Giới đầu tư chốt lời trước cuộc họp quan trọng của Fed

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall giảm điểm trong phiên thứ Hai (5/6) do hoạt động chốt lời nhẹ xuất hiện, sau khi các chỉ số thiết lập mức trong tháng trong tuần trước nhờ thỏa thuận về trần nợ giúp nước Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ.
Giới đầu tư chốt lời trước cuộc họp quan trọng của Fed

Phiên này, cổ phiếu Apple giảm 0,8% sau khi ra mắt kính thực tế tăng cường (AR) cùng một loạt các bản cập nhật cho nhiều thiết bị phần cứng khác. Trong phiên, có thời điểm cổ phiếu Apple tăng tới 2,2%, đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Trước đó vào phiên thứ Sáu, nhờ mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I tốt hơn dự báo và kỳ vọng rằng Fed có thể sắp tạm dừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, S&P 500 đã tăng gần 20% kể từ mức đáy thiết lập hồi tháng 10 năm ngoái. Dẫn đầu đà tăng điểm này là sự hỗ trợ của các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn như Apple, Nvidia và Microsoft.

Củng cố kỳ vọng Fed có thể tạm dừng tăng lãi suất, một cuộc khảo sát từ Viện Quản lý cung ứng cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Mỹ hầu như không tăng trưởng trong tháng 5, do các đơn đặt hàng mới chậm lại, giúp chi phí đầu vào mà các doanh nghiệp phải trả xuống mức thấp nhất trong ba năm và điều này có thể hỗ trợ cuộc chiến chống lạm phát của Fed.

"Tin xấu đó là tin tốt đối với Fed. Tin xấu, nghĩa là các báo cáo kinh tế yếu kém, thực ra là tin tốt vì nó cho thấy nhiều khả năng Fed sẽ tạm dừng việc tăng lãi suất", Tim Ghriskey, chiến lược gia danh mục đầu tư cấp cao của Ingalls & Snyder ở New York, cho biết.

Giới đầu tư đang dự báo gần 80% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách ngày 13-14 tháng 6, theo công cụ FedWatch của CME Group, mặc dù họ dự đoán một đợt tăng lãi suất khác vào tháng Bảy.

Kết thúc phiên 5/6, chỉ số Dow Jones giảm 199,90 điểm (-0,59%), xuống 33.562,86 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,58 điểm (-0,20%), xuống 4.237,79 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 11,34 điểm (-0,08%), xuống 13.229,43 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong 33 năm, khi mức tăng trên Phố Wall phiên cuối tuần trước đã thúc đẩy khẩu vị rủi ro, trong khi các nhà đầu tư tiếp tục đặt cược vào việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ duy trì chính sách nới lỏng.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,2% lên 32.217,43 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 7/1990. Chỉ số Topix tăng 1,7% lên 2.219,79 điểm.

‘Chứng khoán Nhật Bản đang ở vị trí thuận lợi hơn so với thị trường Mỹ vì BOJ dự kiến sẽ duy trì lãi suất cực thấp. Do đó, khi chứng khoán Mỹ tăng, không có lý do gì để không mua cổ phiếu Nhật Bản”, Shigetoshi Kamada, Tổng giám đốc tại bộ phận nghiên cứu tại Tachibana Securities, cho biết.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ tổ chức cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, bắt đầu từ ngày 15/6.

Trong số các cổ phiếu lớn tại Nhật Bản, cổ phiếu Fast Retailing tăng 3,86%. Cổ phiếu nhà sản xuất thiết bị kiểm tra chip Advantest tăng 3,38% và nhà sản xuất robot Fanuc tăng 4,53%.

Chỉ số bluechip của chứng khoán Trung Quốc giảm, khi căng thẳng Trung-Mỹ đã làm lu mờ sự lạc quan từ một cuộc khảo sát khu vực tư nhân cho thấy hoạt động dịch vụ trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng tốc vào tháng trước.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,07% lên 3.232,44 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,46% xuống 3.844,25 điểm.

Hoạt động dịch vụ của Trung Quốc đã tăng trong tháng Năm, một cuộc khảo sát độc lập cho thấy, khi sự gia tăng các đơn đặt hàng mới củng cố sự phục hồi kinh tế do tiêu dùng dẫn dắt trong quý II.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) dịch vụ đã tăng lên 57,1 điểm trong tháng 5 từ mức 56,4 điểm trong tháng 4.

Cuộc khảo sát, dựa trên các câu trả lời được thu thập từ ngày 12-22/5, trái ngược với PMI chính thức được công bố vào tuần trước cho thấy tốc độ mở rộng chậm hơn trong lĩnh vực dịch vụ.

Bruce Pang, Nhà kinh tế trưởng tại Jones Lang LaSalle, cho biết các quy mô khảo sát khác nhau có thể giải thích sự khác biệt giữa Caixin và chỉ số PMI chính thức. Chỉ số PMI Caixin khảo sát khoảng 650 công ty dịch vụ tư nhân và nhà nước trong khi PMI chính thức khảo sát 4.300 công ty.

"Sự sụt giảm trong chỉ số chính thức cho thấy các công ty lớn hơn và những công ty Đại lục đang phải đối mặt với những cơn gió ngược lớn nhất", Sheana Yue, nhà kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics cho biết.

Chứng khoán Hồng Kông (Trung Quốc) tăng, trong bối cảnh kỳ vọng Bắc Kinh sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế và khi lo ngại về lãi suất cao hơn của Mỹ giảm bớt.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,84% lên 19.108,50 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,55% lên 6.463,90 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng và đạt mức cao nhất trong một năm, theo chân đà tăng mạnh của Phố Wall trong phiên trước đó.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 14,05 điểm, tương đương 0,54% lên 2.615,41 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 9/6/2022.

Phiên này, các cổ phiếu lớn như nhà sản xuất chip Samsung Electronics giảm 0,69% và SK Hynix mất 1,45%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution tiến 1,02%.

Trong số các cổ phiếu lớn khác, Hyundai Motor tăng 0,75% và nhà sản xuất ô tô chị em Kia Corp tăng 1,17%. Công cụ tìm kiếm Naver đi ngang, trong khi tin nhắn Kakao giảm 0,17%.

Kết thúc phiên 5/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 693,21 điểm (+2,20%), lên 32.217,43 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,37 điểm (+0,07%), lên 3.232,44 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 158,56 điểm (+0,84%), lên 19.108,50 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 14,05 điểm (+0,54%), lên 2.615,41 điểm.

Giá dầu thô tiếp tục sau tăng sau Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu đứng đầu OPEC tuyên bố giảm sản lượng khai thác dầu từ mức khoảng 10 triệu thùng/ngày vào tháng 5 xuống còn 9 triệu thùng/ngày từ tháng 7 cho tới hết năm.

Kết thúc phiên 5/6, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 1,64 USD/thùng (+2,29%), lên 71,74 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 3,45 USD/thùng (+4,53%), lên 76,13 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục