Giấy chứng nhận kiểu loại được gỡ, ô tô nhập sắp tăng ồ ạt trở lại?

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, vừa qua đã xác nhận nhiều mẫu giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại. Số liệu Tổng cục Hải quan vừa công bố cũng cho thấy, ngay trong tuần đầu tháng (từ 2-8/3) có tới hơn 2.000 chiếc ô tô nguyên chiếc nhập về Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ.

Trong khi một số doanh nghiệp vẫn "kêu" về Nghị định 116 thì lượng xe nhập khẩu cập cảng về nước đã tăng mạnh trở lại. Số liệu Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy, ngay trong tuần đầu tháng (từ 2-8/3) đã có hơn 2.000 chiếc ô tô nguyên chiếc nhập về Việt Nam.

Trao đổi với Dân trí, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cũng cho biết, vừa qua đã xác nhận nhiều mẫu giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại. Vị này cho rằng, ô tô sẽ được nhập trở lại với bình thường trong thời gian tới đồng thời chất lượng được kiểm soát tốt hơn rất nhiều. 

Sau khi Bộ ban hành Thông tư 03 quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP, nhiều doanh nghiệp tiếp tục lên tiếng cho rằng quy định về việc nộp giấy chứng nhận an toàn và bảo vệ môi trường đối với kiểu loại ô tô nhập khẩu do nước ngoài cung cấp (giấy chứng nhận kiểu loại ô tô) gây khó cho doanh nghiệp.

Thậm chí có ý kiến, đây là quy định duy nhất chỉ có ở Việt Nam, điều này không phù hợp với thông lệ quốc tế. Có thực sự đây là loại giấy tờ khó khăn, là rào cản lớn cho doanh nghiệp nhập xe hay không, thưa ông?

Đại diện cho các nhà sản xuất xe lớn trong nước như Honda VN, Ford VN, Thaco và Thành Công đã chủ động làm việc, trao đổi với các đối tác của mình.

Sau quá trình triển khai thực hiện, các đối tác đều đã cung cấp được giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại đáp ứng được yêu cầu của Nghị định 116, Thông tư 03 và đều hy vọng các quy định được kiểm soát, quản lý chặt chẽ nhằm hạn chế hành vi gian lận thương mại, tạo môi trường cạnh tranh, lành mạnh, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và an toàn môi trường, không trái với thông lệ quốc tế.

Sau khi Nghị định 116 và Thông tư 03 được ban hành, một số ý kiến cho rằng Nghị định khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, người tiêu dùng bị ảnh hưởng.

Ngược lại cũng có nhiều ý kiến đồng thuận cao với Nghị định vì cho rằng điều này sẽ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như tính công bằng giữa doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, lắp ráp trong nước với các nhà nhập khẩu.

Từ đó tạo điều kiện phát triển một nền công nghiệp ô tô thực sự, tạo công ăn việc làm cho người dân, thúc đẩy phát triển nền kinh tế.

Nói yêu cầu về giấu chứng nhận kiểu loại là gây khó, là duy nhất ở Việt Nam là không chính xác.

Thực tế thời gian vừa rồi, Bộ GTVT đã xác nhận rất nhiều mẫu giấy chứng nhận và giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại: Như mẫu giấy chứng nhận kiểu loại ô tô do Chính phủ Thái Lan cấp cho Ford Ranger, Ford Everest sản xuất tại Thái Lan và xuất khẩu đến Việt Nam tại văn bản số 1574 của Bộ GTVT ngày 9/2/2018.

Bộ cũng đã xác nhận mẫu giấy chứng nhận an toàn do nhà sản xuất Ford Hoa Kỳ tự phát hành, mẫu giấy chứng nhận khí thải cấp bởi VCA UK cấp cho xe Ford Explorer sản xuất tại Hoa Kỳ đến Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ đã xác nhận giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại do Chính phủ Thái Lan cấp cho ô tô CRV sản xuất tại Thái Lan xuất khẩu đến Việt Nam.

Như vậy về cơ bản đã có những giấy chứng nhận do cơ quan thuộc Chính phủ cấp, nhà sản xuất tự phát hành hoặc tổ chức thứ 3 được cơ quan Chính phủ thừa nhận. Hoàn toàn không có chuyện Việt Nam quy định một loại giấy tờ không có trên thực tế.

Đến thời điểm nay, Bộ GTVT đã hướng dẫn và cùng các doanh nghiệp giải quyết các thủ tục để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Thông tin báo chí thời gian qua cũng đã đưa nhiều rồi, đó là Honda về hơn 2.000 xe.

Giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng cái này tuỳ thuộc vào từng pháp luật quốc gia sở tại. Ở Nhật giấy đó có thể pháp luật uỷ quyền cho nhà sản xuất thì về Việt Nam cũng sẽ chấp nhận. Mỗi nước có thể có những tên gọi khác nhau nhưng quan trọng là sản phẩm được xác nhận về chất lượng kỹ thuật, an toàn.

Thực tế cũng cho thấy, vẫn có những doanh nghiệp họ nhập khẩu bình thường. Một vài tháng nữa thì tôi tin ô tô sẽ được nhập trở lại nhiều bình thường đồng thời chất lượng được kiểm soát tốt hơn rất nhiều.

Vừa qua, có doanh nghiệp phản ánh việc chi phí có thể "đội" lên tới 10.000 USD cho việc tiến hành thử nghiệm khí thải và an toàn đối với từng kiểu loại ô tô trong mỗi lô hàng nhập khẩu? Doanh nghiệp cũng cho rằng, việc thử nghiệm này làm tăng thời gian chờ đợi thông quan lên thêm tới 2 tháng hoặc hơn và làm tăng chi phí lưu kho đối với ô tô nhập khẩu? Phản ánh này có chính xác thưa ông?

Thông tin này là không có cơ sở. Thông tư 03 của Bộ GTVT đã hướng dẫn (quy định) miễn giảm một số điều kiện trong quy trình kiểm tra, thử nghiệm đối với xe nhập khẩu so với xe sản xuất trong nước (xe sản xuất trong nước phải thử nghiệm đủ 7 linh kiện).

Xe nhập khẩu chỉ thử nghiệm xe mẫu đại diện cho lô nhập khẩu và không phải thử nghiệm các linh kiện kèm theo như: lốp, gương, kính, đèn chiếu sáng, vật liệu nội thất chống cháy (các giấy linh kiện này chỉ phải xuất trình giấy chứng nhận); không phải thử nghiệm phép thử bay hơi trong thử nghiệm khí thải, do đó thời gian và chi phí giảm nhiều so với việc thử nghiệm mẫu, chứng nhận kiểu loại xe sản xuất lắp ráp trong nước.

Vì vậy, việc doanh nghiệp có ý kiến phải chờ đợi lên đến 2 tháng để có thể thông quan được lô hàng hoá là chưa cơ sở.

Theo trình tự thực hiện việc đăng kiểm nhập khẩu, sau khi cơ quan kiểm tra lấy ngẫu nhiên mẫu trong lô xe nhập khẩu (có thể 2 mẫu để thử đồng thời cả khí thải và thử an toàn cùng một thời điểm), doanh nghiệp đưa xe đến cơ sở thử nghiệm. Thời gian và chi phí cho một mẫu xe thử nghiệm như sau:

Đối với thử nghiệm khí thải, từ khi cơ sở thử nghiệm nhận xe mẫu đến khi trả kết quả không quá 2 ngày. Chi phí thử 27 triệu đồng/mẫu (đối với động cơ xăng) và 28 triệu đồng đối với xe động cơ diezel).

Về thử nghiệm an toàn, cơ sở thử nghiệm nhận xe mẫu để thử nghiệm và trả xe ngay trong ngày và báo cáo thử nghiệm phát hành vào ngày hôm sau (nếu doanh nghiệp cung cấp đủ tài liệu kỹ thuật về xe mẫu). Chi phí thử nghiệm là 12 triệu đồng/mẫu thử.

Vì vậy, ý kiến cho rằng, việc thử nghiệm một mẫu xe có thể kéo dài tới 6 - 8 tuần (chưa kể thời gian nộp hồ sơ, kiểm tra xe, cấp chứng chỉ - mất thêm khoảng nửa tháng) và chi phí lên tới 10.000 USD cho việc thử khí thải là không có cơ sở.

Chi phí thực tế sẽ chỉ vào khoảng 40 - 50 triệu đồng (tức là chưa đến 2.000 USD). Chỉ sau vài ngày nữa sẽ có những con số thực tế Cục đăng kiểm Việt Nam cung cấp. Con số này được lấy từ biểu phí ra do Bộ Tài chính quy định, không ai có thể lấy thêm đồng nào cả.

Quy trình thử thì đã có hệ thống bài bản rồi. Doanh nghiệp nhiều khi không tự tin nên người ta đem xe chạy rà vài nghìn km trước khi thử nghiệm nên tăng thêm thời gian.

Chúng tôi không có quy định là phải chạy rà thế nhưng do họ không tự tin nên họ đi rà trước. Thời gian kiểm định xe tổng cộng chỉ khoảng 7 ngày thôi. Nếu cộng dồn 2 tháng như phản ánh thì doanh nghiệp còn làm ăn được gì?!

Honda đã tập kết ra trung tâm thử nghiệm rồi. Tuần sau sẽ có kết quả thử nghiệm 18 lô của 2.000 xe và sẽ cho ra kết quả thực tế.

Doanh nghiệp kiến nghị chỉ tiến hành thử nghiệm khí thải và an toàn cho lô hàng đầu tiên và chấp nhận báo cáo thử nghiệm cho các lô hàng tiếp theo, mà không cần phải thử nghiệm lại (giống như quy định trước đây), Bộ ý kiến thế nào về việc này?

Quy định trước đây là kết thử nghiệm được sử dụng trong vòng 1 năm. Nhưng Nghị định 116 quy định rõ lô nào về kiểm tra lô đó. Thông tư 03 chỉ hướng dẫn quy định tại Nghị định 116.

Theo đó, một lô về thì sẽ lấy một cái bất kỳ kiểm tra về khí thải và an toàn. Điều này rất phù hợp phương thức trong quy định luật chất lượng sản phẩm hàng hoá mà Bộ Khoa hoc và Công nghệ đã hướng dẫn. Nó rất cần thiết để giám sát, kiểm tra chất lượng.

Có doanh nghiệp FDI còn cho rằng việc Thông tư 03 yêu cầu xuất trình Giấy chứng nhận kiểu loại của gương, lốp, kính, đèn… là làm khó doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp trong nước lại nói đó là công bằng vì họ phải kiểm tra từng chi tiết này với các xe sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam từ rất lâu. Ông nhận định thế nào?

Yêu cầu Nghị định 116 đặt ra đó là phải đảm bảo sự công bằng giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu. Thông tư 03 hướng dẫn cũng nhằm để đảm bảo được chất lượng hai loại xe này sao cho giống nhau. Xe trong nước cũng phải kiểm soát 7 linh kiện. Các linh kiện này liên quan trực tiếp đến an toàn.

Hiện nay Việt Nam đang theo hệ thống tiêu chuẩn châu Âu. Châu Âu người ta quản lý cả 100 linh kiện. Khi giấy chứng nhận cấp ra thì đẩy đủ tất cả giấy chứng nhận các linh kiện. Do vậy chẳng có gì khó khăn. Doanh nghiệp nhập khẩu cũng không kêu khó khăn về cái này.

Mà đối với nhập khẩu thì chúng tôi cũng chỉ cần bản sao thôi. Có thể nó sẽ là khó với doanh nghiệp nhập quy mô nhỏ lẻ, sang các nước gom hàng thì những hồ sơ đó sẽ không có. Còn nếu các hãng sản xuất chính thống xuất khẩu sang thì bao giờ cũng đi kèm giấy tớ đầy đủ.

Nếu quản lý mà cứ xuề xoà, việc nhập về không được kiểm soát thì khổ người sử dụng thôi. Cái được và cái không được đều phải tính. Do vậy doanh nghiệp kiến nghị vì khó khăn nhưng chúng tôi phải xem xét trên cơ sở đảm bảo lợi ích của cả người tiêu dùng, người dân nữa chứ không thể chỉ biết đến doanh nghiệp.

Ở đây không phải là câu chuyện bảo hộ sản xuất trong nước, mà là vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, góp phần an toàn môi trường.

Như ông chia sẻ, lượng xe nhập khẩu sắp tới có thể sẽ trở lại bình thường. Cùng với đó việc giá thành hạ nhờ ưu đãi thuế sẽ kích thích người dân mua xe hơn. Vậy nếu lượng ô tô tăng, hạ tầng liệu có đáp ứng kịp trong khi hiện nay cũng đã khá nan giải rồi?

Lượng xe nhập khẩu về Việt Nam có thể sẽ trở lại bình thường trong thời gian tới. Với quy mô hiện nay thì Việt Nam chưa phải là nước nhiều ô tô, do vậy Việt Nam là thị trường tiềm năng đối với các nhà sản xuất nhập khẩu ô tô. Như các bạn có thể thấy, hiện tại lượng xe ở Việt Nam mới chỉ tập trung ở các thành phố lớn thôi còn so với các nước khác thì chưa ăn thua gì.

Tuy nhiên ở tại các thành phố lớn, do hạ tầng chưa theo kịp nên xảy ra vấn đề ách tắc quá tải. Cùng với đó, phương tiện công cộng cũng chưa hoàn thiện và đáp ứng kịp được.

Việc giảm bớt ách tắc hiện nay phụ thuộc rất lớn vào tổ chức giao thông của mỗi địa phương. Thời gian qua, đến khi mà Hà Nội có chính sách tăng giá gửi xe thì cũng đỡ áp lực phần nào.

Theo đó, những người đi làm đi lên khu vực trung tâm mà không có chỗ đỗ xe trong cơ quan thì người ta sẽ giảm việc đi ô tô cá nhân. Vì cả ngày 8 tiếng sẽ khoảng vài trăm nghìn thì người ta sẽ chuyển đi phương tiện khác như công cộng chẳng hạn.

Đồng thời việc kiểm soát chất lượng theo Nghị định 116, Thông tư 03 cũng sẽ hạn chế bớt tình trạng xe kém chất lượng, giảm bớt tình trạng doanh nghiệp đi gom xe ở các nước khác.

Bởi nếu ông đi mua gom tự do thì sẽ không đảm bảo được giấy chứng nhận. Rõ ràng việc có những điều kiện chặt chẽ hơn sẽ giúp người Việt Nam tiếp cận được với xe chất lượng, đảm bảo an toàn giao thông và vấn đề môi trường…


Theo Dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục