Nếu tháng 3 được đánh giá là tháng tồi tệ nhất lịch sử chứng khoán Việt từ năm 2008 khi chỉ số VN-Index giảm tới 24,5%, trong đó có tới 89,9% các mã trên sàn có lợi nhuận âm, thì trong 2 tháng vừa qua (tháng 4 và 5), các nhà đầu tư mới có vẻ đang có kết quả thuận lợi khi lần đầu tiên trong 10 năm, tỷ lệ các mã có lãi lên tới trên dưới 80%.
Do đó, phần lớn giới phân tích đều đánh giá việc tìm kiếm lợi nhuận trong tháng 6 sẽ gặp nhiều thử thách hơn nhưng không phải là không có. Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV) cho trằng, khi nhịp tăng điểm vừa qua còn khá dốc, những phiên điều chỉnh rõ ràng hơn trong tháng 6 có thể là cơ hội hấp dẫn để quay vòng mở lại trạng thái nắm giữ.
Hay theo ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam, thị trường đã có 2 đợt sóng tăng liên tiếp và đang đi vào chu kỳ tăng thứ 3 với kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể chinh phục lại mốc 900 thành công.
Điều này đã thấy rõ trong tuần đầu tiên của tháng 6. Thị trường đã đón nhận nhiều nhịp rung lắc hơn khi VN-Index tiến gần hơn với vùng giá 880-900 điểm, nhưng với dòng tiền tham gia thị trường chảy mạnh khiến VN-Index vẫn vững vàng đi lên và đã tăng 2,5%, kết thúc tuần qua tại mốc 886,22 điểm.
Nhận định về xu hướng thị trường trong tuần giao dịch tiếp theo, KBSV cho rằng, những phiên tích lũy sát vùng đỉnh cùng với lực cầu bắt đáy sớm xuất hiện khiến chúng tôi cho rằng cơ hội tiếp tục đi lên đã trở nên sáng sủa hơn. Chỉ số được kỳ vọng sẽ chinh phục vùng đích tiếp theo tại quanh 900 (+/-5 điểm).
Không nằm ngoài dự đoán trên, bước vào phiên giao dịch sáng 8/6, dòng tiền chảy mạnh và lan tỏa toàn thị trường, đã giúp VN-Index tiếp tục tiến bước và dễ dàng vượt mốc 890 điểm ngay khi mở cửa.
Đà tăng được nới rộng hơn trong đợt khớp lệnh khi sắc xanh lan rộng bảng điện tử. Sau khoảng gần 90 phút giao dịch, toàn sàn HOSE có tới hơn 270 mã tăng điểm, gấp tới hơn 3,5 lần so với số mã giảm, trong đó nhóm VN30 cũng lũ lượt đi lên, ngoại trừ sự điều chỉnh tại HDB và CTD.
Bên cạnh những trụ đỡ khá tốt từ VNM, VIC, VHM, SAB, GAS, BID, nhóm cổ phiếu thị trường vừa và nhỏ tiếp tục là điểm sáng nhờ dòng tiền sôi động, giúp VN-Index thử thách tại vùng giá 900 điểm.
Cụ thể, hàng loạt các mã quen thuộc như ROS, HQC, ITA, HSG, DLG, AMD, HHS, SCR… tăng hết biên độ ngay từ đầu phiên với giao dịch sôi động, đồng thời nhiều mã dư mua trần chất đống.
Dòng tiền sôi động tiếp sức cho hàng trăm mã giao dịch khởi sắc cùng sắc tím ngày càng lan rộng hơn, đã kéo thị trường tăng vọt. Chỉ số VN-Index chinh phục thành công mốc 900 điểm và leo lên mức giá cao nhất phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 292 mã tăng, gấp tới hơn 4 lần số mã giảm (72 mã), trong đó có 39 mã tăng trần, VN-Index tăng 17,08 điểm (+1,93%), lên 903,3 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 368,91 triệu đơn vị, giá trị 4.915,28 tỷ đồng, tăng 26,89% về khối lượng và 43,35% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (5/6). Giao dịch thỏa thuận đóng góp 41,6 triệu đơn vị, giá trị 704,21 tỷ đồng.
Trong nhóm Vn30 chỉ còn duy nhất CTD giảm 2%, còn lại đều khởi sắc, đặc biệt có ROS và SBT tăng trần.
Sự hợp lực của các trụ cột lớn đã giúp VN-Index bật cao, cụ thể như VIC +2,5% lên 115.400 đồng/CP, VNM +2,4% lên 122.100 đồng/CP, VHM +1,4% lên 78.400 đồng/CP, SAB +2,5% lên mức cao nhất ngày 183.500 đồng/CP, GAS +2,6% lên 79.000 đồng/CP…
Thêm vào đó, nhóm cổ phiếu vua tiếp tục nới rộng biên độ với VCB, STB, VPB đều tăng hơn 1%, BID +4% lên 43.800 đồng/CP, CTG +2,7% lên 25.100 đồng/CP, EIB +2,3% lên 18.100 đồng/CP…
Điểm sáng là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn đua sóng với sắc tím ngày càng lan rộng hơn cùng giao dịch sôi động.
Trong đó, ROS dẫn đầu thanh khoản với gần 41,95 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần 9,66 triệu đơn vị; HQC khớp 24,74 triệu đơn vị và dư mua trần 18,7 triệu đơn vị, ITA khớp hơn 15 triệu đơn vị và dư mua trần gần 10 triệu đơn vị…
Ngoài ra, có thêm sự có mặt của các gương mặt mới gia nhập cánh đồng tím như HHS, TTB, ASM, TGG, MHC, VNE, CIG…
Trên sàn HNX, giao dịch hưng phấn cũng diễn ra ngay từ đầu phiên nhờ dòng tiền tham gia sôi động.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 81 mã tăng và 46 mã giảm, HNX-Index tăng 2,11 điểm (+1,79%), lên 120,19 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 61,92 triệu đơn vị, giá trị 599,83 tỷ đồng, gấp đôi về lượng và tăng 61,47% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần (5/6). Giao dịch thỏa thuận chỉ có thêm 2,22 triệu đơn vị, giá trị 30,42 tỷ đồng.
Trong nhóm HNX30, cổ phiếu SHS tiếp tục có phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp và cũng là phiên tăng điểm thứ 6 với mức tăng 9,5%, lên mức 12.700 đồng/CP, khối lượng khớp 4,42 triệu đơn vị.
Thêm vào đó, nhiều mã lớn cũng giao dịch tích cực như SHB +1,9% lên 16.300 đồng/CP, ACB +2% lên 25.700 đồng/CP, PVB +6,1% lên 15.600 đồng/CP, PVS +2,2% lên 13.700 đồng/CP, VCS +1,9% lên 64.900 đồng/CP…
Trong nhóm này còn có CEO, HUT và NRC cũng tăng hết biên độ. Trong đó, HUT là cổ phiếu giao dịch sôi động nhất, đạt 11,26 triệu đơn vị và dư mua trần 0,62 triệu đơn vị.
Ngoài ra, trên sàn HNX, hàng loạt mã vừa và nhỏ cũng đau nhau khoe sắc tím như PVX, VIX, BII, HHG, VKC, ITQ, SDT, CET…
Trên UPCoM, dòng tiền chảy mạnh cùng sự tiếp sức của các mã lớn như BSR, VGU, ACV, VGT, VEA… đã giúp UPCoM-Index vượt mốc 57 điểm.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,77 điểm (+1,37%), lên 57,21 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 23,4 triệu đơn vị, giá trị 230,34 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,24 triệu đơn vị, giá trị 92,94 tỷ đồng.
Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất trên UPCoM đều giao dịch khởi sắc với mức tăng khá tốt.
Trong đó, BSR dẫn đầu với 6,55 triệu đơn vị được giao dịch thành công, LPB khớp 4,72 triệu đơn vị, OIL khớp 2,6 triệu đơn vị, PVV khớp 1,3 triệu đơn vị, VGI khớp hơn 1 triệu đơn vị.