Dù thị trường có chút rung lắc và giao dịch ảm đạm hơn nhưng VN-Index vẫn duy trì được sắc xanh khi kết phiên 6/2 nhờ sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip.
Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết phiên hình thành nến Spinning top, hai chỉ báo RSI và MACD đang bẻ ngang ở vùng cao và vẫn có xác suất hình thành phân kỳ âm. Đồng thời, chỉ báo CMF đã chạm mức 0 cho thấy dòng tiền ở chiều mua chủ động không còn mạnh mẽ như trước và VN-Index sẽ cần thời gian tích lũy trở lại trước khi bước vào nhịp tăng dài hơi hơn.
Theo CSI, về xu hướng thị trường sẽ tiếp tục với tín hiệu tích cực trong ngắn hạn và khả năng cao đang hướng tới mốc kháng cự mục tiêu 1.200 điểm. Chỉ số VN-Index sẽ test vùng giá này trong các phiên tới và khả năng cao sẽ có rung lắc mạnh tại đây.
Tuy nhiên, diễn biến thị trường phiên giao dịch sáng 7/2 tiếp tục chậm lại bởi tâm lý nhà đầu tư đã sẵn sàng cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khi đây là phiên giao dịch cuối cùng của năm âm lịch. Dòng tiền tham gia khá chậm nhưng nhóm cổ phiếu bluechip vẫn đảm nhận tốt vai trò dẫn dắt thị trường.
Sau gần 2 giờ giao dịch, tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE chỉ đạt hơn 5.000 tỷ đồng và chỉ số VN-Index đang tăng nhẹ đứng trên mốc 1.190 điểm. Nhóm ngân hàng tiếp tục là leader, dẫn dắt xu hướng tăng nhẹ của thị trường , với sắc xanh lan tỏa toàn ngành.
Tuy nhiên, đột biến lại là cổ phiếu DBC bởi đà tăng mạnh cả về giá và thanh khoản. Hiện DBC đang tăng 3,1% lên gần mức giá 28.000 đồng/CP với thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt gần 13,4 triệu đơn vị.
Thị trường duy trì đà tăng nhẹ trong thời gian còn lại với thanh khoản tiếp tục sụt giảm.
Chốt phiên, sàn HOSE có 266 mã tăng và 144 mã giảm, VN-Index tăng 4,44 điểm (+0,37%), lên 1.192,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 271 triệu đơn vị, giá trị 6.270 tỷ đồng, giảm 9,62% về khối lượng và 7,25% về giá trị so với phiên sáng hôm qua.
Nhóm VN30 tăng nhẹ gần 5,5 điểm và đã vượt mốc 1.200 điểm, trong đó có 19 mã tăng và 8 mã giảm với các mã chỉ giảm nhẹ trong biên độ chỉ trên dưới 0,5%; còn ở chiều tăng CTG tiếp tục tăng mạnh 3,2%, TPB tăng 2,2%...
Xét về nhóm ngành, dòng bank vẫn hỗ trợ tốt cho thị trường. Ngoại trừ BID và EIB điều chỉnh nhẹ, còn lại đều đang giao dịch trong sắc xanh. Trong đó, CTG vẫn là mã tăng tốt nhất và khớp lệnh hơn 4,5 triệu đơn vị, còn SHB tăng nhẹ 0,4% có thanh khoản sôi động nhất ngành với hơn 9,6 triệu đơn vị khớp lệnh.
Nhóm chứng khoán cũng tăng nhẹ với AGR và VIX điều chỉnh nhẹ còn lại đều khởi sắc với VDS tăng tốt nhất ngành đạt 3,68%. Cổ phiếu VND cũng nới rộng đà tăng về cuối phiên và tạm dừng phiên sáng tại mức giá 22.550 đồng/Cp, tăng 2% với thanh khoản dẫn đầu thị trường đạt 15,22 triệu đơn vị.
Trên thị trường chỉ còn 5 nhóm điều chỉnh nhẹ với mức giảm đều chưa tới 0,6%, gồm sản xuất thiết bị, bán lẻ, khai khoáng, thực phẩm đồ uống, và tiện ích.
Trên sàn HNX, thị trường biến động lình xình trong trạng thái phân hóa.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 62 mã tăng và 57 mã giảm, HNX-Index tăng 0,05 điểm (+0,02%), lên 230,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 28,52 triệu đơn vị, giá trị 531 tỷ đồng.
Cổ phiếu SHS vẫn có giao dịch vượt trội với hơn 10,23 triệu đơn vị khớp lệnh, tuy nhiên áp lực bán gia tăng khiến mã này rung lắc và chốt phiên đứng tại mức giá tham chiếu 17.500 đồng/CP. Cổ phiếu chứng khoán khác là MBS vẫn khởi sắc khi chốt phiên tăng 1,1% lên mức 27.000 đồng/CP và khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Đứng thứ 2 về thanh khoản vẫn là CEO với hơn 3,77 triệu đơn vị, chốt phiên giảm nhẹ 0,5% xuống mức 21.300 đồng/CP.
Đột biến là cổ phiếu lạ GKM có thanh khoản tăng vọt, đạt hơn 1,21 triệu đơn vị, chốt phiên tăng nhẹ 0,3% lên mức 31.500 đồng/CP.
Trên UPCoM, dù có chút rung lắc nhẹ cuối phiên nhưng thị trường đã may mắn thoát hiểm.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,04%), lên 88,89 điểm với 118 mã tăng và 56 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 7,81 triệu đơn vị, giá trị 124 tỷ đồng.
Thanh khoản thị trường UPCoM giảm mạnh mẽ, với các mã giao dịch sôi động nhất là BSR, ABB, NAB đều chỉ đạt hơn nửa triệu đơn vị, chốt phiên cùng đứng giá tham chiếu.