Giao dịch chứng khoán tuần qua: VN-Index “trượt chân” tại ngưỡng kháng cự

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần qua, VN-Index tạm dừng đà tăng khi giảm 1,4%, ngưỡng 900 điểm không được duy trì.
Giao dịch chứng khoán tuần qua: VN-Index “trượt chân” tại ngưỡng kháng cự

Tuần giảm sau 5 tuần tăng

Cùng với diễn biến giảm của các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ như DJI giảm 598,7 điểm (-2,1%), S&P 500 giảm 87,7 điểm (-2,5%), Nasdaq giảm 394,13 điểm (-3,4%)…, chỉ số VN-Index chốt tuần thứ hai của tháng 9 giảm 22 điểm, tương đương giảm 1,4%.

Thị trường không duy trì được ngưỡng 900 điểm sau khi đạt được ngưỡng này trong 2 phiên cuối tuần trước đó. Đây là khu vực kháng cự mạnh, đà tăng trong tháng 6 cũng đã chấm dứt sau 2 phiên tiến lên ngưỡng này.

Như vậy, VN-Index đã có tuần giảm điểm sau 5 tuần tăng điểm liên tiếp trước đó. Mức giảm không đồng đều khi một số cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn có tác động tiêu cực, trong khi đó, bất chấp xu hướng điều chỉnh của thị trường chung, không ít mã trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ duy trì xu hướng tăng.

Thanh khoản của VN-Index giảm 6,1%, thanh khoản của VN30 giảm 10,8% so với tuần trước đó.

Phân hóa theo nhóm

Cổ phiếu vốn hóa lớn - tác nhân giảm điểm chủ yếu của thị trường tuần qua là các mã thuộc nhóm ngân hàng, bất động sản, thực phẩm như VCB giảm 2,9%, VIC giảm 2,8%, VHM giảm 2,9%, GAS giảm 3,9%, VNM giảm 0,8%…, tác động làm chỉ số âm 10 điểm. Ngược lại, GVR tăng 5,8%, ACV tăng 6,4% là các mã tăng giá đáng chú ý.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tiếp tục cho thấy sự quan tâm của dòng tiền khi tăng lần lượt 1,1% và 2,13%. Trong số các mã sinh lợi nhiều nhất tuần qua, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ có 9,26% số mã tăng giá hơn 10%.

Top tăng, giảm mạnh nhất

5 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất tuần qua trên HOSE là TGG (tăng 20,6%), PDR (tăng 18,5%), THI (tăng 16,1%), PIT (tăng 16%), TEG (tăng 15,2%).

Với xu hướng tăng được duy trì cùng với thanh khoản hỗ trợ đà tăng thì PDR và IDI là 2 cổ phiếu đang được kỳ vọng tiếp tục thu hút dòng tiền, trong khi 3 mã còn lại có bước giá thấp và dư địa tăng không còn nhiều xét theo phân tích kỹ thuật.

Ở chiều giảm, HAP giảm 17,1%, DTA giảm 13,8, TMT giảm 11,2%, DAT giảm 9,7, LMH giảm 9,1%, thuộc Top cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất tuần qua trên HOSE. Các mã này hầu hết đều có thị giá thấp và thanh khoản cũng thấp. Do đó, nhà đầu tư được khuyến nghị cẩn trọng khi tham gia giao dịch.

OGC và TTF có câu chuyện riêng

Các cổ phiếu có câu chuyện riêng tiếp tục là thu hút dòng tiền. Mã OGC của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương tăng thêm 6,8% trong tuần qua, sau khi có mức tăng 52,8% trong tháng 8.

Thông tin về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 của OGC làm hài lòng nhiều nhà đầu tư khi lợi nhuận sau thuế đạt 44 tỷ đồng so với mức âm 4 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Nhà đầu tư kỳ vọng hiệu quả kinh doanh sẽ được cải thiện trong thời gian tới, dù báo cáo kiểm toán đã chỉ ra những rủi ro mà OGC phải đối mặt như khả năng hoạt động liên tục, một số vụ kiện tụng phải giải quyết, hay các khoản phải thu lớn có thể mất khả năng thu hồi.

Trên phương diện kỹ thuật, OGC đang giao dịch ở mức giá 6.580 đồng/cổ phiếu, vượt qua vùng đỉnh 52 tuần.

Xu hướng ngắn hạn của cổ phiếu này đang tăng, được ủng hộ bởi dòng tiền quay trở lại sau giai đoạn dài đi ngang, nhưng rủi ro cũng tăng theo, với khả năng cao là sẽ “rung lắc” tại vùng đỉnh của năm.

Cổ phiếu TTF của Công ty cổ phần Gỗ Trường Thành tăng thêm 5,3% trong tuần qua, sau khi tăng 55,3% trong tháng 8, bất chấp việc HOSE quyết định giữ nguyên diện kiểm soát với TTF.

Mặc dù Công ty có lãi trong 6 tháng đầu năm 2020 nhưng vẫn lỗ lũy kế, mức lỗ tương đương 95% vốn điều lệ - chưa khắc phục được tình trạng vốn chủ sở hữu âm. Trong báo cáo kiểm toán gần đây, kiểm toán viên nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của nhóm công ty (công ty mẹ và công ty con).

Hiện tại, xét về dao động giá, sau giai đoạn giảm điểm và đi ngang trong thời gian dài, TTF đã có những bước tăng giá mạnh, đồng thời thanh khoản gia tăng. Các chỉ báo kỹ thuật cho thấy, TTF có thể duy trì đà tăng, nhưng rủi ro đang ở mức cao.

Nhà đầu tư được khuyến nghị quan sát kỹ giao dịch tại vùng kháng cự 5.500 - 5.700 đồng/cổ phiếu để xem xét vùng nền tích lũy hoặc nhịp điều chỉnh, tránh mua đuổi trong các phiên tăng mạnh.

Thị trường vẫn có nguy cơ điều chỉnh

VN-Index đang gặp ngưỡng kháng cự mạnh tại vùng fibonacci 61,8%, tương ứng với mức 895 - 900 điểm, đây cũng là mức đỉnh của 3 tháng trước.

Ngoài ra, thời gian gần đây, thị trường chứng khoán có giao dịch cùng chiều với diễn biến của các chỉ số trên sàn chứng khoán Mỹ.

Do đó, cùng với xu hướng điều chỉnh chung của các cổ phiếu công nghệ trên thị trường Mỹ - nhóm cổ phiếu đang có lo ngại về mức tăng quá đà trong suốt thời gian dài hồi phục trước đó có thể sẽ tác động tới tâm lý chung trên thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn dù có diễn biến điều chỉnh nhưng chưa có dấu hiệu đáng ngại, thanh khoản của những mã đóng góp mức tăng trong 5 tuần qua như VNM, VCB, SAB, BCM không có nhiều đột biến nên ít có khả năng điều chỉnh mạnh.

Nhật Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục