Giới đầu tư chậm lại sau hai phiên hứng khởi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall điều chỉnh trong phiên thứ Tư (5/10), sau hai phiên tăng mạnh liên tiếp, khi dữ liệu cho thấy nhu cầu lao động mạnh mẽ của Mỹ một lần nữa cho khả năng Fed sẽ giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn.
Giới đầu tư chậm lại sau hai phiên hứng khởi

Dữ liệu mới vào ngày thứ Tư từ khu vực tư nhân tại Mỹ đã tạo ra thêm 208.000 việc làm mới trong tháng 9, cao hơn con số 200.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo. Chỉ số dịch vụ ISM cùng tháng được công bố cũng cho thấy mức tăng trưởng ổn định.

Thị trường việc làm ổn định và tỷ lệ tăng cho thấy các điều kiện tài chính thắt chặt hơn vẫn chưa hạn chế được nhu cầu lao động khi Fed chống lại lạm phát cao.

Các quan chức Fed đã nhấn mạnh vào việc thắt chặt tiền tệ tích cực để chống lại lạm phát, một thông điệp mà thị trường lo ngại sẽ dẫn đến một cuộc hạ cánh nền kinh tế khó khăn và có khả năng suy thoái.

Chủ tịch Fed San Francisco, Mary Daly, nói với Bloomberg TV trong một cuộc phỏng vấn rằng, lạm phát là vấn đề và Fed sẽ đi đúng hướng.

Thị trường còn chịu sức ép từ lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng trở lại lên 3,749%, sau khi dữ liệu việc làm "mềm" hơn không củng cố được hy vọng rằng Fed có thể chuyển sang lập trường chính sách ít diều hâu hơn.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng tìm kiếm những món hời để kiềm chế đà giảm của các chỉ số, trong một thị trường xuất hiện các chỉ báo quá bán.

Phiên này, 8 trong số 11 phân ngành chính của S&P 500 giảm điểm, dẫn đầu là ngành tiện ích giảm 2,25% và bất động sản giảm 1,9%.

Lĩnh vực năng lượng dẫn đầu thị trường với mức tăng 2,06%, sau khi OPEC+ đồng ý cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày, khiến nguồn cung bị hạn chế trong một thị trường vốn đã eo hẹp.

Kết thúc phiên 5/10, chỉ số Dow Jones giảm 42,45 điểm (-0,14%), xuống 30.273,87 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,65 điểm (-0,20%), xuống 3.783,28 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 27,77 điểm (-0,25%), xuống 11.148,64 điểm.

Chứng khoán châu Âu điều chỉnh sau khi đã tăng ba ngày liên tiếp trước đó, với hoạt động kinh doanh giảm sút trong khu vực làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.

Sau khi tăng hơn 5% trong ba phiên trước đó, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu đã giảm 1,03% xuống 398,89 điểm, do một đợt tăng lãi suất mạnh từ ngân hàng trung ương của New Zealand đã khiến các nhà đầu tư kinh ngạc và đè nặng lên tâm lý rủi ro.

Ngân hàng trung ương của New Zealand đã nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 7 năm và nhận định sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi nước này phải vật lộn để hạ nhiệt lạm phát.

Trong khi đó, dữ liệu mới nhất cho thấy hoạt động kinh doanh của khu vực đồng euro đã giảm trong tháng thứ ba vào tháng 9, đánh tan mọi hy vọng liên minh tiền tệ sẽ tránh được suy thoái.

Patrick Armstrong, Giám đốc đầu tư tại Plurimi Wealth, cho biết: “Tôi nghĩ châu Âu đang rơi vào một cuộc suy thoái khá mạnh. Người dân đang phải vật lộn với tiêu dùng, khi đang bị kéo lùi bởi các hóa đơn điện nước và giá xăng dầu ... Sản xuất sẽ chậm lại rất nhiều khi giá điện tăng."

Gần như tất cả các chỉ số ngành của STOXX 600 đều giảm, dẫn đầu là nhóm cổ phiếu bất động sản giảm gần 4,2% và bán lẻ giảm 3,2%, tiếp theo là các nhóm viễn thông và ngân hàng giảm lần lượt 2,2% và 2,1%.

Kết thúc phiên 5/10: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 33,84 điểm (-0,48%), xuống 7.052,62 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 153,30 điểm (-1,21%), xuống 12.517,18 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 54,23 điểm (-0,90%), xuống 5.985,46 điểm.

Giá dầu thô tiếp tục tăng và leo lên mức cao nhất trong 3 tuần, sau khi OPEC+ đồng thuận trong việc cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày.

Kết thúc phiên 5/10, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 1,24 USD/thùng (+1,41%), lên 87,76 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,57 USD/thùng (+1,68%), lên 93,37 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục