Hiệp hội Chứng khoán Trung Quốc, cơ quản tự quản ngành chứng khoán tại quốc gia này, đã tiến hành buổi họp vào đêm ngày 20/12 để thảo luận về vấn đề trái phiếu giả.
Hơn 10 tổ chức tài chính có liên quan tới thương vụ này đã nhóm họp, với sự chủ trì của ông Li Chao, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC). Cuộc họp kéo dài trong 5 giờ.
Sealand Securities, công ty niêm yết tại Sàn Giao dịch chứng khoán Thẩm Quyến, đang đối diện với thiệt hại khổng lồ liên quan tới các trái phiếu có giá trị 1,44 tỷ USD.
Trong báo cáo gửi CSRC, Sealand cho biết Công ty không ủy quyền cho Zhang Yang, giám đốc cấp cao của Sealand và một nhân viên khác ký vào các hợp đồng huy động vốn qua trái phiếu và con dấu dùng trong các tài liệu trên là giả. Hiện có 22 tổ chức tài chính đang nắm giữ trái phiếu này, trong đó bao gồm các ngân hàng thương mại và một số công ty chứng khoán.
Thương vụ này được thực hiện theo hình thức hợp đồng ủy quyền trái phiếu, tương tự như hợp đồng mua lại. Theo đó, bên cho vay đồng ý trả tiền và nắm giữ trái phiếu của bên vay trong một khoảng thời gian nhất định để nhận được phí. Bên vay sẽ có lãi nếu giá trái phiếu tăng và sẽ chịu lỗ nếu giá trái phiếu giảm.
Giao dịch cổ phiếu của Sealand đã bị tạm ngừng kể từ ngày 22/12. Ông Zhang hiện đã rời Trung Quốc và chưa thể liên lạc được.
Sealand là công ty chứng khoán lớn thứ 31 tại Trung Quốc tính theo giá trị tài sản vào cuối năm 2015.
Chi tiết về cuộc họp giữa Sealand và 22 tổ chức tài chính có liên quan đã được công bố. Theo đó, đại diện Sealand cho biết các bên liên quan sẽ tiến hành xác minh con dấu trên các hợp đồng. Trong khi các công ty khác cho rằng, Sealand “thiếu trách nhiệm” khi đổ mọi trách nhiệm lên 2 nhân viên.
Thiệt hại của các bên vẫn chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên, theo Caixin trích dẫn từ một thành viên tham gia buổi họp, giới chức Trung Quốc đã yêu cầu các công ty chứng khoạn tạm thời chưa bán ra các trái phiếu từ Sealand trong ngắn hạn để công ty này có thời gian sắp xếp khoản tiền phạt và để giúp thị trường liên ngân hàng ổn định sau scandal này.
Đây không phải lần đầu tiên thị trường tài chính Trung Quốc chứng kiến bê bối như thế này. Năm ngoái, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và China Citic Bank là một trong số những nhà băng dính vào scandal khi nhân viên ngân hàng sử dụng các chứng nhận thanh toán của ngân hàng để tiến hành huy động vốn đầu tư chứng khoán.