lo ngại trước đó.

Kết thúc phiên 27/4, Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 521,22 điểm (+2,71%), lên 19.783,22 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 6,97 điểm (+0,25%), lên 2.815,49 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 448,81 điểm (+1,88%), lên 24.280,14 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 33,76 điểm (+1,79%), lên 1.922,77 điểm.

Áp lực chốt lời cùng với việc giá dầu thô giảm mạnh trở lại đã khiến giá vàng tiếp tục giảm với mức giảm mạnh hơn phiên cuối tuần qua.

Kết thúc phiên 27/4, giá vàng giao giảm 17,3 USD (-1,00%), xuống 1.712,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 11,8 USD (-0,68%), xuống 1.723,8 USD/ounce.

Sau 3 phiên hồi phục cuối tuần trước với thông tin Mỹ giảm sản lượng khai thác, giá dầu thô đã lao dốc trở lại trong phiên đầu tuần mới do nỗi lo cũ – thiếu kho dự trữ. Giá dầu thô Mỹ giao tháng 6 mất tới hơn 32%, trong khi giá dầu thô tương lai Brent một lần nữa xuống dưới ngưỡng 20 USD/thùng.

Kết thúc phiên 27/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 4,16 USD (-32,55%), xuống 12,78 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,45 USD (-7,25%), xuống 19,99 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục