Giao dịch chứng khoán sáng ngày 7/4: Sắc đỏ lan rộng, VN-Index tiếp tục giật lùi

(ĐTCK) Tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn sau pha đột ngột giảm mạnh hôm qua khiến thị trường giao dịch chậm lại, chỉ số VN-Index nới rộng đà giảm điểm hơn về cuối phiên do áp lực bán gia tăng.

Sau chuỗi ngày dài khởi sắc giúp thị trường đảo chiều hồi phục tích cực trong tháng 3, VN-Index đã có những nhịp rung lắc và điều chỉnh trong các phiên đầu tháng 4 khi chỉ số này bước vào vùng kháng cự mạnh 1.080 điểm.

Trong phiên hôm qua ngày 6/4, chỉ số VN-Index đã giật lùi về mốc 1.070 điểm khi đóng cửa với cây nến dạng bearish Marubozu bao phủ, cho thấy áp lực điều chỉnh mạnh khi chỉ số chạm vùng kháng cự ngắn hạn. Đà giảm tập trung về cuối phiên và chủ yếu là do áp lực chốt lời đến từ nhóm cổ phiếu bluechip.

Tuy nhiên, điểm tích cực chính là thanh khoản thị trường tăng vọt, chỉ thấp hơn chút ít so với phiên cao nhất kể từ đầu năm vào ngày 1/2, cho thấy dòng tiền tham gia vẫn đang tăng mạnh và phiên điều chỉnh này là cần thiết để VN-Index rũ bỏ lượng cung chốt lời ngắn hạn để củng cố xu hướng tăng tiếp theo.

Theo SHS, vùng 1.050-1.060 điểm hiện sẽ đóng vai trò hỗ trợ gần nhất cho thị trường trong trường hợp chỉ số tiếp tục điều chỉnh ở phiên tiếp theo. Nếu vùng hỗ trợ này vẫn trụ vững, chỉ số sẽ vẫn còn cơ hội hướng đến mục tiêu là đường SMA 200 ngày (quanh mức 1.100 điểm).

Bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 7/4, thị trường đảo chiều hồi phục nhẹ sau pha giảm bất ngờ trong 30 phút cuối phiên hôm qua. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư có phần chùng lại khiến thị trường giao dịch phân hóa và chỉ số VN-Index chỉ tăng nhẹ rồi quay đầu điều chỉnh và rung lắc trong biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu.

Sau khoảng 1 giờ giao dịch, cùng diễn biến lình xình của thị trường, tất cả các nhóm ngành cũng đều biến động tăng giảm chưa tới 1%. Trong đó, nhóm chứng khoán dẫn đầu nhờ sắc xanh bao phủ trên diện rộng với sự góp mặt của SSI, HCM, VCI, FTS, VDS, TVS, VIX, CTS, BSI, AGR với mức tăng trên dưới 1%.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu vừa và nhỏ bất động sản vẫn tạo sức hút khá tốt và tiếp tục giao dịch khởi sắc. Điển hình, DIG tăng 3% lên 16.400 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt hơn 6,1 triệu đơn vị; các mã DXG, NVL tăng nhẹ với thanh khoản cũng thuộc top cao của thị trường.

Trái lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang gia tăng gánh nặng lên thị trường khi số mã giảm đang có phần chiếm ưu thế hơn, với sự góp mặt của các cổ phiếu lớn như VCB, CTG, BID.

Áp lực bán gia tăng về cuối phiên khiến sắc đỏ lan rộng hơn trên bảng điện tử và chỉ số VN-Index nới rộng đà giảm điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 104 mã tăng và 247 mã giảm, VN-Index giảm 5,34 điểm (-0,5%), xuống 1.065,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 294,45 triệu đơn vị, giá trị 5.146,2 tỷ đồng, giảm 29,62% về khối lượng và 18,87% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 15,81 triệu đơn vị, giá trị 657,62 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán ngược dòng thành công khi tiếp tục nhích tăng, với sự đóng góp tích cực của BSI khi cổ phiếu tăng chốt phiên tại mức giá trần; CTS tăng 4,8%, FTA tăng 4,3%, AGR tăng 2,3%, VDS tăng 1,8%, ORS tăng 1,7%, VCI tăng 1,4%...

Trong đó, VND và SSI giao dịch sôi động nhất thị trường. Cụ thể, VND khớp hơn 14,85 triệu đơn vị và chốt phiên đứng giá tham chiếu 15.650 đồng/CP, còn SSI tăng nhẹ 0,7% lên 22.000 đồng/CP và khớp 14,64 triệu đơn vị.

Còn lại một số nhóm ngành nhỏ lẻ như bán buôn, thực phẩm – đồ uống, vận tải – kho bãi, xây dựng cũng có được sắc xanh nhưng mức tăng khá hạn chế chưa tới 0,5%.

Trái lại, ở nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ còn OCB tăng 2,74% và ACB nhích nhẹ 0,2%, còn lại đều đuối sức. Trong đó, gánh nặng chính là VCB giảm 1,54% xuống 89.800 đồng/CP; các mã khác như BID, CTG, MBB, HDB, VIB, STB, SSB, VPB đều giảm trên dưới 1%; cổ phiếu SHB và LPB đang giảm mạnh nhất ngành khi để mất hơn 2%.

Ở nhóm bất động sản, sắc đỏ cũng lan rộng hơn với sự dẫn đầu của VIC giảm hơn 1,5%. Các mã nóng như DIG, DXG, HQC chỉ còn tăng nhẹ, trong khi NVL đảo chiều giảm…

Điểm nhấn là TCD ngược dòng thị trường ngoạn mục và chốt phiên tăng kịch trần với thanh khoản vọt tăng, lên hơn 2,2 triệu đơn vị khớp lệnh.

Bộ 3 cổ phiếu thép vẫn diễn biến không mấy khả quan khi cùng tạm dừng trong sắc đỏ với HPG và HSG chỉ giảm nhẹ 0,5%, trong khi NKG tiếp tục có mức giảm sâu hơn trong ngành là 2,6% sau khi bị đưa vào danh sách chứng không không được cấp margin.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng quay đầu giảm khá mạnh về cuối phiên khi áp lực bán lan rộng trên thị trường.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 38 mã tăng và 105 mã giảm, HNX-Index giảm 1,59 điểm (-0,75%) xuống 209,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 48,3 triệu đơn vị, giá trị 686,56 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,01 triệu đơn vị, giá trị 31,05 tỷ đồng.

Cổ phiếu chứng khoán SHS sôi động nhất thị trường với thanh khoản đạt 15,53 triệu đơn vị, gấp khoảng 3 lần mã đứng ở vị trí thứ 2 là CEO khớp 5,32 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, các mã chứng khoán khác như MBS tăng 3,8% lên 16.600 đồng/CP và khớp 3,29 triệu đơn vị,. APS tăng 3,3% lên 12.600 đồng/CP và khớp 2,23 triệu đơn vị…

Ở nhóm bất động sản, CEO rung lắc và chỉ còn tăng nhẹ 0,8%, IDJ tăng 1,9% lên 10.900 đồng/Cp…

Thị trường UPCoM cũng không tránh khỏi xu hướng giảm sau thời gian rung lắc.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,29 điểm (-0,37%) xuống 78,05 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 22,87 triệu đơn vị, giá trị 186,94 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,43 triệu đơn vị, giá trị 68,3 tỷ đồng.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục