Giao dịch chứng khoán sáng 5/1: Tâm lý FOMO giúp VN-Index thiết lập đỉnh mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tiếp nối phiên khởi sắc đầu năm, thị trường tiếp tục bứt lên thiết lập đỉnh mới 1.535 điểm đầu phiên sáng nay. Dù áp lực chốt lời gia tăng, nhưng tâm lý FOMO giúp VN-Index giữ vững đà tăng để thiết lập đỉnh cao mới.
Giao dịch chứng khoán sáng 5/1: Tâm lý FOMO giúp VN-Index thiết lập đỉnh mới

Trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới 2022 (4/1), thông tin về gói chính sách hỗ trợ hơn 300.000 tỷ đồng giúp thị trường có phiên khởi sắc, VN-Index thiết lập đỉnh cao lịch sử mới 1.525 điểm. Dù sắc xanh chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử, nhưng việc VN-Index nhẹ nhàng phá vỡ đỉnh lịch sử của chính mình – vốn rất khó khăn trong các tuần cuối năm 2022 là nhờ sự giúp sức đắc lực của các mã vốn hóa lớn, đặc biệt là cặp đôi VIC-VHM.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, dư âm của phiên hôm qua tiếp tục giúp VN-Index bứt lên đầu phiên, xác lập đỉnh lịch sử mới trên 1.535 điểm. Tuy nhiên, ở vùng điểm này, áp lực chốt lời đã gia tăng, đẩy nhiều mã quay đầu, qua đó khiến VN-Index cũng hạ dần độ cao.

Điều này dễ hiểu, bởi về kỹ thuật, phiên tăng mạnh hôm qua đã tạo ra một gap hơn 7 điểm và VN-Index vượt ra ngoài dải trên của bolliger band. Do đó, VN-Index có thể sẽ điều chỉnh để lấp gap và trở lại trong dải bolliger trong các phiên tới. Tuy nhiên, cả dòng tiền và các yếu tố kỹ thuật vẫn có thấy tín hiệu tích cực về xu hướng tăng của thị trường.

Ngoài ra, về yếu tố vĩ mô, gói hỗ trợ chính sách hơn 300.000 tỷ đồng vẫn đang là thông tin hỗ trợ tích cực cho thị trường. Bên cạnh đó, các dự báo kinh tế vĩ mô năm 2022 cũng khá lạc quan.

Cụ thể, ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng và quản lý Chương trình Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư thuộc WB tại Việt Nam dự báo, Việt Nam sẽ quay lại quỹ đạo tăng trưởng thời trước đại dịch. Chuyên gia WB cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% năm 2022 là hoàn toàn khả thi.

Áp lực chốt lời khiến VN-Index có thời điểm bị đẩy về gần tham chiếu, tuy nhiên tâm lý FOMO đã khích hoạt dòng tiền lớn nhập cuộc, hấp thụ lượng cung giá thấp, kéo nhiều mã tăng mạnh trở lại, qua đó cũng giúp VN-Index trở lại đà tăng mạnh với sắc xanh chiếm ưu thế, đặc biệt là tới 20 mã đóng cửa ở mức trần, trong khi không có mã nào giảm sàn. Thanh khoản theo đó cũng tăng lên.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 8,95 điểm (+0,59%), lên 1.534,53 điểm với 232 mã tăng, 199 mã giảm và 58 mã tham chiếu. Tổng khối lượng giao dịch đạt 608,7 triệu đơn vị, giá trị 19.248,8 tỷ đồng, tăng 15,7% về khối lượng và 15,3% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 27,6 triệu đơn vị, giá trị 935,7 tỷ đồng.

Trong các mã lớn, trong khi VIC và VHM hạ thấp độ cao, chỉ còn tăng nhẹ trên dưới 0,5%, thì “người em” VRE thay thế “lĩnh ấn tiên phong” cùng VCB và GAS dẫn dắt đà tăng của thị trường sáng nay. Trong đó, VRE tăng trần lên 33.300 đồng, khớp 10,05 triệu đơn vị, còn VCB tăng 1,65% lên 80.300 đồng, khớp chỉ hơn 0,6 triệu đơn vị và GAS tăng 3,24% lên 105.200 đồng, khớp 1,21 triệu đơn vị.

Ngoài ra, còn phải kể đến sự đóng góp của DIG khi tăng mạnh 5,71% lên 109.300 đồng, hay POW dù không giữ được sắc tím như phiên hôm qua, nhưng cũng tăng 4,28% lên 19.500 đồng. Bên cạnh đó là BCM, HPG.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, MSN hãm đà của VN-Index khi giảm 2,29% xuống 166.100 đồng, NVL giảm 1,24% xuống 87.900 đồng, ACB giảm 1,45% xuống 33.900 đồng, hay các mã giảm nhẹ khác là VNM, BID, VPB, GVR, MBB.

Trong các nhóm ngành dẫn dắt, trong khi bất động sản vẫn duy trì sức nóng hầm hập, thì ngân hàng và thép lại chưa thể trở lại một cách ổn định và chắc chắn.

Trong đó, nhóm ngân hàng ngoài VCB tăng mạnh nhất như đã đề cập, chỉ còn 4 sắc xanh nhạt khác tại STB, CTG, VIB và EIB, còn lại đều giảm. Trong đó, giảm mạnh nhất là TPB và SSB giảm hơn 1,6%.

Nhóm thép cũng có sự phân hóa và sắc đỏ cũng chiếm ưu thế hơn, dù trong các mã tăng có 1 mã trần là DTL và có sự góp mặt của các mã đầu ngành HPG, NKG, HSG.

Nhóm chứng khoán dù sắc xanh chiếm ưu thế, nhưng chỉ có 3 mã nhỏ tăng trên 1%, trong đó mạnh nhất là CTS tăng 5,02% lên 50.200 đồng, còn lại đều có mức tăng khiêm tốn.

Trở lại với nhóm bất động sản, đây vẫn là điểm nóng thu hút dòng tiền và là dòng dẫn dắt thị trường trong nhịp tăng vừa qua. Sáng nay, sắc tím vẫn bao phủ ở nhiều mã trong nhóm này như DRH, LDG, QCG, VPH, NVT. Trong khi đó, dù không có được sắc tím khi chốt phiên, nhưng nhiều mã khác vẫn tăng mạnh. Ngoài các mã đã đề cập như họ Vingroup, hay DIG, các mã tăng mạnh khác còn có DXG tăng 4,97% lên 36.950 đồng, HBC dù chịu áp lực chốt lời không giữ được mức trần, nhưng cũng tăng 4,64% lên 33.850 đồng. Các mã tăng từ hơn 3% đến gần 4% có CCL, FLC, SZC, BCM, AGG, KDH, VPI. Trong khi đó, chỉ có 5 sắc đỏ trong nhóm này và mức giảm cũng không mạnh.

Về thanh khoản, các mã nóng vẫn giữ được sự sôi động khi POW, ROS, HAG, GEX, FLC, HQC… là các mã có thanh khoản cao nhất trên sàn HOSE. Trong đó, POW khớp hơn 27,5 triệu đơn vị, ROS khớp gần 23,5 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,51% lên 14.300 đồng; HAG khớp 22,5 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,8% lên 13.500 đồng. GEX tiếp tục tăng 3,7% lên 45.050 đồng, khớp 20,9 triệu đơn vị. FLC tăng 3,2% lên 19.300 đồng, khớp 17 triệu đơn vị…

Trong họ FLC, chỉ có GAB thường đứng ngoài, còn lại đều tăng tốt theo ROS và FLC.

Trong khi đó, trên HNX, sau khi lỡ nhịp tăng mạnh phiên đầu tuần cùng VN-Index, cũng đã trở lại mạnh mẽ sáng nay.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 5,56 điểm (+1,17%) lên 479,66 điểm với 100 mã tăng (15 mã trần) và 128 mã giảm (3 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 83,8 triệu đơn vị, giá trị 2.670,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,1 triệu đơn vị, giá trị 107,6 tỷ đồng.

CEO tiếp tục là điểm nhấn trên sàn này với mức tăng 9,11% lên 85.000 đồng, khớp 5,66 triệu đơn vị, có lúc đã chạm trần 85.600 đồng. Các mã lớn trên sàn này đều tăng tốt sáng nay, trong đó SHS tăng 2,33% lên 52.800 đồng, khớp 7,93 triệu đơn vị, đứng đầu sàn; NVB tăng 4,55% lên 34.500 đồng; PVS tăng 1,06% lên 28.500 đồng, khớp 6,61 triệu đơn vị; MBS tăng 2,21% lên 41.700 đồng, khớp 1,83 triệu đơn vị. KSF tăng 2,6% lên 79.000 đồng, hay mã vốn hóa lớn nhất THD tăng 0,38% lên 264.200 đồng.

Các mã đáng chú ý khác có PVL tăng trần lên 17.800 đồng, khớp gần 4 triệu đơn vị, GKM tăng trần lên 50.600 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị, cả 2 đều dư mua trần.

Trên UPCoM, sau khi mở cửa tích cực, đã nhanh chóng lùi xuống và lình xình quanh tham chiếu.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,15 điểm (+0,13%) lên 113,87 điểm với 172 mã tăng (21 mã trần) và 145 mã giảm (6 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 66,4 triệu đơn vị, giá trị 1.553,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,4 triệu đơn vị, giá trị 35,7 tỷ đồng.

C4G sau thông tin phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn đã tăng trần lên 30.100 đồng, nhưng sau đó hạ nhiệt do áp lực chốt lời, đóng cửa tăng 13,7% lên 29.800 đồng, khớp 3,9 triệu đơn vị, đứng Top 5 về thanh khoản.

4 mã có thanh khoản tốt nhất đều tăng giá sáng nay là HHV tăng 0,7% lên 27.600 đồng, khớp 8,15 triệu đơn vị; VGT tăng 4,1% lên 28.200 đồng, khớp 5,82 triệu đơn vị; BSR tăng 1,3% lên 24.000 đồng, khớp 5,39 triệu đơn vị; SBS tăng 1,6% lên 18.700 đồng, khớp 4,23 triệu đơn vị.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục