Giao dịch trái phiếu trầm lắng, vì sao?

(ĐTCK) Gần đây, NĐT nước ngoài đã dành sự quan tâm nhiều hơn đến thị trường trái phiếu Việt Nam, nhưng họ mới bày tỏ sự quan tâm chứ chưa biến thành hành động cụ thể.
Ông Trịnh Hoài Giang Ông Trịnh Hoài Giang

Đến hẹn lại lên, ngày 23/7 tới, 1.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP) kỳ hạn 2 và 3 năm được đấu thầu qua HNX. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hầu hết các cuộc đấu giá TPCP đều không thành công. Bên cạnh đó, giao dịch của khối NĐT nước ngoài trên thị trường trái phiếu hiện khá mờ nhạt.

Nhằm tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng này, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Hoài Giang, Giám đốc điều hành CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC), Phó chủ tịch Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam.

Từ đầu năm 2009 tới nay, nhiều phiên đấu thầu TPCP khá ế ẩm. Ông bình luận thế nào về điều này?

Tính từ đầu năm 2009, chỉ khoảng 7.500 tỷ đồng TPCP tìm được người mua, trong khi lượng đưa ra phát hành lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Trần lãi suất đấu thầu từ 7%/năm đã được nâng lên 9,0 - 9,1%/năm tùy kỳ hạn, nhưng vẫn luôn thấp hơn lãi suất bỏ thầu từ 0,5 - 1%/năm.

Một số người đánh giá các phiên đấu giá trái phiếu trên thị trường sơ cấp thời gian qua là thất bại, nhưng cá nhân tôi không đồng tình với nhận xét này.

Năm 2007 và 2008, tổng số vốn huy động trên thị trường trái phiếu ước tính vào khoảng 90.000 tỷ đồng, số lượng giải ngân theo tôi biết rất thấp, chưa đến 50%. Có thể tại thời điểm hiện nay, Chính phủ chưa thật sự thiếu vốn để tài trợ cho gói kích cầu, do vẫn còn các khoản tiền chưa chi của năm 2008 chuyển sang, nên việc huy động thêm vốn chưa thực sự cấp bách. Hiện tượng ế ẩm trong đấu thầu trái phiếu thời gian qua đơn giản chỉ là việc cung - cầu chưa gặp nhau.

Trong một vài quý tới, áp lực về nguồn vốn sẽ tăng lên, rất có thể Bộ Tài chính sẽ phải nâng thêm lãi suất trần để đảm bảo các phiên đấu thầu trái phiếu thành công.

Tuy nhiên, khi gói hỗ trợ lãi suất của DN kết thúc, dư nợ tín dụng sẽ tăng trưởng chậm lại, các NHTM sẽ bắt đầu mua trái phiếu. Tôi cho rằng, lãi suất trái phiếu thị trường sẽ không tăng nhiều nữa từ nay đến cuối năm, thậm chí có thể giảm đôi chút.

 

Thị trường sơ cấp trầm lắng. Vậy hiện nay trên thị trường thứ cấp, NĐT nào đang đẩy mạnh giao dịch?

Đối tượng giao dịch hiện nay trên thị trường thứ cấp là các ngân hàng, công ty bảo hiểm, CTCK và một số quỹ đầu tư trái phiếu.

Các NHTM từng là NĐT lớn đối với TPCP. Xu thế gần đây của họ là bán ra. Có thể lý do là các ngân hàng đang thiếu vốn hoặc là họ kỳ vọng trái phiếu sẽ mất giá tiếp trong tương lai (do cho rằng, lạm phát và mặt bằng lãi suất có thể tăng).

Một số công ty bảo hiểm lại đang mua vào với mục đích đầu tư. Các CTCK như HSC cũng tham gia giao dịch cho chính mình hoặc theo sự ủy thác của khách hàng.

Ở nước ngoài, khi kinh tế bộc lộ nhiều rủi ro tiềm ẩn thì NĐT thường có xu hướng tăng cường đầu tư vào TPCP, nhưng ở Việt Nam xu hướng này chưa hình thành rõ nét. Đối tượng NĐT trái phiếu trong nước chưa đa dạng, chủ yếu chỉ có các NHTM, công ty bảo hiểm và một số CTCK lớn.

Trong hai tuần đầu của tháng 7, khối ngoại đã bán ròng hơn 500 tỷ đồng trái phiếu so với con số mua ròng hơn 700 tỷ đồng trong tháng 6.

Trong năm 2008, khối NĐT nước ngoài có hai đợt bán trái phiếu rất mạnh. Đợt thứ nhất vào tháng 5 và tháng 6, sau khi lạm phát ở Việt Nam tăng cao. Đợt thứ hai là vào tháng 8 và tháng 9, sau sự kiện Ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ, thị trường tài chính quốc tế rơi vào vòng xoáy mới đi xuống.

Kể từ đó đến nay, giao dịch của NĐT nước ngoài trên thị trường trái phiếu Việt Nam khá trầm lắng. Trong khi đó, thị trường trái phiếu thứ cấp chỉ thực sự sôi động khi có NĐT nước ngoài đẩy mạnh giao dịch.

 

Vậy đâu là lý do khiến hiện nay họ không mấy mặn mà với trái phiếu?

Nguyên nhân NĐT nước ngoài bán trái phiếu, theo tôi có hai khả năng là khối này cũng cho rằng, lạm phát sẽ tăng trở lại vào cuối năm và mặt bằng lãi suất sẽ tăng lên.

Hiện nay, NĐT nước ngoài không tham gia nhiều vào thị trường trái phiếu sơ cấp có thể vì lý do tỷ giá. Mặt khác, năm ngoái các quỹ đầu cơ nước ngoài (hedge fund) lỗ nặng và hiện chưa ổn định được hoạt động cũng có thể là một lý do khiến nhiều quỹ chưa quay trở lại thị trường trái phiếu tại các thị trường đang phát triển, trong đó có Việt Nam .

Gần đây, NĐT nước ngoài đã dành sự quan tâm nhiều hơn đến thị trường trái phiếu Việt Nam , nhưng họ mới bày tỏ sự quan tâm chứ chưa biến thành hành động cụ thể.

 

Trở lại phân khúc trái phiếu DN, sau hơn 1 năm tê liệt, gần đây tình hình đã có vẻ khởi sắc trở lại với việc nhiều NHTM công bố kế hoạch huy động vốn qua trái phiếu trong tương lai gần. Ông đánh giá đâu là cơ hội cho các DN niêm yết?

Các công ty nhỏ phát hành trái phiếu thường là với chi phí rất cao, khiến việc huy động vốn theo hình thức này là không hiệu quả. Phần lớn DN niêm yết Việt Nam có quy mô nhỏ, nên việc huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu DN khó thực hiện. Loại trừ một số DN bán cho cổ đông hiện hữu trái phiếu chuyển đổi.

Các DN cần so sánh giá vốn huy động qua trái phiếu với chi phí lãi vay ngân hàng. Rõ ràng, hiện nay vay vốn từ ngân hàng có chi phí thấp hơn. Việc một số ngân hàng có kế hoạch huy động vốn qua kênh trái phiếu có thể nhằm đón đầu các căng thẳng về tín dụng khi nền kinh tế thực sự phục hồi trở lại vào năm tới. Theo tôi, họ sẽ có cơ hội thực sự vào quý IV/2009 và năm 2010.

Ngọc Giang thực hiện
Ngọc Giang thực hiện

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,244.7 -3.94 -0.32% 162,835 tỷ
HNX 235.68 1.1 0.47% 1,903 tỷ
UPCOM 91.71 -0.2 -0.22% 824 tỷ