Góc nhìn mùa ĐHCĐ: “cash is king”, nhiều doanh nghiệp không chia cổ tức tiền mặt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kế hoạch đầu tư lớn trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều yếu tố bất định, lãi suất tăng cao buộc các doanh nghiệp phải “chắt chiu tiền mặt”.
Năm 2023 là năm đầu tiên kể từ khi niêm yết, Biwase không chia cổ tức bằng tiền mặt. Năm 2023 là năm đầu tiên kể từ khi niêm yết, Biwase không chia cổ tức bằng tiền mặt.

ĐHCĐ thường niên 2023 của Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (DGC) mang lại sự hoan hỉ cho tất cả các cổ đông khi đề xuất chia thêm 10% cổ tức tiền mặt năm 2022 được thông qua. Đồng nghĩa, cổ đông sẽ nhận được tổng cộng 40% cổ tức tiền mặt cho năm 2022 – năm được cho là “đại thắng” của DGC.

Quyết định này được đề xuất trong bối cảnh DGC có một năm kinh doanh thắng lợi trong lịch sử với doanh thu hơn 14.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 5.080 tỷ đồng. Tính đến giữa tháng 3/2023, dù đã chi hơn 1.000 tỷ đồng cổ tức theo nghị quyết HĐQT thì DGC vẫn còn gần 9.000 tỷ đồng tiền mặt.

Nhưng, năm 2023, hầu hết các cổ đông đều hiểu rằng, con số kinh doanh sẽ có sự sụt giảm khi mà giá cả của cả photpho và phân bón đều đang có chiều hướng giảm, song song đó là nhu cầu nguồn vốn để đầu tư mở rộng của DGC là rất lớn.

Dẫu vậy, việc có thêm cổ tức tiền mặt năm 2022 vẫn là mong muốn của rất nhiều cổ đông. Nội dung này được thông qua với “sự chiều lòng” của HĐQT, trong đó gia đình Chủ tịch nắm tổng cộng khoảng 40% cổ phần (hoàn toàn có thể phủ quyết).

DGC có một năm kinh doanh bội thu, nên tại ĐHCĐ năm 2023, cổ đông muốn Công ty chia thêm cổ tức và đề nghị này đã được thông qua.

DGC có một năm kinh doanh bội thu, nên tại ĐHCĐ năm 2023, cổ đông muốn Công ty chia thêm cổ tức và đề nghị này đã được thông qua.

Ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT DGC chia sẻ, không biết khi nào DGC mới quay lại mức đại thắng trên. Và rất ít khi Công ty tích trữ tiền mặt khủng, đây là cơ sở để đầu tư các dự án như dự án Nghi Sơn, dự án NPK Đắk Nông…

Cũng bởi vậy, năm 2023, dù có tờ trình cổ tức dự kiến 30%, nhưng chưa chốt chia tiền mặt hay cổ phiếu, vì còn tuỳ thuộc vào nhu cầu đầu tư thực tế của Công ty trong năm, nếu điều kiện thuận lợi để tiến hành đầu tư ngay trong năm các dự án thì nhu cầu vốn rất lớn.

Theo tính toán của ông Huyền, như dự án chế biến alumin có thể giúp Công ty hoạt động tốt thêm 40 năm. Nếu chế biến được nhôm nữa thì doanh số tỷ USD là bình thường. Nếu tháng 4 được phê duyệt, sẽ có các giấy phép đầu tư, nên cần phải giữ lại tiền mặt.

"Với lượng tiền mặt của công ty, nếu muốn chia hết 100% cũng chia được, nhưng các dự án đầu tư sẽ dừng hết, rồi ta nghỉ. Tôi hỏi ý kiến cổ đông ở đây, có ai muốn chia cổ tức như thế không?", ông Huyền trao đổi cùng cổ đông ở Đại hội. “Chúng ta làm các dự án hàng tỷ USD, nguồn lực tài chính chúng ta không thể lèo tèo vài nghìn tỷ được. Phải chuẩn bị sẵn sàng, để có cơ hội là có tiền triển khai ngay”, ông Huyền nói thêm.

Với hơn 180.000 cổ đông, Hoà Phát (HPG) có lẽ là doanh nghiệp nằm trong top đầu về số lượng cổ đông trên thị trường. Như hàng năm, hội trường tổ chức ĐHCĐ của HPG đông nghịt người.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HPG phát biểu tại ĐHCĐ.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HPG phát biểu tại ĐHCĐ.

Trong ĐHCĐ năm nay, đại hội đã thống nhất không chia cổ tức năm 2022, trong khi năm 2021, công ty trả cổ tức 5% bằng tiền và 30% bằng cổ phiếu - nhằm dành toàn bộ nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất giai đoạn 2.

"Chúng tôi tập trung toàn lực vào quả đấm thép trên 3 tỷ USD, một dự án này bằng 1.000 tỷ án vừa và nhỏ, bằng 100 dự án lớn khác, mà Hoà Phát tự lực chứ không có sự hỗ trợ từ tập đoàn nước ngoài nào cả, nên cần rất nhiều vốn. Việc trả cổ tức tiền mặt trong giai đoạn này là không hợp lý và không có nguồn để làm điều đó", ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hoà Phát chia sẻ tại đại hội.

Ông Long cho biết, tổng đầu tư giai đoạn 2 cho Dung Quất riêng tài sản cố định đến nay là 75.000 tỷ (trên 3 tỷ USD). Dự kiến đến đầu năm 2025, khi dự án vận hành, doanh thu Công ty tăng thêm 80.000 - 10.000 tỷ đồng từ mặt bằng 150.000 tỷ như năm qua (con số này dựa trên dự báo thận trọng về giá bán bình quân các năm trong kịch bản xấu).

Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản HPG là 170.335 tỷ đồng, trong đó tiền mặt gần 35.000 tỷ đồng. Tổng nợ vay khoảng 58.000 tỷ đồng. Với cơ cấu tài chính mạnh giúp HPG không quá áp lực tài chính, chủ động trong các quyết sách kinh doanh, M&A…

Tích cực đầu tư cổ phần mạnh mẽ hơn vào các doanh nghiệp cấp và phân phối nước từ năm 2021 tới nay, năm 2023 là năm đầu tiên kể từ khi niêm yết tới nay, Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (BWE) quyết định không chia cổ tức tiền mặt (các năm trước thường từ 10%-13%). Thay vào đó, BWE sẽ chia cổ tức cổ phiếu, tỷ lệ 14%, qua đó đưa vốn điều lệ tăng từ 1.929,2 tỷ đồng lên 2.199,3 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính là nhu cầu vốn lớn để đầu tư năm nay của BWE, nên cần chuẩn bị sẵn nguồn lực và giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư.

Cuối năm 2021, BWE đầu tư mua cổ phần CTCP Cấp thoát nước Cần Thơ (sở hữu 24,64%), CTCP Cấp nước Cần Thơ 2 (hiện nắm 48,86% vốn), CTCP Cấp nước Sài Gòn – Cần Thơ. Năm 2023, HĐQT BWE cũng thông qua chủ trương đầu tư cổ phần 5 công ty hoạt động trong lĩnh vực nước, trong đó có CTCP Đầu tư Hạ tầng nước DNP Long An với vốn điều lệ trên 786 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực cấp nước. Công ty này thuộc hệ sinh thái của CTCP DNP Holding (DNP) - sở hữu tỷ lệ lợi ích 44,06%.

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT BWE cho biết, tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu tương đối nhẹ nhàng hơn so với thủ tục phát hành thêm huy động vốn mới từ cổ đông.

"Năm nay mà trả cổ tức tiền mặt thấy sai sai, chia tiền thì mấy bữa xài hết, Công ty thì đang ngày càng cần nhiều tiền hơn để đầu tư. Thay vì phải đi vay ngân hàng thì dùng từ nguồn lợi nhuận giữ lại. Hiện nhà máy Long An vừa rồi mua, Công ty chưa phải đi vay và tới nay cũng chưa phải đi vay đồng nào", ông Thiền chia sẻ tại đại hội.

Trong lĩnh vực bất động sản, mới đây CTCP Tập đoàn Khải Hoàn Land (KHG) cũng đã thống nhất thông qua việc không chia cổ tức tiền mặt, thay vào đó là cổ tức 10% bằng cổ phiếu cho năm 2023.

Bà Phạm Minh Phụ, Thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc KHG chia sẻ, Công ty có mong muốn chia cổ tức cho cổ đông nhưng tình hình bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, kỳ vọng thời gian tới các chính sách sẽ có tác động kích cầu bất động sản, thì Công ty tính toán với nguồn tiền đang có (năm ngoái dự kiến chia) sẽ giữ lại để nắm bắt cơ hội cũng như giữ chỉ số tài chính lành mạnh.

Động thái này của KHG được thị trường đánh giá là hợp lý, nhất là với doanh nghiệp ngành bất động sản đang đối diện với nhiều thách thức, từ vấn đề nguồn cung trên thị trường đang co lại do các vấn đề về pháp lý, lãi suất tăng cao, nguồn vốn khó khăn và sức mua thị trường cũng giảm. Theo đó, động thái cắt giảm nhân sự, cắt giảm chi phí và “tiết kiệm” tiền mặt được nhiều doanh nghiệp nỗ lực thực hiện. Đặc biệt, với các doanh nghiệp có các khoản vay trái phiếu sắp đáo hạn trong năm nay lại càng cần có sự chuẩn bị chu đáo hơn về dòng tiền để thanh toán.

Với KHG, dư nợ trái phiếu KHG là 600 tỷ đồng, và các gói trái phiếu của KHG thì 100% có tài sản đảm bảo. Tháng 2 vừa qua, Công ty vừa hoàn tất thanh toán gói trái phiếu 200 tỷ đồng, đầu tháng 4 cũng có gói 300 tỷ đồng đến hạn.

Tuy nhiên, để duy trì ổn định chờ thị trường bất động sản ổn định, thì gói trái phiếu tới, KHG cũng xin trái chủ gia hạn. Theo chia sẻ từ bà Đinh Thị Nhật Hạnh, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc KHG, các trái chủ nghe kế hoạch kinh doanh, dòng tiền, các dự án đã ký kết, thì trái chủ an tâm và đa số đồng ý cho KHG gia hạn gói trái phiếu tới.

Năm 2023, Công ty hiện chưa có kế hoạch phát hành gói trái phiếu mới. Tuỳ vào tình hình thị trường và niềm tin của thị trường, nếu có, sẽ trình xin ý kiến cổ đông sau.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục