Giao dịch chứng khoán: Tránh những mã “tin ra là bán”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu của những doanh nghiệp dự kiến có kết quả kinh doanh quý III khả quan đã và đang tăng giá, nhưng rủi ro chực chờ bởi tình trạng “tin ra là bán” có thể tái xuất hiện.
Ảnh: Dũng Minh Ảnh: Dũng Minh

Tin vui sớm công bố

Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa công bố sản lượng bán hàng đạt kỷ lục mới với 522.000 tấn trong tháng 9, lần đầu tiên ghi nhận sản lượng 352.000 tấn thép xây dựng thành phẩm và 170.000 tấn phôi trong một tháng. Lượng thép thành phẩm tiêu thụ trong tháng 9 tăng 82,3% so với cùng kỳ năm trước, riêng xuất khẩu tăng hơn 2 lần cùng kỳ với 62.700 tấn.

Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) cũng có tình hình hoạt động khả quan. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Trần Ngọc Diệu, Phó tổng giám đốc NKG chia sẻ, Công ty đang tập hợp số liệu nên chưa có con số chính thức về kết quả kinh doanh nhưng có thể khẳng định là quý III/2020 sẽ tăng trưởng cao.

Năm ngoái, quý III là quý thấp điểm (lãi sau thuế hơn 6 tỷ đồng) so với các quý khác trong năm, một phần do Công ty đẩy mạnh tái cấu trúc toàn diện nên kết quả kinh doanh trong ngắn hạn bị ảnh hưởng.

Năm 2020, NKG lên kế hoạch đạt doanh thu 12.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng, gấp 4 lần mức thực hiện năm 2019.

Do ngành thép năm nay chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là mảng tôn mạ khi sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu đều giảm, nên việc thực hiện kế hoạch kinh doanh cả năm sẽ phụ thuộc lớn vào diễn biến thị trường trong quý IV.

Được biết, 6 tháng đầu năm 2020, NKG đạt 58,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong lĩnh vực thực phẩm, Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (KDC) cho biết, tính đến hết tháng 9, Công ty ước đạt 5.960 tỷ đồng doanh thu, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do doanh thu ngành dầu tăng.

Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2020 ước đạt 338 tỷ đồng, tăng 49,4% so với cùng kỳ năm 2019 và tương đương 103% kế hoạch cả năm; lợi nhuận sau thuế ước đạt 261 tỷ đồng, tăng 56,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Quý III/2020, KDC quay trở lại thị trường bánh snacking với sản phẩm bánh trung thu thương hiệu Kingdom. Công ty ước tính, sản phẩm này mang lại doanh thu khoảng 160 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 36 tỷ đồng.

Công ty con của KDC là Công ty cổ phần Tường An (TAC) có lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm 2020 tăng 24,5%; lợi nhuận trước thuế ước đạt 154,5 tỷ đồng, tăng 52,3% so với cùng kỳ năm 2019 và hoàn thành hơn 80% kế hoạch cả năm.

Với Kido Nhà Bè (KDN), một thành viên mới gia nhập KDC từ cuối năm 2018, 9 tháng đầu năm 2020 đạt 792 tỷ đồng doanh thu, tăng 28,4% và lợi nhuận trước thuế ước đạt 19 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 119,4% kế hoạch cả năm.

Đáng chú ý, Công ty cổ phần Vinamilk (VNM) ước tính tăng trưởng 9% về doanh thu và 16% về lợi nhuận trong quý III/2020, đạt 3.106 tỷ đồng - mức cao nhất trong một quý từ trước đến nay. Lũy kế 9 tháng đầu năm, VNM ước đạt doanh thu 45.277 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.967 tỷ đồng, tăng 7% so cùng kỳ năm ngoái.

Công ty cổ phần Vicostone (VCS) ước đạt 1.499 tỷ đồng doanh thu và 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý III, tăng 14% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, VCS ước đạt 3.994 tỷ đồng doanh thu và 961 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Tin ra là bán

Anh Trần Văn Tuấn, nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, gần đây, một số nhà môi giới tư vấn anh mua những cổ phiếu dự kiến đạt lợi nhuận khả quan trong quý III, trong đó không ít cổ phiếu trong danh sách được khuyến nghị đã tăng giá từ trước. Anh thận trọng với các mã đã tăng giá vì quan ngại tình trạng “tin ra là bán” sẽ khiến giá khó có thể tăng thêm.

Thực tế, có những mã duy trì được đà tăng khi doanh nghiệp chính thức công bố thông tin như VCS hay HPG, nhưng nhiều mã khác có giá đi ngang, thậm chí điều chỉnh.

Chẳng hạn, giá cổ phiếu KDC từ đầu tháng 8 đến ngày 25/9 tăng từ dưới 30.000 đồng/cổ phiếu lên trên 37.000 đồng/cổ phiếu, sau đó dao động quanh ngưỡng này.

Giá cổ phiếu NKG gần đây đi ngang sau khi tăng lên trên 8.000 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu VNM có diễn biến giảm nhẹ sau khi đạt 109.300 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 10.

Tương tự, giá cổ phiếu DPM của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP giảm nhẹ sau khi doanh nghiệp công bố ước tính kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm.

Theo đó, quý III đạt 2.050 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế hơn 170 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, DPM đạt doanh thu 5.978 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 664 tỷ đồng, lần lượt tăng 9% và 275% so với cùng kỳ.

Cơ hội vẫn còn

Những doanh nghiệp duy trì kết quả kinh doanh tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quý III cũng như quý cuối năm.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, bên cạnh kỳ vọng vào lợi nhuận quý III, nhà đầu tư vẫn sẽ hướng sự quan tâm đến các doanh nghiệp có thông tin riêng, đặc biệt các nhóm ngành còn dư địa tăng trưởng như viễn thông, công nghệ thông tin, phân bón, nhựa, điện khí, vật liệu xây dựng, xây dựng hạ tầng, bất động sản khu công nghiệp.

Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt dự báo, ngân hàng tiếp tục là nhóm có kết quả kinh doanh tích cực. Tuy nhiên, không hẳn những cổ phiếu nhóm này sẽ là động lực dẫn dắt thị trường sau khi các ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý III.

Hiện tại, nhiều mã ngân hàng duy trì đà tăng, nhưng khá yếu. Các mã vốn hóa lớn khác trong VN30, không tập trung vào ngành nào sẽ là động lực dẫn dắt thị trường trong tháng 10.

Ngược lại, lực bán tại không ít cổ phiếu dự kiến sẽ tăng nếu kết quả kinh doanh không như kỳ vọng, hoặc cổ phiếu trước đó đã tăng giá dựa trên các thông tin đồn đoán về lợi nhuận quý III.

Báo cáo chiến lược đầu tư tháng 10 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra quan điểm khá thận trọng về diễn biến thị trường chứng khoán trong thời gian tới và cho rằng, các chỉ số sẽ khó giữ nhịp tăng như giai đoạn tháng 8, tháng 9, thậm chí có những nhịp điều chỉnh, nhất là khi xảy ra hiệu ứng “tin ra là bán”.

Vài phiên gần đây, VN-Inex hay VN30 tăng điểm, nhưng chênh lệch giữa giá chứng khoán phái sinh và chỉ số cơ sở ở mức âm, mức chênh có dấu hiệu tăng phản ánh tâm lý thận trọng của một bộ phận nhà đầu tư về xu hướng ngắn hạn của thị trường.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank (AGR)

Các doanh nghiệp chuẩn bị công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III, những cổ phiếu dự báo được kết quả hoạt động nhìn chung đã phản ánh vào giá nên kết quả công bố chính thức nếu không có yếu tố đột biến sẽ không tác động nhiều đến cổ phiếu. Việc có hay không hiện tượng “tin ra là bán” tùy vào báo cáo này tốt hơn hay xấu hơn so với thị trường kỳ vọng cũng như giá đã tăng nhiều hay chưa.

Nhìn chung, sự biến động về giá sẽ phụ thuộc không chỉ vào kết quả kinh doanh quý III mà còn phụ thuộc vào triển vọng kinh doanh quý IV. Một số ngân hàng có lợi nhuận quý III vẫn tăng trưởng, nhưng nếu nợ xấu tăng lên và phải trích lập dự phòng nhiều hơn trong quý IV sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, dẫn tới giá cổ phiếu khó tăng mạnh.

Các ngành kỳ vọng đạt kết quả kinh doanh quý IV tốt sẽ thu hút dòng tiền. Chẳng hạn, nhóm doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư công, hay nhóm doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường lớn đang có dấu hiệu hồi phục...

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS)

Cổ phiếu của các doanh nghiệp có khả năng đạt kết quả kinh doanh tốt trong quý III thường tăng giá trước khi thông tin chính thức được công bố.

Tuy nhiên, cổ phiếu TCB, VPB thuộc ngành ngân hàng tăng giá dù ngành này được dự báo gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu vay vốn giảm mạnh, biên lãi ròng (NIM) giảm, nợ xấu tiếp tục là vấn đề đáng quan ngại.

Sau khi các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý III, sự phân hóa dự kiến tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Với các doanh nghiệp công bố kết quả thấp hơn kỳ vọng hoặc không có yếu tố để kỳ vọng trong tương lai, hiệu ứng “tin ra là bán” sẽ xuất hiện.

Ngược lại, các doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng trong quý IV và năm sau sẽ duy trì đà tăng.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục