Không còn lựa chọn
Kengou Kyougoku vay mượn 122.000 yen (1.035 USD) mỗi tháng dù đã có hỗ trợ từ học bổng và một công việc làm thêm. Nguyên nhân do mẹ anh không thể chi trả nổi cho khoản học phí từ trường đại học danh giá Waseda tại Tokyo.
Kyogoku, sinh viên năm hai khoa kỹ sư máy tính và truyền thông chia sẻ: “Khoản nợ này quá lớn với tôi. Đã nhiều lần tôi tự hỏi rằng liệu sau này mình có đủ khả năng trả nợ không. Nhưng hiện tại thì tôi không còn lựa chọn nào khác”.
Những hoàn cảnh như Kyogoku đang trở thành một thực trạng chung tại Nhật Bản. Hơn một nửa số sinh viên tại quốc gia này đang cần tới những khoản viện trợ tài chính. Trong quá khứ, những khoản vay như thế này khá hiếm, do phần lớn sinh viên đều đến từ những gia đình trung lưu khá giả, đủ khả năng để chi trả học phí cho con cái.
Nhưng ngày nay, nhiều người làm công ăn lương tại Nhật đang phải chịu ảnh hưởng từ một nền kinh tế “nguội lạnh” trong thời gian dài. Mức nhu nhập thấp cùng với khoản tiết kiệm ít ỏi của các hộ trung lưu đã phản ảnh phần nào sự bất bình đẳng thế hệ tại Nhật Bản.
Dù mức vay nợ sinh viên của Nhật Bản vẫn còn kém xa so với tại Mỹ, khi tổng các khoản vay của sinh viên Mỹ lên tới 1,3 nghìn tỷ USD, trong khi tại Nhật con số này chỉ khoảng 76 tỷ USD. Tuy nhiên khoản nợ sinh viên lại được coi như một đòn giáng mạnh mẽ xuống Nhật Bản lúc này.
Các khoản nợ của sinh viên Mỹ không ngừng tăng
Giới trẻ Nhật vốn chỉ chiếm một phần nhỏ dân số nhưng đã và đang phải gánh chịu những gánh nặng thuế và phúc lợi xã hội. Giờ đây, họ lại càng có thêm nhiều nỗi lo chính đáng hơn. Những khoản nợ này khiến sinh viên nghèo càng thêm nản lòng do lo sợ rằng trong tương lai sẽ không thể kiếm nổi công việc với mức lương đủ cao để trả nợ.
Chưa kể đến những sức ép phải gia tăng học bổng đặt lên vai chính phủ Nhật Bản, vốn cũng đang trong cảnh nợ nần.
Matthew Goodman, nhà tư vấn cấp cao về kinh tế châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại Washington cho biết: “Những người trẻ tại Nhật Bản dường như đang rơi vào tuyệt vọng. Số lượng thanh niên đang ngày càng giảm dần. Và chính phủ Nhật Bản đáng nhẽ nên khiến cho những người này cảm thấy tự tin, lạc quan và hăng say lao động hơn”.
Nếu mỗi người đóng góp một phần nhỏ để hỗ trợ học bổng cho những người trẻ, thì chính những người trẻ đó sau này sẽ lại làm việc chăm chỉ để trở thành một công dân đóng thuế. Đây thực chất là một khoản đầu tư cho tương lai
Ngày 22/12 vừa qua, Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định trích 7 tỷ yên từ ngân khố quốc gia để hỗ trợ các quỹ học bổng chính phủ kể từ thời điểm đầu năm tài chính 4/2017 tại Nhật. Đây được coi là một nỗ lực giúp việc học lên cao trở nên dễ tiếp cận hơn.
Thủ tưởng Abe đã phát biểu trước Quốc hội trong cuộc họp tháng 10: “Không nên để tình hình tài chính của gia đình ảnh hưởng đến tương lai thế hệ trẻ. Nếu mỗi người đóng góp một phần nhỏ để hỗ trợ học bổng cho những người trẻ, thì chính những người trẻ đó sau này sẽ lại làm việc chăm chỉ để trở thành một công dân đóng thuế. Đây thực chất là một khoản đầu tư cho tương lai”.
Cạnh tranh với người già và robot
Theo báo cáo từ các chính quyền địa phương tại Nhật, phần lớn chi tiêu xã hội đều hướng tới những thế hệ lớn tuổi hơn – những người có đủ tầm ảnh hưởng đến các chính sách quốc gia.
Số lượng người trên 75 tuổi chiếm tỷ lệ lớn hơn nhiều so với số trẻ em từ 14 tuổi trở xuống
Viện nghiên cứu quốc gia về Dân số và Nghiên cứu An Sinh Xã Hội cho biết số lượng người trên 75 tuổi chiếm tỷ lệ lớn hơn nhiều so với số trẻ em từ 14 tuổi trở xuống; và con số này được dự đoán sẽ ngày càng tăng nhanh chóng. Đến năm 2035, ước đoán số lượng người cao tuổi sẽ chiếm 20% trên tổng dân số, trong khi con số này ở trẻ em dưới 15 tuổi chỉ là 10%.
Hệ thống giáo dục được coi là một trong những trụ cột phát triển kinh tế Nhật Bản kể từ sau chiến tranh. Việc đầu tư vào giáo dục đã cho ra đời những thế hệ công nhân lành nghề phục vụ cho ngành công nghiệp, với những cái tên sáng giá như Sony, Toyota. Chính thế hệ công nhân này đã giúp Nhật Bản phát triển hệ thống sản xuất công nghệ hiệu quả nhất trên thế giới.
Một tấm bằng đại học giờ đây không còn là vật đảm bảo cho một công việc toàn thời gian tại những tập đoàn “tuyển dụng cả đời”
Trong giai đoạn 1960 - 1980, tỷ lệ những người trên 18 tuổi đi học đại học đã tăng từ 10% lên đến 37%, Bộ trưởng Bộ giáo dục phát biểu. Ngày nay, con số này đã tăng lên tới 80%. Tuy nhiên, một tấm bằng đại học giờ đây không còn là vật đảm bảo cho một công việc toàn thời gian tại những tập đoàn “tuyển dụng cả đời” nữa.
Tương tự, ngoài khoản vay 122.000 yên hàng tháng và học bổng 400,000 yên từ trường đại học, Kyogoku đang làm thêm tại một quán karaoke để có thể trang trải chi phí sinh hoạt và tiết kiệm để học lên cao học. Kyogoku, 20 tuổi, chia sẻ: “Tôi vô cùng bi quan về nền kinh tế Nhật Bản và tương lai bản thân”.
Các sinh viên Nhật tham gia vào một hội chợ việc làm
Nâng cao trình độ được coi là yếu tố sống còn tại Nhật Bản khi chính phủ nước này đang đặt mục tiêu sử dụng robot và các hệ thống tự động nhiều hơn nữa trong cả sản xuất và dịch vụ. Đây được coi là một nỗ lực để đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Masayuki Kobayashi, chuyên gia cao học tại Đại học Tokyo nhận định: “Những đột phá công nghệ như trí tuệ nhân tạo sẽ có thể thay thế cả những lao động phức tạp. Điều này có nghĩa con người càng phải trau dồi thêm nhiều kỹ năng để có thể theo kịp. Giáo dục vẫn cần cải thiện nhiều mặt và theo đó đóng góp cho sự phát triển kinh tế”.
Những khoản vay sinh viên
Với nguồn hỗ trợ từ phía gia đình giảm dần, đang ngày càng nhiều sinh viên tìm đến Tổ chức Dịch vụ Sinh viên Nhật Bản (JASSO). Đây là một tổ chức cho vay dưới sự điều hành của chính phủ Nhật. Những khoản vay sẽ bị tính lãi từ 0% đến 3% tùy thuộc vào bằng cấp học và lãi suất ngân hàng. Tính đến tháng 3/2016, số lượng sinh viên vay từ JASSO đã tăng 51% lên tới 976.000 trường hợp trong một thập kỷ qua.
Hơn một nửa sinh viên đại học đang dựa vào những khoản hỗ trợ
Số liệu từ JASSO cho thấy, hơn một nửa sinh viên đại học đang dựa vào những khoản hỗ trợ bên ngoài bao gồm học bổng và các quỹ cho vay. Việc vay nợ đang ngày càng dẫ tới nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Yoshiharu Iwashige, một luật sư làm việc tại Tokyo nhận định: “Có không ít sinh viên phải bỏ học để kiếm tiền trả nợ. Thậm chí đã nhiều trường hợp đã phải đến làm việc với tôi để nộp hồ sơ phá sản. Đây đã trở thành một vấn nạn đối với tầng lớp trung lưu. Rất nhiều người trong số họ đã phải từ bỏ việc kết hôn và sinh con. Giờ đây những điều tưởng chừng bình thường đã trở thành một đặc quyền, vì khoản nợ sinh viên đang ngáng đường họ”.
Những nỗ lực của thủ tướng Abe dường như không đủ để ngăn chặn làn sóng vay do chính chính phủ Nhật Bản cũng đang chìm trong cảnh nợ nần.
Chủ tịch JASSO, ông Katsuhiro Endo, 71 tuổi, cho biết: “Không thể giải quyết tất cả chỉ bằng học bổng”. Ông cũng cho biết các nhà hoạch định chính sách đang ngần ngại cắt giảm chi tiêu cho tầng lớp công dân lớn tuổi vì những ảnh hưởng chính trị của họ.
Trong thập kỷ qua, các khoản nợ tại JASSO đã tăng gấp đôi lên đến 9 nghìn tỷ yên. Tính đến 3/2016, 165.000 cá nhân, chiếm 4,2% tổng số người vay nợ đã không kịp trả nợ khi đáo hạn.
Ông Taiji Saito, trưởng phòng phụ trách các vấn đề liên quan đến sinh viên tại Đại học Waseda nhận định các trường đại học Nhật bản cần phải hỗ trợ sinh viên nếu không muốn những nhân tài của đất nước chọn con đường du học nước ngoài.
Waseda đã cấp học bổng lên tới 2,1 tỷ yên trong năm tài chính 2016, trong khi các sinh viên của trường đã phải vay tới 9,3 tỷ yên từ JASSO.
Hiroki Yamakawa