Phiên giao dịch hôm qua để lại nhiều ấn tượng cho nhà đầu tư khi thị trường chìm trong sắc đỏ gần như suốt phiên, thậm chí có lúc giảm gần 30 điểm, nhưng đã bật lại đầy ngoạn mục trong phiên chiều để đóng cửa với sắc xanh nhạt với thanh khoản cao nhất hơn 3 tuần.
Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng cú “quay xe” đầy ngoạn mục này sẽ giúp cho “chiến mã” VN-Index tăng tốc để vượt qua ngưỡng cản tâm lý khó chịu 1.300 điểm để vươn lên các ngưỡng cao mới như vùng 1.365 điểm.
Dường như kỳ vọng này phần nào đã được đáp ứng khi mở cửa phiên hôm nay, VN-Index bứt lên, tạo gap hơn 6 điểm, sau đó tiến thẳng tới ngưỡng cản 1.300 điểm. Tuy nhiên, đây vẫn là chướng ngại vật đáng ghét mà VN-Index không thể nào vượt qua trong giai đoạn hiện tại. Khi vừa chạm chân tới mốc này, VN-Index đã bị đẩy lùi trở lại để lấp dần gap được tạo ra đầu phiên.
Việc VN-Index bị đẩy trở lại không phải là điều đáng lo ngại, thậm chí nếu chỉ số này có thể lấp gap ngay trong phiên sáng nay lại là điều tốt để thị trường có thể đi lên chắc chắn hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, khi chưa kịp lấp xong gap thì VN-Index đã trở lại đà tăng và lần này đã leo thẳng qua ngưỡng cản khó chịu 1.300 điểm một cách đầy thuyết phục, thậm chí vượt qua ngưỡng 1.310 điểm. Điểm còn chút lăn tăn chính là thanh khoản chưa được cải thiện khi nhiều nhà đầu tư dường như muốn đợi thị trường vượt hẳn qua ngưỡng cản tâm lý 1.300 xác lập xu hướng tăng trung hạn mới xuống tiền.
Phiên sáng nay, gần như tất cả các nhóm ngành đều tăng điểm, chỉ còn một số ít mã giảm khi sắc xanh gấp hơn 5 lần sắc đỏ. Trong đó, hóa chất, khai khoáng, dầu khí, xây dựng, bán lẻ… là các nhóm tăng tốt nhất. Tuy nhiên, bất động sản, xây dựng mới là nhóm chứng kiến nhiều mã tăng trần nhất hôm nay, khi có tới 7 mã trong hơn 20 mã tăng trần toàn sàn.
Đặc biệt, DXG sau chuỗi 7 phiên giảm liên tiếp, trong đó có 2 phiên gần nhất giảm sàn, đã nhận lực cầu bắt đáy tốt để hồi phục ấn tượng sáng nay, lên mức trần 23.150 đồng, khớp gần 6 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 0,7 triệu đơn vị. Ngoài ra, còn phải kể đến các mã bất động sản công nghiệp như IJC, TIP, LHG, VGC, hay các doanh nghiệp cao su có nhiều đất công nghiệp như GVR. Bên cạnh đó có thể kể đến SCR, VRC, TEG cũng đóng cửa với sắc tím.
Tuy nhiên, ấn tượng nhất trong số các mã tăng trần có thể kể đến STB khi còn dư mua trần tới gần 3 triệu đơn vị, trong khi cũng kịp khớp hơn 10,5 triệu đơn vị, đứng thứ 4 về thanh khoản.
Ngoài ra, nhóm này còn có SHB cũng đóng cửa ở mức trần 14.600 đồng, khớp 5,7 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị.
Trong nhóm ngân hàng, chỉ duy nhất anh cả VCB khoắc sắc đỏ, còn lại đều tăng. Đây cũng là mã lấy đi nhiều điểm số nhất của VN-Index, nhưng cũng không tới 1 điểm. Các mã khác tăng mạnh có LPB tăng 5,3% lên 14.950 đồng, MBB tăng 3,7% lên 27.950 đồng…
YEG cũng duy trì chuỗi ngày hạnh phúc sau khi có thông tin thay máu cổ đông và tiếp tới là lãnh đạo. Cổ phiếu này có chuỗi tăng ấn tượng từ 27/5 tới nay với mức tăng hơn 60%.
Trong khi đó, POW đã không thể giữ được mức trần thứ 2 liên tiếp do áp lực chốt lời ngắn hạn gia tăng. Chốt phiên, POW tăng 4,7% lên 15.450 đồng, khớp 19,8 triệu đơn vị, đứng đầu thị trường về thanh khoản.
PVD là mã có thanh khoản tốt thứ 2 với 14,4 triệu đơn vị và cũng đóng cửa tăng 4,7% lên 24.600 đồng. Trong khi đó, HPG lại giảm 0,8% xuống 32.950 đồng, khớp 13,6 triệu đơn vị.
Chốt phiên, VN-Index tăng 19,79 điểm (+1,53%), lên 1.311,14 điểm với 385 mã tăng (23 mã trần), trong khi chỉ có 62 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 335,3 triệu đơn vị, giá trị 9.576,3 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 16,6 triệu đơn vị, giá trị 508,5 tỷ đồng.
Trong khi đó, sàn HNX-Index mở cửa tăng mạnh ngay từ đầu và nhích nới dần đà tăng, dù có các nhịp điều chỉnh nhẹ trong bước đi này.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 6,14 điểm (+2,02%), lên 310,29 điểm với 138 mã tăng và 51 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 44,4 triệu đơn vị, giá trị 1.072,7 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,2 triệu đơn vị, giá trị 20,7 tỷ đồng.
Trên sàn này, 2 mã họ FLC khởi sắc khi đều đóng cửa ở mức trần với thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó KLF lên 3.700 đồng, ART lên 5.300 đồng và còn dư mua trần. Sự khởi sắc của 2 mã này báo hiệu nhóm FLC trên HOSE có thể sẽ có giao dịch tích cực khi được giao dịch trong phiên chiều.
Trong các mã bluechip, PVS chỉ còn duy trì đà tăng nhẹ 0,6% lên 33.200 đồng, dù có thanh khoản tốt nhất sàn với 5,8 triệu đơn vị. Trong khi đó, SHS tăng 4% lên 18.300 đồng, khớp 4,3 triệu đơn vị; HUT tăng 5,7% lên 31.700 đồng, khớp 3,6 triệu đơn vị; CEO tăng 3,8% lên 40.600 đồng, khớp 2,2 triệu đơn vị; IDC tăng 5,5% lên 53.800 đồng, khớp 1,5 triệu đơn vị.
UPCoM sau khi tạo đỉnh của phiên đã hạ nhiệt trong nửa cuối phiên, nhưng cũng kịp lấy lại nhịp tăng tốt theo 2 sàn niêm yết vào những phút cuối phiên.
Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 0,96 điểm (+1,02%), lên 94,66 điểm với 192 mã tăng và 53 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 37,5 triệu đơn vị, giá trị 880 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,9 triệu đơn vị, giá trị 186,4 tỷ đồng.
BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với 8,7 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,9% lên 31.500 đồng. OIL cũng tăng mạnh 6% lên 15.900 đồng, khớp 2,35 triệu đơn vị.
Trong các mã khác, VGT tăng 7,1% lên 21.100 đồng, khớp 2,2 triệu đơn vị; C4G tăng 2,2% lên 13.900 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị. SBS tăng 2,6% lên 11.800 đồng, khớp hơn 3,8 triệu đơn vị…