Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, khát vọng từ đỉnh Palomar

Đại sứ Pháp tại Mỹ đã trân trọng gọi Giáo sư, nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận là “tài sản thế giới”.

Nắng chiếu xuyên qua hàng me xanh trên con đường sách Nguyễn Văn Bình tại trung tâm TP. HCM vào một buổi sáng cuối tuần nhộn nhịp. Cuối con đường, buổi giao lưu diễn ra sôi nổi giữa hơn 300 độc giả yêu sách và nhóm biên dịch cùng tác giả 15 cuốn thuộc loạt sách khoa học khám phá, trong đó có sự góp mặt của Giáo sư Việt kiều 68 tuổi Trịnh Xuân Thuận.

Suốt 3 tiếng giao lưu, nhà vật lý thiên văn học Trịnh Xuân Thuận luôn nở nụ cười trên môi. Với đôi mắt sáng và vầng trán cao, ông điềm đạm chia sẻ niềm đam mê với sách và khoa học. Mới đây, nhà khoa học ưu tú này đã được Chính phủ Pháp trao tặng huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh nhằm vinh danh những đóng góp của ông cho nền khoa học thiên văn của nhân loại. Đây là huân chương cao quý nhất của nước Pháp có lịch sử 214 năm, được trao tặng lần đầu tiên vào năm 1802 dưới thời hoàng đế Napoléon Bonaparte.

Khát vọng từ đỉnh Palomar

Hồi tưởng lại hành trình hơn 50 năm cống hiến trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận cho biết đam mê thời thơ ấu được thắp lửa qua những trang sách nhuốm màu thời gian mà ông may mắn tìm được tại thư viện Trường Jean Jacques Rousseau ở Sài Gòn (nay là Trường Trung học Lê Quý Đôn) hơn nửa thế kỷ trước.

Ngày ấy, cuốn “Hoàng tử bé” và cuốn tiểu sử ghi lại cuộc đời của cha đẻ thuyết tương đối Albert Einstein đã khơi dậy sự tò mò và tình yêu vật lý trong lòng cậu học trò Xuân Thuận khi đó. Để rồi năm tròn 19 tuổi, ông bắt đầu hành trình chinh phục những bí ẩn vũ trụ khi rời Sài Gòn đi Thụy Sĩ, sau đó giành học bổng toàn phần của Chính phủ Mỹ để theo học ngành vật lý thiên văn tại Viện Công nghệ California từ năm 1967.

Lần đầu tiên trong đời, tại đài quan sát trên đỉnh núi Palomar, thuộc tiểu bang California, chàng thanh niên Trịnh Xuân Thuận được quan sát sự huyền diệu của dải ngân hà, mặt trăng và ánh sáng từ hàng tỉ ngôi sao thông qua chiếc kính thiên văn lớn nhất thế giới thời bấy giờ với đường kính 5,1 m. Khi bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ tại Đại học Princeton năm 1976, ông là một trong những nhà khoa học Việt Nam đầu tiên ghi tên mình vào lịch sử ngành vật lý thiên văn thế giới. Đam mê và miệt mài vừa nghiên cứu thiên văn học, vừa giảng dạy tại khoa thiên văn học của hàng loạt trường đại học hàng đầu thế giới, như Đại học Princeton, Đại học Virginia, Viện Đại học Paris…, thời gian đã nhuốm màu trắng trên mái tóc chàng thanh niên trẻ năm nào.

Là tác giả của hơn 230 bài nghiên cứu quốc tế, hơn 15 đầu sách giá trị được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ và phát hành tại 60 quốc gia, cộng đồng khoa học thế giới công nhận Giáo sư Trịnh Xuân Thuận là một trong những nhà vật lý thiên văn học hàng đầu thế giới trong thế kỷ XXI. Ông có công đầu nghiên cứu về sự hình thành và tiến hóa của các thiên hà, đặc biệt là thiên hà lùn cũng như sự tổng hợp của các yếu tố ánh sáng trong vụ nổ Big Bang.

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, khát vọng từ đỉnh Palomar ảnh 1

Giáo sư, nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận tại buổi giao lưu với hơn 300 độc giả tại TP.HCM. Ảnh: Sơn Phạm 

Nhưng khi lý giải sự thành công trong con đường nghiên cứu vũ trụ của mình, Giáo sư Thuận khiêm tốn nhìn nhận: “Chỉ là do tôi may mắn được sống trong những thập niên mà ngành thiên văn học thế giới phát triển bùng nổ với hàng loạt sự kiện chấn động. Chẳng hạn như chuyến bay đầu tiên lên mặt trăng của loài người trên tàu vũ trụ Apollo 11 vào năm 1969”.

Đại chúng hóa khoa học

Mùa xuân năm 2007, tác phẩm gây tiếng vang “Những con đường của ánh sáng” (Les Voies de la lumière) đã được Viện Hàn lâm Pháp trao Giải Moron. Hai năm sau, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận cũng trở thành người Việt Nam đầu tiên trong lịch sử được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp Quốc (UNESCO) trao giải thưởng cao quý Kalinga về phổ biến khoa học. Ngay sau đó, Học viện Institut de France trao giải Prix mondial Cino del Duca, ghi nhận những truyền tải thuyết phục các kiến thức phức hợp về khoa học vũ trụ khô khan, lại được hòa quyện dưới cái nhìn đầy chiêm nghiệm, giàu chất văn chương trong các tác phẩm nổi bật của ông.

Bằng văn phong tinh tế được truyền tải nhất quán, nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận đã giúp độc giả khắp thế giới tiếp cận với khoa học vũ trụ một cách nhẹ nhàng và lưu dấu ấn sâu sắc trong loạt tác phẩm như Ba Cái Chết Của Ngôi Sao, Cái Vô Hạn Trong Lòng Bàn Tay, Đối Mặt Với Vũ Trụ, Hỗn Độn Và Hài Hòa, Khát Vọng Tới Cái Vô Hạn, Vũ Trụ Và Hoa Sen, Giai Điệu Bí Ẩn….

Nhận ủy quyền từ Tổng thống Pháp François Hollande, trong lễ trao Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh, ông François Delattre, Đại sứ Pháp tại Mỹ, đã trân trọng gọi Giáo sư, nhà thiên văn học Thuận là “tài sản thế giới” khi đã cống hiến cuộc đời mình vì mục tiêu “đại chúng hóa khoa học”.

Giáo sư Thuận hội tụ bộ óc thiên tài của một nhà văn bậc thầy, nhà thơ, một triết gia khi viết nhiều tác phẩm có giá trị cao về vũ trụ học và đặt ra cho nhân loại nhiều suy ngẫm về mối tương quan giữa vật lý, thiên văn học hiện đại và đạo học Phương đông mà tiêu biểu là Phật giáo. Tại buổi giao lưu tại TP.HCM, ông chia sẻ: “Viết sách, dạy học, khảo cứu là ba công việc mà tôi theo đuổi suốt đời và coi như lẽ sống của đời mình”.

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, khát vọng từ đỉnh Palomar ảnh 2

 Giáo sư Trịnh Xuân Thuận trong buổi lễ nhận huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh do Chính phủ Pháp trao tặng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo Giáo sư Thuận, nhân loại đang sống trong một thế giới bị bủa vây bởi kỹ thuật, ngạt thở vì bụi khói, ít người đủ tĩnh lặng để hiểu rằng chúng ta còn có một vũ trụ bao la, đẹp đẽ và hài hòa. Với tư cách là một nhà khoa học, tiếp xúc hằng ngày với vũ trụ, ông muốn chia sẻ cảm xúc tuyệt vời về những điều kỳ diệu của vũ trụ thông qua những trang sách giản dị.

Giáo sư Thuận tự nhận rằng: “Ánh sáng là người bạn tri kỷ của tôi, là phương tiện giúp tôi đối thoại với vũ trụ”. Mùa hè năm 1997, cơ duyên vô tình đưa ông gặp nhà sư Matthieu Ricard tại một hội thảo ở quốc gia nhỏ nhất thế giới, nằm ở phía Tây Nam châu Âu: Andorra. Tại đây, hai luồng tư tưởng lớn, tuy như hai luồng ánh sáng ngược chiều, lại gặp nhau.

Ông Matthieu Ricard hiện là một thiền sư Phật giáo Tây Tạng, nổi tiếng ở châu Âu về truyền bá đạo Phật, cách tu tâm, thiền. Ông vốn dĩ là một tiến sĩ sinh học người Pháp đã từ bỏ hết sự nghiệp để đi tu, vì cho rằng việc khảo cứu không làm cho con người hạnh phúc. Còn Giáo sư Thuận, sinh ra và lớn lên thấm nhuần trong môi trường Phật giáo, thì lại tạm rời xa quê hương để đến với khoa học. Từ chuyến du hành lên núi Pyrenees ở Andorra, hai người đã trở thành tri kỷ.

Hiện nay, các nghiên cứu của Giáo sư Thuận hướng tới mục tiêu làm thế nào ánh sáng đã cho phép chúng ta trở thành những con người. Người con đất Việt kết thúc buổi hội thảo trong lòng tin bất diệt vào “khả năng thay đổi của loài người”. Ông tiếp tục hành trình thám hiểm không chỉ về tầm vóc khoa học kỹ thuật, mà còn về thẩm mỹ, nghệ thuật, khía cạnh siêu hình, triết lý tôn giáo của ánh sáng.

Theo NCĐT

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục