Giới đầu tư bán tháo cổ phiếu Tesla và Netflix

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq lao dốc trong phiên thứ Năm (20/7), bị đè nặng bởi sự sụt giảm của Tesla và Netflix sau khi báo cáo kết quả kinh doanh, nhưng Dow Jones đã tăng ngày thứ chín liên tiếp nhờ mức tăng của Johnson &Johnson.
Giới đầu tư bán tháo cổ phiếu Tesla và Netflix

Theo đó, cổ phiếu của nhà sản xuất xe điện Tesla giảm 9,74%, mức giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ ngày 20/4, sau khi nhà sản xuất xe điện báo cáo biên lợi nhuận gộp quý II giảm xuống mức thấp nhất trong bốn năm và CEO Elon Musk gợi ý về việc giảm giá xe xuống thấp hơn nữa.

Trong khi đó, Netflix cũng lao dốc, giảm 8,41% và chịu mức giảm lớn nhất trong một ngày kể từ ngày 15/12/2022, sau khi doanh thu quý vừa qua thấp hơn ước tính của thị trường.

Ở chiều ngược lại, Dow Jones được nâng đỡ nhờ cổ phiếu Johnson & Johnson vọt 6%, sau khi công ty sản xuất dược phẩm nâng triển vọng cả năm cùng với việc công bố kết quả kinh doanh quý II vượt kỳ vọng của Phố Wall.

Theo dữ liệu từ FactSet, trong số các công ty S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý II, 74% trong số đó đã vượt quá kỳ vọng. Lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ đang củng cố cho kịch bản “hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ.

Kết thúc phiên 20/7: Chỉ số Dow Jones tăng 163,97 điểm (+0,47%), lên 35.226,18 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 30,84 điểm (-0,68%), xuống 4.534,87 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 294,71 điểm (-2,05%), xuống 14.063,31 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng, được hỗ trợ bởi các công ty khai thác, ngân hàng và lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, mặc dù cổ phiếu chip đã chứng kiến một đợt bán tháo mạnh sau dự báo doanh số ảm đạm của nhà sản xuất chip Đài Loan TSMC.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,42% lên 463,93 điểm nối dài đà tăng sang phiên thứ ba liên tiếp.

Lợi nhuận doanh nghiệp lạc quan và dấu hiệu lạm phát tiêu dùng của Anh giảm mạnh đã làm tăng thêm hy vọng áp lực giá cả toàn cầu giảm bớt.

Nhóm cổ phiếu khai thác và và chăm sóc sức khỏe tăng khoảng 1,6% mỗi ngành, trong khi ngân hàng tăng 0,6%. Tất cả các lĩnh vực này đều nằm trong số những ngành hoạt động hàng đầu trên thị trường phiên hôm nay.

Daniela Hathorn, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Capital.com, cho biết “Những lĩnh vực này đã giảm mạnh nhất trong sáu tháng đầu năm. "Vì vậy, không có gì lạ khi thấy một chút động lực phục hồi”,

Chỉ số FTSE 100 blue-chip của Anh cũng ở mức cao nhất trong một tháng, với Anglo American tăng 3,3% sau khi sản lượng đồng nửa đầu năm của công ty khai thác toàn cầu này tăng 42%.

Trong khi đó, lĩnh vực công nghệ đã tăng gần 23% trong năm nay đã giảm mạnh nhất trong phiên hôm nay với mức giảm 2,5%, với các công ty bán dẫn bao gồm ASML, ASM International và Aixtron giảm từ 2,7% đến 5,6%, sau khi TSMC dự báo doanh số bán hàng năm 2023 sẽ giảm, do ảnh hưởng từ nền kinh tế toàn cầu làm giảm nhu cầu về chip.

Trọng tâm của thị trường bây giờ sẽ chuyển sang các cuộc họp quan trọng của ngân hàng trung ương vào tuần tới, với các nhà giao dịch dự báo Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tăng lãi suất thêm 0,25%.

Kết thúc phiên 20/7: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 57,85 điểm (+0,76%), lên 7.646,05 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 95,29 điểm (+0,59%), lên 16.204,22 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 57,97 điểm (+0,79%), lên 7.384,91 điểm.

Giá dầu thô nhích nhẹ, được hỗ trợ bởi lượng dầu dự trữ của Mỹ giảm, Ngoài ra, nhập khẩu dầu thô Nga của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục trong tháng 6, theo dữ liệu chính thức được Trung Quốc công bố hôm thứ Năm.

Kết thúc phiên 20/7, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 0,28 USD/thùng (+0,4%), lên 75,63 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,18 USD/thùng (+0,2%), lên 79,64 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục