Giới đầu tư bán tháo cổ phiếu

(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên thứ Tư (18/12), với cả ba chỉ số chính đều ghi nhận mức giảm một phiên lớn nhất trong nhiều tháng, sau khi Fed cắt giảm lãi suất, nhưng khiến một số nhà đầu tư thất vọng với các dự báo về một con đường nới lỏng thận trọng hơn trong năm tới.
Ảnh minh hoạ: AFP

Fed đã chính thức cắt giảm lãi suất thêm 0,25% xuống phạm vi 4,25%-4,5%, nhưng bản tóm tắt dự báo kinh tế (SEP) cho thấy họ sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất tổng cộng thêm 0,5% vào cuối năm 2025 do thị trường lao động vững chắc và sự đình trệ gần đây của lạm phát.

"Nếu bạn nhìn vào những thay đổi đối với tuyên bố dự báo kinh tế, họ thực sự không có lựa chọn nào khác ngoài việc chậm lại trong việc cắt giảm lãi suất", Ellen Hazen, chiến lược gia thị trường trưởng tại F.L.Putnam Investment Management ở Wellesley, Massachusetts cho biết.

Phiên hôm nay, cả Dow Jones và S&P 500 đã chứng kiến phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 5/8, trong khi Nasdaq có phiên tệ nhất kể từ ngày 24/7.

Chỉ số Dow Jones qua đó ghi nhận phiên giảm thứ 10 liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ đợt giảm 11 phiên vào tháng 10 năm 1974.

Chỉ số Russell 2000, bao gồm các công ty vốn hóa nhỏ giảm 4,4%, mức giảm lớn nhất kể từ ngày 16/6/2022. Mặc dù các cổ phiếu vốn hóa nhỏ được coi là hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp hơn.

Tuy nhiên, bất chấp sự sụt giảm, chỉ số Dow Jones đã tăng gần 12,3% trong năm nay, trong khi S&P 500 đã tăng khoảng 23% và Nasdaq đã tăng hơn 29%, được nâng đỡ bởi các công ty công nghệ với tâm điểm xung quanh công nghệ trí tuệ nhân tạo, cùng với triển vọng về môi trường lãi suất thấp và gần đây là hy vọng về các chính sách từ chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cảnh giác rằng một số chính sách dự kiến của Trump, chẳng hạn như thuế quan, có thể khiến lạm phát trỗi dậy.

Kết thúc phiên 18/12: Chỉ số Dow Jones giảm 1.123,03 điểm (-2,58%), xuống 43.326,87 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 178,45 điểm (-2,95%), xuống 5.872,16 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 716,37 điểm (-3,56%), xuống 19.392,69 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng, được thúc đẩy bởi cổ phiếu công nghệ và nhà sản xuất ô tô Pháp Renault, mặc dù mức tăng đã bị chặn lại do thận trọng trước quyết định chính sách và triển vọng của Fed về lãi suất.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,15% lên 514,43 điểm, chấm dứt chuỗi bốn ngày giảm liên tiếp, với cổ phiếu công nghệ vượt trội khi tăng 1,1%.

Phiên này, điểm sáng từ cổ phiếu Nhà sản xuất ô tô Pháp Renault tăng 5,2%, dẫn đầu mức tăng trên STOXX 600, sau khi các nguồn tin cho thấy Honda và Nissan đang đàm phán để tăng cường hợp tác, bao gồm cả khả năng sáp nhập. Renault là cổ đông lớn nhất của Nissan và cho biết họ sẵn sàng về nguyên tắc đối với một thỏa thuận.

Trong khi đó, Fed được dự đoán sẽ cắt giảm lãi suất 0,25% vào cuối ngày thứ Tư giữa bối cảnh các dữ liệu của nền kinh tế Mỹ vẫn vững vàng.

"Các dữ liệu kinh tế mới nhất từ Mỹ vẽ nên một bức tranh hỗn hợp. Số liệu doanh số bán lẻ mạnh mẽ được bù đắp bởi sự sụt giảm đáng ngạc nhiên trong sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, Fed vẫn có lựa chọn cắt giảm lãi suất vào hôm nay và triển vọng thận trọng đối với một năm 2025, trong đó có thể có rất ít hoặc không có việc cắt giảm lãi suất nữa”, Jochen Stanzl, nhà phân tích thị trường trưởng tại CMC Markets cho biết.

Một dữ liệu mới cho thấy, lạm phát của khu vực đồng euro chạm 2,2% trong tháng 11, giảm nhẹ so với ước tính trước đó là 2,3%.

Kết thúc phiên 18/12: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 3,91 điểm (+0,05%), lên 8.199,11 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 3,80 điểm (-0,02%), xuống 20.242,57 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris tăng 18,92 điểm (+0,26%), lên 7.384,62 điểm.

Giá dầu thô giảm, ngay cả khi tồn kho dầu thô của Mỹ giảm ủng hộ, nhưng việc Fed báo hiệu rằng họ sẽ làm chậm tốc độ cắt giảm lãi suất đã gây áp lực đến giá dầu.

Kết thúc phiên 18/12, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 0,50 USD (+0,71%), lên 70,68 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,20 USD (+0,27%), lên 73,39 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục