Giới đầu tư chưa ngừng việc bán ra cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm trong phiên ngày thứ Sáu (30/9) và ghi nhận quý giảm thứ ba liên tiếp từ đầu năm, với đầy những biến động, từ lạm phát cao, lãi suất tăng và lo ngại suy thoái kinh tế cũng như cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Giới đầu tư chưa ngừng việc bán ra cổ phiếu

Tính chung cả tuần vừa qua, S&P 500 giảm 2,9%, Dow Jones sụt 2,9% và Nasdaq Composite rớt 2,7%.

Tính trong tháng 9, Dow Jones lao dốc 8,8%, S&P 500 sụt 9,3% và Nasdaq Composite giảm 10,5%.

Trong quý vừa qua, S&P 500 giảm 5,3%, Nasdaq Composite giảm 4,1%, Dow Jones giảm rớt 6,7%.

Trong chín tháng đầu năm 2022, Phố Wall đã trải qua cả ba quý đều giảm, đây là chuỗi giảm dài nhất đối với S&P 500 và Nasdaq Composite kể từ năm 2008 và là đợt sụt giảm dài nhất của Dow Jones trong bảy năm.

Ryan Detrick, Giám đốc chiến lược thị trường tại Carson Group ở Omaha, Nebraska, cho biết: “Lại là một ngày giảm điểm nữa để kết thúc một quý tồi tệ và có vẻ sẽ là một năm rất tồi tệ”.

Báo cáo chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Bộ Thương mại được công bố trong ngày thứ Sáu với mức giảm 6,2% trong tháng 8 từ 6,4% trong tháng 7 đã không xoa dịu được những lo ngại về suy thoái kinh tế.

Lo ngại suy thoái cũng lặp lại thông qua những cảnh báo nghiêm trọng từ Nike và nhà điều hành du lịch Carnival, cả hai đều trích dẫn áp lực liên quan đến lạm phát. Cổ phiếu của các công ty này lần lượt giảm 12,8% và 23,3%.

Kết thúc phiên 30/9, chỉ số Dow Jones giảm 500,12 điểm (-1,71%), xuống 28.725,51 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 54,85 điểm (-1,51%), xuống 3.585,62 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 161,89 điểm (-1,51%), xuống 10.575,62 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng điểm vào thứ Sáu nhưng đã giảm mạnh trong quý, bị tác động mạnh bởi lãi suất tăng và tâm lý thị trường suy yếu.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 1,3% lên 387,85 điểm.

Tất cả các phân ngành đều tăng, khi không ít nhà đầu tư săn lùng các nhóm cổ phiếu đã giảm sâu gần đây như bán lẻ tăng 2,7%, dầu khí tăng 1,21% và ngân hàng tăng 1,75%.

Trong quý vừa qua, chỉ số STOXX 600, đánh dấu mức giảm quý thứ ba liên tiếp trong chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 2011.

Một loạt các con số lạm phát gần đây đã làm trầm trọng thêm lo ngại về tốc độ và mức độ thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu.

Dữ liệu hôm thứ Sáu cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ đã phục hồi trong tháng 8 sau khi giảm vào tháng 7, làm dấy lên lo ngại về các động thái chính sách diều hâu hơn từ Fed.

Trong khi đó, lạm phát ở Hà Lan chạm mức cao nhất trong nhiều thập kỷ do giá năng lượng tăng chóng mặt, làm tăng thêm lo ngại về con số lạm phát tồi tệ từ Đức được báo cáo hôm thứ Năm .

Chỉ số bluechip FTSE 100 của London giảm một thời gian ngắn trước khi đóng cửa tăng gần 0,2% trong khi chỉ số vốn hóa trung bình tăng 2,3% khi đồng bảng Anh tăng điểm nhờ Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) can thiệp vào thị trường trái phiếu.

Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy BoE không có khả năng tăng lãi suất trước cuộc họp chính sách dự kiến ​​tiếp theo vào tháng 11, bất chấp một tác động gần đây đối với bảng Anh từ các kế hoạch tăng trưởng kinh tế gây tranh cãi được công bố vào tuần trước.

Kết thúc phiên 30/9: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 12,22 điểm (+0,18%), lên 6.893,81 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 138,81 điểm (+1,16%), lên 12.114,36 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 85,47 điểm (+1,51%), lên 5.762,34 điểm.

Giá dầu Brent cùng lao dốc ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần, nhưng đều đã ghi nhận mức tăng tuần đầu tiên trong 5 tuần, được củng cố bởi khả năng OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng khai thác trong lần nhóm họp tới dự kiến diễn ra vào ngày 5/10.

Kết thúc phiên 30/9, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 1,74 USD/thùng (-2,14%), xuống 79,49 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,07 USD/thùng (-2,37%), xuống 85,11 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ