OCB báo lãi trước thuế 893 tỷ đồng trong quý I/2025

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã OCB - sàn HOSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2025 với lợi nhuận trước thuế đạt 893 tỷ đồng, hoạt động cốt lõi giữ đà tăng trưởng tốt.
OCB báo lãi trước thuế 893 tỷ đồng trong quý I/2025

Kết thúc quý I/2025, quy mô tài sản của OCB đã có sự tăng trưởng so với đầu năm, đạt mức 289.067 tỷ đồng, tăng 3%. Ngân hàng cũng ghi nhận kết quả dư nợ thị trường 1 đạt 184.388 tỷ đồng, với sự đóng góp đáng kể từ nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) với mức tăng trưởng 9,3%.

Đây là tín hiệu khởi sắc, phản ánh hiệu quả các giải pháp mà Ngân hàng đang triển khai và cho thấy nguồn vốn cũng đã được tối ưu hóa để hỗ trợ nhóm khách hàng này, theo đúng chủ trương của Chính phủ và NHNN. Huy động thị trường 1 đạt 207.984 tỷ đồng, tăng 7,9% so với đầu năm.

Tổng thu thuần đạt 2.273 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, quý I/2025, OCB tiếp tục ghi nhận hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng trưởng tốt và ổn định.

Thu thuần từ lãi đạt 2.164 tỷ đồng, tăng 13,8% so với quý I/2024 nhờ vào quy mô tín dụng tăng trưởng mạnh 20,4%. Thu thuần từ dịch vụ tăng 9,4% so với cùng kỳ, đạt 131 tỷ đồng đến từ hoạt động chuyển đổi số hiệu quả, phục hồi của hoạt động tư vấn và đại lý bảo hiểm và các khoản thu phí khác từ dịch vụ.

Tính đến 31/3/2025, lợi nhuận trước thuế lũy kế của OCB đạt 893 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát theo đúng quy định của NHNN.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc OCB cho biết, kết quả kinh doanh quý I/2025 của Ngân hàng chưa đạt như kỳ vọng lý do chính đến từ nợ xấu tăng, cụ thể là nợ có tài sản đảm bảo của khách hàng cá nhân.

Khi nền kinh tế kém khởi sắc, khách hàng cá nhân chính là đối tượng bị ảnh hưởng khá nặng, phải đối mặt với tỷ lệ mất việc cao, mất nguồn thu nhập chính dẫn đến mất khả năng trả nợ... Từ đó, tác động mạnh đến khả năng chi trả các khoản vay tại ngân hàng.

Mặt khác, giai đoạn vừa qua, OCB tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, chuyển đổi số cũng như phát triển mạng lưới kinh doanh trên toàn quốc. Việc đầu tư này ở giai đoạn ngắn hạn có thể làm giảm lợi nhuận của ngân hàng nhưng về dài hạn, đây được xem là chi phí tốt, nhằm tạo đà phát triển bền vững cho OCB và thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn sắp tới.

"Với sự hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ, NHNN cùng tình hình thị trường bất động sản cũng đang dần 'sôi động' trở lại, chúng tôi kỳ vọng nợ xấu của ngành Ngân hàng có thể giảm và sẽ dần cải thiện từ quý II/2025, cũng như thể hiện rõ nét hơn trong nửa cuối năm", ông Hải cho biết thêm.

Năm 2025, Ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 316.779 tỷ đồng, tăng 13%; tổng huy động thị trường 1 đạt 218.842 tỷ đồng, tăng 14%; tổng dư nợ thị trường 1 tăng 16%, đạt 208.472 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng 33% so với năm 2024, đạt 5.338 tỷ đồng.

OCB cho biết, sẽ tập trung vào các kế hoạch hành động trọng tâm bao gồm: Tập trung thu nhập lõi, tăng tỷ trọng thu nhập phí và CASA; Tập trung chuyển đổi số và phát triển dữ liệu; Quản trị vốn và rủi ro theo chuẩn Basel; Xây dựng văn hóa và nâng cao năng lực nhân sự. Đặc biệt, ngân hàng sẽ đẩy mạnh phát triển đa dạng sản phẩm, thực hiện mục tiêu mỗi khách hàng cá nhân tối thiểu sẽ sử dụng 4 sản phẩm của OCB.

Bên cạnh đó, năm 2025, cũng sẽ là năm đầu tiên OCB thực hiện chia cổ tức tiền mặt kể từ khi lên sàn chứng khoán. Như vậy, dự kiến tổng lợi ích cổ đông nhận được là 15% thông qua chính sách chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% vốn điều lệ, tương đương số tiền 1.726 tỷ đồng và tiếp tục trình tăng vốn điều lệ lên 26.631 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 8%.

Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/4, cổ phiếu OCB đứng tại mức giá 10.400 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh hơn 1,4 triệu đơn vị.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục