Các nhà đầu tư chứng khoán đang lo sợ lạm phát và Fed hơn là Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hơn một năm kể từ khi đại dịch Covid-19 đảo lộn thế giới và thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư đang bắt đầu vượt qua và không còn xem Covid-19 là mối đe doạ lớn nhất.
Các nhà đầu tư chứng khoán đang lo sợ lạm phát và Fed hơn là Covid-19

Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch xuất hiện, các nhà quản lý quỹ tham gia cuộc khảo sát của Bank of America Fund Manager vào tháng 3/2021 cho biết thị trường phải đối mặt với những lo ngại khác lớn hơn là đại dịch.

Tổng cộng có 220 nhà quản lý quỹ quản lý 630 tỷ USD tài sản đã tham gia vào cuộc khảo sát của Bank of America, cuộc khảo sát kéo dài từ ngày 5/3 đến ngày 11/3.

Lạm phát hiện đã trở thành “rủi ro đuôi” (tail risk - một dạng rủi ro của danh mục đầu tư có xác suất xảy ra nhỏ nhưng có ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận) hoặc dữ liệu ngoại lai (outlier) có thể gây ra nhiều thiệt hại nhất.

Theo cuộc khảo sát, có 37% số người được hỏi cho rằng lạm phát là thách thức lớn nhất, trong khi có 35% cho rằng hiện tượng “taper tantrums” (hiện tượng chính sách tiền tệ nới lỏng đột ngột bị đảo ngược bởi Fed) là mối đe doạ lớn nhất.

Mặc dù đại dịch Covid-19 hay cụ thể là các vấn đề với việc triển khai vắc xin vẫn là mối đe dọa lớn thứ ba nhưng chỉ có ít hơn 15% số người được khảo sát cho rằng đó là một thách thức lớn với thị trường, chỉ bằng khoảng một nửa so với cuộc khảo sát được tiến hành vào tháng 2.

Theo đó, tháng 3 đánh dấu lần đầu tiên các mối quan tâm liên quan đến Covid-19 không đứng đầu cuộc khảo sát về thị trường kể từ tháng 2/2020.

Ba mối lo ngại đó đang vượt qua mối lo ngại về bong bóng chứng khoán ở Phố Wall, thuế suất cao hơn hoặc quy định khắc nghiệt hơn dưới thời chính quyền Biden.

Sự thay đổi trong thứ tự các mối lo ngại với thị trường diễn ra khi Mỹ đang tiêm chủng cho hơn 2 triệu người mỗi ngày. Số ca nhập viện và tử vong trên toàn nước Mỹ đã giảm xuống. Hầu hết các chuyên gia y tế chỉ ra rằng sẽ trở lại cuộc sống bình thường vào mùa hè và vào mùa thu, các nhà đầu tư đang bắt đầu thay đổi ưu tiên các mối đe doạ tới thị trường.

Lạm phát đã xuất hiện trở lại là mối đe doạ trong năm nay khi lợi suất trái phiếu chính phủ tăng vọt lên mức trước đại dịch.

Những người trả lời khảo sát cho biết nếu trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 2% có thể gây ra sự điều chỉnh mạnh trên thị trường chứng khoán với mức giảm hơn 10%. Trong khi đó, mức tăng lên 2,5% sẽ khiến trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn so với cổ phiếu.

Mặc dù thị trường chứng khoán đã biến động trong thời gian lợi suất trái phiếu tăng nhưng các chỉ số chứng khoán Mỹ đã tiếp tục đạt mức cao kỷ lục.

“Cuộc khảo sát cho thấy rằng tâm lý nhà đầu tư rõ ràng đang rất lạc quan”, Michael Hartnett, chiến lược gia đầu tư của Bank of America cho biết.

Tuy nhiên, các quỹ đầu tư đang điều chỉnh danh mục đầu tư của họ.

Các nhà quản lý tài sản đã cắt giảm phân bổ cho các cổ phiếu công nghệ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2009.

Các nhà quản lý quỹ đã phân bổ tỷ trọng vào các cổ phiếu ngân hàng với tỷ trọng cao nhất kể từ tháng 3/2018. Họ cũng thực hiện động thái lớn nhất đối với lĩnh vực năng lượng kể từ tháng 11/2018.

Theo cuộc khảo sát, sự lạc quan về chứng khoán đi kèm với kỳ vọng tăng cao cho sự phục hồi kinh tế với 48% số người được khảo sát cho thấy nền kinh tế có thể phục hồi hình chữ V. Bên cạnh đó, 91% số người được khảo sát thực sự mong đợi sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn, đây mức cao nhất trong lịch sử của các cuộc khảo sát.

Hạc Hiên
Theo CNBC

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục