Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 11/9 giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã giảm thêm 50.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại mức 55,95 – 56,67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 0,4 USD lên 1.946,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích dần lên nhưng sau đó quay trở lại trạng thái ảm đạm và gần như chỉ biến động nhẹ quanh mức giá trên đến cuối giờ chiều.
Giá vàng tương lai giao tháng 10 trên sàn Comex New York giảm 11,1 USD xuống 1.944,9 USD/ounce.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,19% xuống 93,16 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 11/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.206 đồng, giảm 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.090 - 23.270 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,13 USD (-0,35%), xuống 37,17 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,23 USD (-0,57%), xuống 39,83 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index nhích nhẹ
Trong phiên sáng, một số cổ phiếu lớn hụt hơi khiến VN-Index có lúc chỉ le lói sắc xanh với thanh khoản sụt giảm.
Bước sang phiên chiều, một số bluechip hồi phục đã giúp thị trường có phần tích cực, Tuy nhiên, lực cầu thận trọng cùng diễn biến phân hóa mạnh khiến VN-Index chỉ lình xình quanh tham chiếu cho đến khi đóng cửa.
Nhóm ngân hàng vẫn đóng vai trò nổi bật với VCB, CTG, MBB, VPB tăng nhẹ, trong khi HDB vẫn tăng tốt + 3,6%.
Điểm sáng chính là nhóm bất động sản và xây dựng với nhiều mã như DPG, VRC, HTN, DTA, SGR đua nhau tăng trần, cùng sắc xanh lan rộng tại HQC, ITA, ROS, HDG, ASM…
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 9,97 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 295,67 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 11/9: VN-Index tăng 0,15 điểm (+0,02%), lên 888,97 điểm; HNX-Index giảm 0,11 điểm (-0,09%), xuống 125,82 điểm; UpCoM-Index tăng 0,06 điểm (+0,09%), lên 59,09 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Các chỉ số chính ở Phố Wall phiên thứ Năm (10/9) đồng loạt giảm điểm, sau hàng loạt tin tức không tích cực như Mỹ đã có thêm 884.000 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần tính đến hết ngày 5/9, không thay đổi nhiều so với tuần trước đó.
Mặc dù, đây là lần thứ ba số lao động nộp xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ giảm xuống dưới 1 triệu kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, song con số trên vẫn cao hơn so với mức 700.000 lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp được ghi nhận trong một tuần vào thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát.
Cùng ngày, Thượng viện Mỹ đã bác bỏ dự luật phân bổ khoảng 300 tỷ USD để kích thích nền kinh tế do Đảng Cộng hòa đề xuất. Hai phe Dân chủ và Cộng hoà tại Thượng viện vẫn bế tắc trong việc tìm tiếng nói chung về gói cứu trợ kinh tế mới.
Kết thúc phiên 10/9, chỉ số Dow Jones giảm 405,89 điểm (-1,45%), xuống 27.534,58 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 59,77 điểm (-1,76%), xuống 3.339,19 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 221,97 điểm (-1,99%), xuống 10.919,59 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản hồi phục nhanh sau khi mở cửa giảm điểm, nhờ vào các chỉ số tương lai trên phố Wall bật trở lại.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,74% lên 23.406,49 điểm. Trong tuần, chỉ số này tăng 0,87%.
Chỉ số Topix tăng 0,72% lên 1.636,64 điểm, với 29 trên 33 chỉ số phụ đóng cửa tăng điểm.
Phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu vận tải hoạt động tốt nhất với chỉ số phụ theo dõi ngành tăng 3,16%, trong đó, Meiji Shipping Co tăng 5% và Mitsui OSK Lines tăng 3,57%.
Masahiro Ichikawa, chiến lược gia cấp cao tại Sumitomo Mitsui DS Asset Management cho biết, thị trường cũng đang chờ đợi một số sự kiện vào tuần tới, như cuộc bầu cử lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do của Nhật Bản, cũng các cuộc họp chính sách của Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) và Fed.
Chứng khoán Trung Quốc giằng co nhưng bật hẳn lên vào phiên chiều, tuy nhiên, tâm lý thị trường vẫn bị đè nặng bởi những sự rạn nứt trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,79% lên 3.260,35 điểm. Chỉ số này đã giảm 2,8% trong tuần.
Chỉ số CSI300 bluechip tăng 0,99% lên 4.627,28 điểm, trong tuần, chỉ số này mất 3%.
Hoạt động giao dịch khá thưa thớt, với chỉkhoảng 22,17 tỷ cổ phiếu được giao dịch, chỉ bằng 67,2% so với mức trung bình trong 30 ngày gần nhất.
Thông tin ảnh hưởng khiến nhà đầu tư không mạnh tay mua bán đến từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, thời hạn đặt ra cho công ty Trung Quốc ByteDance bán ứng dụng TikTok tại thị trường Mỹ sẽ không được gia hạn.
Chứng khoán Hồng Kông tăng trở lại, khi các nhà đầu tư tìm mua bắt đáy các cổ phiếu công nghệ bị ảnh hưởng bởi đợt bán tháo vừa qua.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,78% lên 24.503,31 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,71% lên 9.752,50 điểm.
Mức tăng được thúc đẩy bởi sự phục hồi của cổ phiếu công nghệ với chỉ số phụ theo dõi tăng 2,63%.
Chứng khoán Hàn Quốc giằng co mạnh và đóng cửa may mắn leo lên trên tham chiếu, nhờ các nhà đầu tư cá nhân mạnh tay mua bắt đáy, bù đắp cho ảnh hưởng từ cổ phiếu công nghệ của Mỹ phiên đêm qua lại bị bán mạnh.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 0,01% lên 2.396,69 điểm, sau khi giảm 0,9% trong phiên. Trong tuần, chỉ số này đã tăng 1,2%.
Kết thúc phiên 11/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 171,02 điểm (+0,74%), lên 23.406,49 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 25,52 điểm (+0,79%), lên 3.260,35 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 189,77 điểm (+0,78%), lên 24.503,31 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 0,21 điểm (+0,008%), lên 2.396,69 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Bị tước quyền tự quyết room ngoại, ngân hàng bị dồn vào thế khó - Bài 1: Nhà băng mất cơ hội dài hạn
Với nhiều điểm mới, Luật Chứng khoán 2019 (có hiệu lực đầu năm 2021) hứa hẹn làm tăng tính minh bạch của thị trường chứng khoán, bảo vệ tốt hơn nhà đầu tư..>> Chi tiết
- Nhà đầu tư cá nhân bén mùi trái phiếu doanh nghiệp
Mua trái phiếu doanh nghiệp được bảo lãnh thanh toán của công ty chứng khoán, ngân hàng đang là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư..>> Chi tiết
- Vương quốc Anh muốn tham gia CPTTP
Tin từ Đại sứ quán Anh tại Việt Nam cho biết, Anh đang theo đuổi để gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP)..>> Chi tiết
- Hai 'ông lớn' ngành hàng không cắt giảm nhân sự quy mô lớn do COVID-19
Hai "ông lớn" trong ngành hàng không là International Airlines Group và Singapore Airlines phải hứng chịu những ảnh hưởng mạnh mẽ do dịch bệnh COVID-19 gây ra..>> Chi tiết