Gilimex (GIL): Ẩn số vụ kiện Amazon

(ĐTCK) Chỉ khi thắng kiện Amazon ở mức được đền bù toàn bộ thiệt hại, Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã GIL) mới bảo toàn được vốn cho cổ đông.
Vụ kiện Amazon là thông tin thu hút sự quan tâm của cổ đông, nhà đầu tư tại Gilimex

Lợi nhuận bị đe dọa nếu không được bồi thường như kỳ vọng

Cuối năm 2022, Gilimex khởi kiện Amazon - đối tác đặt hàng lớn nhất của Công ty để đòi bồi thường 280 triệu USD, tương đương 7.100 tỷ đồng. Gilimex cáo buộc Amazon “làm thương mại không công bằng”, vi phạm hợp đồng và vi phạm nghĩa vụ ủy thác. Đối tác Mỹ đã đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng khiến Gilimex gặp tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô, do trước đó đã đầu tư quá mạnh để phục vụ khách hàng này.

Trong thời gian dài, từ năm 2014 đến năm 2021, lượng đơn đặt hàng của Amazon chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của Gilimex. Chẳng hạn, năm 2021, đơn hàng từ Amazon chiếm đến 80% doanh thu của doanh nghiệp này. Đồng thời, Công ty cũng tuyển 7.000 nhân viên tại nhiều nhà máy để sản xuất hơn 1 triệu đơn vị lưu trữ hàng năm. Theo Gilimex, động thái đột ngột này của Amazon khiến hàng tồn kho và nguyên liệu thô của Gilimex trữ để sản xuất hàng cho Amazon trở nên vô giá trị.

Tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua, bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, Tổng giám đốc Gilimex cho biết: “Về phần hàng tồn kho đang bị ảnh hưởng, Công ty đã chủ động xử lý để khắc phục thiệt hại. Tất cả thiệt hại và hàng tồn liên quan đến tranh chấp sẽ được đưa vào quá trình đàm phán và giải quyết với khách hàng”.

Theo báo cáo tài chính năm 2024, Gilimex có lượng hàng tồn kho trị giá hơn 1.647 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ đồng so với con số đầu năm là 1.364 tỷ đồng. Trong đó, hơn 800 tỷ đồng tồn kho liên quan đến vụ kiện với Amazon.

Có nhiều câu hỏi được đặt ra: Trong kịch bản mà Gilimex kỳ vọng, Công ty sẽ được đền bù một phần thiệt hại thì khoản đền bù này có đủ để bù đắp toàn bộ cho khoản tồn kho từ năm 2022 đến nay hay không? Trong trường hợp khoản đền bù thấp hơn giá trị của khoản tồn kho, Công ty có phải trích lập dự phòng khi đánh giá lại giá trị hàng tồn kho hay không? Nếu trích lập giảm giá hàng tồn kho thì khoản trích lập đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lợi nhuận?

Lợi nhuận của Gilimex kể từ năm 2023 - sau khi đối tác Amazon ngưng đặt hàng đã xuống mức thấp kỷ lục, chỉ đạt hơn 28 tỷ đồng trong năm 2023 và 26 tỷ đồng trong năm 2024. Nếu khoản trích lập dự phòng có giá trị lớn sẽ đe dọa lợi nhuận, vốn đang rất mỏng của Công ty.

Cổ phiếu GIL đã tăng trần 3 phiên sau khi Tổng giám đốc Gilimex tiết lộ Công ty có thể được bồi thường thiệt hại một phần từ vụ kiện với Amazon. Vốn chủ sở hữu của Gilimex tại thời điểm cuối năm 2024 là 2.560 tỷ đồng, tương đương giá trị sổ sách của mỗi cổ phiếu GIL là 24.369 đồng, cao hơn nhiều so với thị giá 15.500 đồng/cổ phiếu hiện tại. Nhưng nếu chỉ được bồi thường một phần trong vụ kiện với Amazon, hoặc trong kịch bản xấu nhất là không được bồi thường thì Gilimex có thể mất tối đa 1/3 vốn chủ sở hữu hiện tại, tương đương lượng hàng tồn kho liên quan đến Amazon là vô giá trị, chưa kể các thiệt hại khác.

Gilimex lên kế hoạch trả cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 10%, nhưng nguồn chia cổ tức không phải từ lợi nhuận năm 2024, mà là từ lợi nhuận tích lũy. Với mức chia này, Công ty sẽ chi ra 102 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty cũng lên kế hoạch vay vốn 3.000 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư các dự án khu công nghiệp. Khi nguồn doanh thu và lợi nhuận từ khách hàng mới chưa tăng mạnh, nguồn vốn của Công ty cần ưu tiên cho nhu cầu đầu tư hơn là trả cổ tức tiền mặt.

Lại phụ thuộc vào một đối tác lớn

Năm 2025, Gilimex đặt kế hoạch lợi nhuận 150 tỷ đồng. Tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua, Ban lãnh đạo Gilimex cho biết, Công ty hoàn toàn có cơ sở để xây dựng kế hoạch lợi nhuận năm 2025. Công ty đã ký kết hợp tác với đối tác chiến lược thuộc lĩnh vực thú nhồi bông từ cuối năm 2024. Đây là nhóm khách hàng mang lại giá trị bán và doanh thu lớn. Công suất hiện tại mới chỉ đáp ứng 30% nhu cầu của khách hàng. Giai đoạn 2025 - 2030, nhu cầu của đối tác này dự kiến sẽ tăng gấp ba lần. Với quy mô hiện tại khoảng 3.000 công nhân, Công ty dự kiến sẽ tăng lên khoảng 10.000 công nhân trong 3 - 5 năm tới. Điều này giúp Công ty hoàn toàn khả thi trong việc thực hiện kế hoạch lợi nhuận năm 2025.

Gilimex lên kế hoạch đầu tư nhà xưởng ở các khu vực có giá nhân công rẻ hơn để tái cơ cấu sản xuất, chuyển sản xuất mặt hàng gia dụng (từ vải) về nhà xưởng mới và dành nhà xưởng còn lại cho sản xuất thú nhồi bông.

Ngay trước thềm đại hội cổ đông, Gilimex và đối tác đã trao đổi về việc tăng công suất, đầu tư thêm nhà xưởng mới. Được biết, đây là đối tác đến châu Âu, sản xuất thú nhồi bông với sản phẩm có giá bán từ 60 - 100 Euro/sản phẩm.

Như vậy, đối tác thú nhồi bông lại trở thành khách hàng lớn nhất của Gilimex. Bên lề đại hội cổ đông thường niên 2025 của Gilimex, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán về bài học rút ra sau câu chuyện với Amazon, CEO Nguyễn Thị Nguyệt Ánh cho biết: “Công ty sẵn sàng đầu tư, sẵn sàng đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất theo đơn hàng của đối tác và lộ trình 4 - 6 tháng để mở một nhà máy thú nhồi bông mới. Làm việc với đối tác quốc tế, theo kinh nghiệm của Công ty, là phải ký các hợp đồng nguyên tắc, trong đó có đảm bảo rủi ro về thanh toán cũng như xử lý tranh chấp…”.

Đặc điểm của doanh nghiệp dệt may Việt Nam là bán hàng theo phương thức B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) nên hay phụ thuộc vào một đối tác lớn, một thị trường lớn. Tuy nhiên, trường hợp của Gilimex, mức độ phụ thuộc quá lớn cũng là hiếm thấy và dường như câu chuyện này đang có xu hướng lặp lại.

Minh Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục