Giao dịch chứng khoán sáng 7/11: VN-Index "dọa" xuyên thủng đáy cũ, cổ phiếu bất động sản tiếp tục bị bán tháo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán tiếp tục gia tăng trên diện rộng sau thời gian thăm dò đầu phiên đã khiến thị trường cắm đầu giảm mạnh. Trong đó, hàng loạt mã bất động sản chịu áp lực bán tháo và dư bán sàn lượng lớn.
Giao dịch chứng khoán sáng 7/11: VN-Index "dọa" xuyên thủng đáy cũ, cổ phiếu bất động sản tiếp tục bị bán tháo

Trong tuần trước, thị trường quay lại trạng thái tiêu cực khi trên đồ thị có tới với 4/5 phiên nến đỏ, áp lực bán vẫn khá mạnh bất chấp trước đó chứng khoán đã có một đợt giảm điểm kéo dài suốt 6 tháng vừa qua đưa VN-Index trở thành chỉ số giảm điểm mạnh nhất toàn cầu.

Câu chuyện hiện tại của thị trường có lẽ nằm ở 2 chữ "niềm tin", những diễn biến trên thị trường tài chính toàn cầu và những điều chỉnh chính sách gần đây trong nước để thích ứng chưa thực sự thuyết phục được nhà đầu tư mua vào, trong khi đó những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu đã mất kiên nhẫn hoặc bị bán giải chấp, khiến thị trường chưa thể tạo ra dấu hiệu tạo đáy hoàn hảo.

Diễn biến tiêu cực của tuần trước được tiếp nối vào phiên sáng hôm nay, ngày 7/11, thị trường mở cửa trong sắc đỏ và diễn biến tiêu cực tăng dần về giữa phiên sáng khi VN-Index lao dốc khá mạnh, đe dọa xuyên thủng mức thấp nhất hơn 2 năm qua ở ngưỡng 962 điểm. Điều đáng nói là thanh khoản tiếp tục cạn kiệt khi giá trị khớp lệnh không đáng kể khiến lực đỡ chỉ số yếu ớt và không mang lại tác dụng nhiều.

Về diễn biến chi tiết phiên giao dịch, bước sang đợt khớp lệnh liên tục, sau khi VN-Index nỗ lực lấy lại mốc tham chiếu bất thành, áp lực bán đã gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip và dần lan rộng thị trường, tiếp tục đẩy chỉ số này lùi sâu dưới mốc tham chiếu. Sau hơn 1 giờ giao dịch, chỉ số VN-Index lình xình trên mốc 980 điểm.

Trong đó, dường như những thông tin tiêu cực cuối tuần qua vẫn tiếp tục khiến các cổ phiếu nhóm bất động sản ngấm đòn. Bên cạnh cặp NVL và PDR dư bán sàn chất đống ngay từ đầu phiên, hàng loạt mã khác trong ngành như DIG cũng dư bán sàn tới hơn 9 triệu, KBC dư bán sàn hơn 6 triệu, hay các mã khác như ITC, BCG, DXG, DXS… cũng đồng loạt giảm sàn.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu thép cũng bị xả bán mạnh. Ngoài NKG và HSG đang dao động quanh mức giá sàn, cổ phiếu HPG tiếp tục rơi về sát mốc 14.000 đồng/CP.

Thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh cho thấy tâm lý nhà đầu tư càng mong manh và lo sợ hơn. Sau khoảng gần 90 phút giao dịch, tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE chưa tới 2.500 tỷ đồng và chỉ số VN-Index giảm về sát mốc 980 điểm.

Trong khi dòng tiền tham gia vẫn hạn chế, áp lực bán tiếp tục gia tăng mạnh trên diện rộng khiến thị trường duy trì trạng thái tiêu cực trong thời gian còn lại của phiên sáng. Sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử, đáng chú ý là số mã nằm sàn vượt số mã tăng điểm, đã khiến chỉ số VN-Index tạm dừng phiên sáng ở mức thấp nhất trong phiên và nguy cơ thủng đáy cũ là hoàn toàn có thể xảy ra.

Chốt phiên sáng nay, sàn HOSE có tới 371 mã giảm (với 62 mã giảm sàn), trong khi chỉ có 57 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 22,92 điểm (-2,3%) xuống mức 974,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 298,5 triệu đơn vị, giá trị 4.704,45 tỷ đồng, tăng 9,34% về khối lượng và 2,54% về giá trị giao dịch so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 4/11.

Giao dịch thỏa thuận đã đóng góp 49,46 triệu đơn vị, giá trị 1.017,65 tỷ đồng, trong đó đáng kể là KBC thỏa thuận 11,94 triệu đơn vị, giá trị 188,21 tỷ đồng và VIB thỏa thuận 9,8 triệu đơn vị, giá trị 196 tỷ đồng.

Nhóm VN30 là gánh nặng chính của thị trường khi chốt phiên giảm hơn 25 điểm, với việc xác nhận 22 mã giảm, 7 mã tăng và 1 mã đứng giá. Trong đó, bộ 3 cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản là PDR, NVL và KDH giảm sàn; các mã giảm mạnh khác như MWG, HDB, VIB, SSI, HPG… giảm trên dưới 5%.

Trái lại, VNM vẫn ngược dòng khá tốt và chốt phiên đang ở vùng giá cao trong ngày 81.600 đồng/CP, tăng 2%. Còn lại các mã giữ được sắc xanh với biên độ tăng khá hẹp chỉ trên dưới 0,5%, trong đó có sự góp mặt của cặp đôi dầu khí PLX và GAS.

Xét về nhóm ngành, dòng chứng khoán cũng trở nên tiêu cực hơn trong bối cảnh chung của thị trường, trong đó VND đã không thể giảm hơn được khi chốt phiên tại mức giá sàn 10.450 đồng/CP, giảm 6,7%; ngoài ra FTS, CTS cũng giảm sàn.

Còn lại các mã khác trong ngành cũng đều trong trạng thái giảm sâu về vùng giá thấp trong phiên, như SSI giảm 4,9%, VIX giảm 5,8%, VCI giảm 6,8%, HCM giảm 3,9%, APG giảm 6,1%...

Ở cổ phiếu bất động sản, sắc xanh lam cũng mở rộng hơn. Bên cạnh NVL và PDR vẫn trong trạng thái dư bán sàn hơn 11 triệu đơn vị, cặp DIG và KBC cũng bị tháo chạy mạnh mẽ với lượng dư bán sàn tiếp tục tăng mạnh, lần lượt lên tới 11,75 triệu đơn vị và 9,22 triệu đơn vị.

Hàng loạt mã khác trong ngành như TCH, BCG, HBC, KDH, CTD, SZC, ITC, SCR, HDC, NLG, HDG, DXS, DRH, KHG… đều giảm sàn và hầu hết trong trạng thái trắng bên mua.

Nhóm cổ phiếu cũng trong trạng thái bị bán mạnh. Bên cạnh HSG và NKG chốt phiên giảm sàn, HPG tiếp tục thủng mốc 14.000 đồng/CP khi giảm tới 4,8%, cùng vị trí dẫn đầu thanh khoản thị trường, đạt 17,55 triệu đơn vị, và vẫn là mã bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất đạt gần 1,2 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoại trừ VPB và ACB xanh nhạt với mức tăng chỉ trên dưới 0,5%, cùng BID đứng giá tham chiếu, còn lại đều chốt phiên giảm điểm. Trong đó, EIB giảm sàn; HDB, VIB, MBB, TCB, MSB, STB giảm trên dưới 5%, cổ phiếu lớn VCB chỉ giảm nhẹ 0,42%, CTG giảm 1,63%.

Trên sàn HNX, sau diễn biến rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu trong 30 phút đầu phiên, thị trường dần đi lùi và giảm khá mạnh về dưới mốc 200 điểm trước áp lực bán dâng cao.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 4,77 điểm (-2,33%), xuống 199,79 điểm với 19 mã tăng và 147 mã giảm (29 mã giảm sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 26,41 triệu đơn vị, tổng giá trị 391,52 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,39 triệu đơn vị, giá trị 5,38 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30, ngoài LHC vẫn giữ được sắc xanh khi chốt phiên tăng 4,1%, cổ phiếu PVS đã đảo chiều hồi phục khi tăng 1,4% lên mức 21.600 đồng/CP, cùng bộ đôi DDG và PGS đứng giá tham chiếu, còn lại đều mất điểm.

Bộ đôi cổ phiếu họ licogi là L14 và L18 biến động trong biên độ rộng và chốt phiên đều nằm sàn.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh chung của nhóm bất động sản, cổ phiếu CEO tiếp tục có thêm phiên giảm mạnh, chốt phiên -8,9% xuống sát sàn 11.200 đồng/CP, IDC giảm 4% xuống 38.700 đồng/CP, TIG giảm 6,9% xuống 6.700 đồng/CP..

Một số mã đáng chú ý khác cũng trong xu hướng giảm mạnh như HUT giảm 7,5% xuống 14.800 đồng/CP, TAR giảm 7% xuống 13.200 đồng/CP, SHS giảm 6,3% xuống 7.400 đồng/CP, TNG giảm 3,3% xuống 14.800 đồng/CP…

Về thanh khoản, chỉ có 4 mã có khối lượng giao dịch tới triệu đơn vị, với SHS dẫn đầu khi khớp lệnh 4,78 triệu đơn vị, CEO khớp 3,48 triệu đơn vị, PVS khớp 3,21 triệu đơn vị, IDC khớp 2,82 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng đảo chiều giảm mạnh.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 1,29 điểm (-1,74%) xuống 72,97 điểm với 71 mã tăng, 150 mã giảm (14 mã giảm sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 9,45 triệu đơn vị, giá trị 138,06 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 0,72 triệu đơn vị, giá trị 3,96 tỷ đồng.

Trong xu hướng chung của nhóm dầu khí, BSR cũng có được sắc xanh nhạt khi tạm dừng phiên giao dịch sáng nay. Cụ thể, BSR chốt phiên tăng 0,6% lên mức 17.200 đồng/CP và vẫn là mã dẫn đầu thanh khoản thị trường, đạt hơn 2 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, OIL chốt phiên ở mức tham chiếu 8.200 đồng/CP và khớp 0,22 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu trên thị trường đều có khối lượng giao dịch chỉ trên dưới nửa triệu đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục