Giới đầu tư chuẩn bị tâm lý cho lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nước Mỹ đang chuẩn bị cho một đợt lạm phát kỷ lục trong năm 2021, dù một số nghiên cứu chỉ ra rằng, lạm phát thực tế khó có thể đạt tới mức mục tiêu.
Nhiều mặt hàng quen thuộc với người tiêu dùng đều tăng giá. Nhiều mặt hàng quen thuộc với người tiêu dùng đều tăng giá.

Vùng “an toàn” quá lâu

Thống kê cho thấy, trong vòng 20 năm trở lại đây, đa số thời điểm lạm phát ở dưới mức mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - kể từ thời điểm tháng 7/1996, sau khi cuộc gặp mặt của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) được tổ chức và thống nhất về mục tiêu lạm phát 2%.

Giai đoạn 20 năm này bao gồm cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008. Kể cả với những nỗ lực cứu trợ và kích thích kinh tế sau đại khủng hoảng, tính tổng cộng, những gì đã làm được để hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế mới chỉ ở mức khiêm tốn. Tàn dư của cuộc đại khủng hoảng vẫn khiến cho chỉ số lạm phát tại nhiều quốc gia phát triển - trong đó có Mỹ, giậm chân ở dưới mức mục tiêu.

Theo như mô hình của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm nghiên cứu về xu hướng lạm phát dài hạn, kỳ vọng lạm phát đã có xu hướng giảm kể từ thập niên 90. Giai đoạn 1998 - 2014 ghi nhận mức kỳ vọng lạm phát tương đối ổn định ở gần mức mục tiêu. Trong những năm gần đây, kỳ vọng lạm phát đã giảm dưới mức mà tại đó, chỉ số sẽ nằm trong “vùng an toàn” với mục tiêu của FOMC.

Mục tiêu lạm phát nâng lên trên 2%

Một trong những sự kiện xảy ra trong năm 2020 và có ảnh hưởng lớn nhất tới nền kinh tế thế giới là đại dịch Covid-19. Trong thời kỳ Covid-19 bùng phát mạnh mẽ năm ngoái, các cuộc khảo sát người tiêu dùng chỉ ra rằng, lạm phát sẽ tăng cao, khi mà nhiều mặt hàng quen thuộc với người tiêu dùng đều tăng giá.

Tuy nhiên, mô hình của IMF cho thấy điều ngược lại. Với việc nền kinh tế hứng chịu cú sốc Covid-19, tính trên tổng thể, kinh tế đang giảm phát. Kỳ vọng lạm phát 10 năm giảm 20 điểm cơ bản so với mức trước đại dịch. Kỳ vọng lạm phát chạm đáy vào tháng 4/2020 khi đại dịch bùng nổ.

Mặc dù vậy, sau đợt suy thoái hồi tháng 4 năm ngoái, kinh tế Mỹ bắt đầu có xu hướng hồi phục khi mà vắc-xin phòng ngừa Covid-19 bắt đầu được phổ biến rộng rãi. Đặc biệt, hai gói cứu trợ lớn với trị giá hàng nghìn tỷ USD giúp cho nền kinh tế bật dậy, kèm theo đó là sự tăng trở lại của các chỉ số, trong đó chỉ số lạm phát được đặc biệt quan tâm.

Diễn biến hiện nay cho thấy, nước Mỹ đang chuẩn bị cho một đợt lạm phát kỷ lục trong một thập kỷ trở lại đây. Theo cuộc khảo sát được thực hiện bởi Ngân hàng Dự trữ bang New York, dự đoán lạm phát trung bình của người tiêu dùng tăng từ 3% lên 3,1% trong tháng 2 vừa qua.

Số ca nhiễm Covid-19 trên lãnh thổ Mỹ đã bắt đầu giảm và các hoạt động kinh doanh đang hồi phục mạnh mẽ.

Đây là con số cao nhất kể từ tháng 7/2014 - nguyên nhân của sự gia tăng được cho là số ca nhiễm Covid-19 trên lãnh thổ Mỹ đã bắt đầu giảm và các hoạt động kinh doanh đang hồi phục mạnh mẽ.

Theo Fed, dự đoán lạm phát trong vòng 3 năm kể từ bây giờ nằm ở mức trên 3%.

Cả hai số liệu trên điều chỉ ra một mức lạm phát cao nhất kể từ năm 2011. Tuy nhiên, sự tăng giá hàng hóa vẫn chưa vượt qua mức 2% kể từ đầu thập niên 90 và Ngân hàng Trung ương cố gắng chống lại lạm phát yếu đã diễn ra trong hơn hai thập kỷ.

Hiện tại, Fed hướng tới mục tiêu gia tăng lạm phát lên trên 2% trong một khoảng thời gian sau thời kỳ đại dịch và theo như những khảo sát gần đây, có vẻ người tiêu dùng đã có chuẩn bị cho sự gia tăng đó.

Lạm phát kỳ vọng

Dự đoán lạm phát thường được sử dụng như là một dự đoán cho xu hướng gia tăng giá cả hàng hóa. Nếu như người tiêu dùng dự đoán rằng, giá cả sẽ gia tăng một lượng nhất định sau một khoảng thời gian, các giao dịch kinh doanh có khả năng cao cũng tăng giá và khi đó, nhân công kỳ vọng vào việc tăng lương.

Phân tích chính xác hơn cho thấy, kỳ vọng lạm phát thường cao hơn tốc độ tăng giá thực. Ví dụ, thước đo kỳ vọng lạm phát tại Đại học Michigan, Mỹ có giá trị lạm phát kỳ vọng luôn nằm trên ngưỡng 2% trong thập kỷ qua, mặc cho tốc độ gia tăng giá cả thực tế hiếm khi tăng cao tới giá trị đó.

Fed cho rằng, kể cả khi kỳ vọng lạm phát gia tăng tới gần mức được đề xuất mục tiêu ngắn hạn, chỉ số sẽ giảm khi mà giá trị lạm phát thực tăng cao hơn với việc chính sách tiền tệ hiện tại đang “lỏng”.

Các gói kích thích được tung vào thị trường, cùng với việc nền kinh tế đang mở cửa trở lại sẽ là “nguyên liệu” cho tốc độ tăng giá nhanh hơn.

Theo như phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell hồi tháng 2/2021, các gói kích thích được tung vào thị trường, cùng với việc nền kinh tế đang mở cửa trở lại sẽ là “nguyên liệu” cho tốc độ tăng giá nhanh hơn, tuy nhiên, hiệu ứng này có lẽ chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn.

Trong một diễn biến khác, sự không chắc chắn xung quanh kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng tăng nhẹ cho thời hạn 1 năm và giảm cho thời hạn 3 năm. Kỳ vọng lạm phát với giá nhà chạm mức 4%, cao nhất kể từ tháng 5/2014. Kỳ vọng cho sự thay đổi giá gas trong thời hạn 1 năm tăng kỷ lục từ 6,2% lên 9,6%. Giá trị trung bình của dự đoán sự tăng giá thuê nhà tăng từ 6,4% lên mức kỷ lục 9%. Kỳ vọng chi tiêu gia đình tăng từ 4,2% lên 4,6%, mức cao nhất kể từ tháng 12/2014. Tốc độ tăng lương được giữ nguyên ở mức 2,4%, cao hơn mức thấp nhất 1,9% vào tháng 4 năm ngoái, nhưng vẫn dưới mức lạm phát giả định.

Theo Fed, người dân Mỹ cảm thấy tự tin hơn vào việc lãi suất sẽ tăng, bên cạnh đó là khả năng hoàn tất việc trả nợ của họ.

Linh Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục