Giao dịch chứng khoán sáng 4/11: Thị trường lại lao dốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng mạnh trên diện rộng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, chỉ số VN-Index tiếp tục chứng kiến một phiên lao dốc mạnh khi bốc hơi hơn 40 điểm.
Giao dịch chứng khoán sáng 4/11: Thị trường lại lao dốc

Thị trường đã trải qua những ngày đầu tháng 11 không mấy khả quan. Trong đó, phiên hôm qua ngày 3/11 là phiên giảm điểm thứ 2 và điểm đáng chú ý là chỉ số VN-Index kết phiên tiếp tục dưới ngưỡng kháng cự MA20 (quanh 1.030 điểm). Điều này cho thấy tín hiệu kỹ thuật trong ngắn hạn của VN-Index vẫn ở mức tiêu cực.

Trong khi đó, bối cảnh thị trường trong và ngoài nước vẫn đang diễn biến phức tạp. Diễn biến tỷ giá, lãi suất và thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục căng thẳng. Thêm vào đó, các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất, chính sách zero covid Trung Quốc chưa nới lỏng và các cuộc xung đột chính trị vẫn leo thang…

Với những tác động trên, BSC đã đưa ra một kịch bản tiêu cực cho thị trường chứng khoán trong nước. Theo đó, chỉ số VN-Index có thể mất ngưỡng tâm lý 1.000 điểm và lui về các vùng điểm thấp hơn đáy 986 điểm. Thậm chí, ORS còn đưa ra kịch bản tiêu cực hơn khi chỉ số VN-Index thủng ngưỡng tâm lý 1.000 điểm thì có thể rơi về mức 950 điểm.

Quay lại xu hướng thị trường trong phiên sáng cuối tuần ngày 4/11, sắc đỏ vẫn chiếm chủ đạo trên bảng điện tử và các chỉ số chung tiếp tục mở cửa trong trạng thái giảm điểm cùng mức thanh khoản khá thấp.

Sau nhịp giảm nhẹ đầu phiên, thị trường dần nới rộng biên độ khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục do áp lực bán gia tăng mạnh. Chỉ sau hơn 30 phút giao dịch, số mã giảm điểm trên thị trường đã gấp hơn 10 lần số mã tăng, trong đó các nhóm cổ phiếu lớn cũng chìm trong sắc đỏ, khiến VN-Index dễ dàng thủng ngưỡng 1.000 điểm.

Nhóm cổ phiếu rộng nhất trên thị trường là bất động sản và xây dựng tiếp tục ảm đạm. Bên cạnh cổ phiếu NVL nhanh chóng nằm sàn ngay khi mở cửa và hiện dư bán sàn khá lớn, tới hơn 2 triệu đơn vị, nhiều mã quen thuộc khác cũng khoác áo xanh mắt mèo, đáng kể có PDR với lượng dư bán sàn hiện hơn 3,3 triệu đơn vị, NHA, DXG, KBC, DIG; hay một số mã về sát sàn như DXS, NLG, SCR, LDG, BCG, TDC…

Ngoài ra, các nhóm cổ phiếu khác cũng chìm trong sắc đỏ, nhưng đà giảm sâu nhất đang thuộc về nhóm chứng khoán với SSI giảm 5,5%, VND giảm 4,6%, VIX giảm 4,5%, FTS giảm 6,2%, CTS giảm 5,2%, BSI giảm 5,1%...

Sau hơn 1 giờ giao dịch, dù áp lực bán tháo chưa diễn ra ồ ạt khi trên toàn thị trường có hơn 50 mã giảm sàn, trong đó riêng sàn HOSE chỉ có 12 mã, nhưng chỉ số VN-Index đã bốc hơi hơn 32 điểm và thủng mốc 990 điểm, điều này cho thấy thị trường có thể tiếp tục đi xa hơn nữa khi trạng thái tiêu cực vẫn đang lan rộng trên bảng điện tử.

Mặc dù thanh khoản có cải thiện nhưng những thông tin tiêu cực lan truyền khiến thị trường vẫn chìm sâu trong sắc đỏ trong thời gian còn lại của phiên sáng.

Tạm chốt phiên sáng nay, sàn HOSE có tới 438 mã giảm (với 40 mã giảm sàn), gấp tới gần 20 lần số mã tăng (chỉ 23 mã), chỉ số VN-Index giảm 40,59 điểm (-3,98%) xuống mức 979,22 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 273 triệu đơn vị, giá trị 4.587,9 tỷ đồng, tăng hơn 53% về khối lượng và 46,44% về giá trị giao dịch so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 15,75 triệu đơn vị, giá trị 393,67 tỷ đồng.

Trong nhóm VN30 chỉ có SAB ngược dòng thành công khi tăng 1,6%, chốt phiên sáng nay tại mức 184.900 đồng/CP và VNM đứng giá tham chiếu, còn lại đều giảm mạnh.

Trong đó, cặp đôi bất động sản NVL và PDR vẫn trong trạng thái dư bán sàn lớn, lần lượt hơn 2,9 triệu đơn vị và 3,75 triệu đơn vị; mã khác trong ngành là KDH thoát sắc xanh mắt mèo nhưng cũng giảm tới 6,7%; trong khi cặp đôi lớn VIC và VHM cùng giảm 5,1%...

Ngoài ra, các mã lớn khác trong rổ này như MWG, SSI, BVH, VCB, MSN… cũng có mức giảm trên dưới 5%.

Xét về nhóm ngành, dòng chứng khoán vẫn là chỉ báo của thị trường với nhiều mã như FTS, APG chốt phiên giảm sàn, các mã khác như VDS giảm 6,8%, ORS và BSI giảm 6,4%, SSI giảm 6,1%, VCI giảm 6,3%, CTS giảm 5,6%, VND giảm 5,4%, VIX giảm 6,2%, HCM giảm 4,7%...

Tuy nhiên, nhóm bất động sản vẫn đóng góp nhiều sắc xanh mắt mèo nhất. Ngoài NVL và PDR còn có DIG tiếp tục giảm sàn với khối lượng dư bán sàn gần 3,4 triệu đơn vị, DXG, HDC, NLG, HDG, KHG, DXS, TCD, KBC, NHA, LGL…

Ở nhóm cổ phiếu trụ cột lớn – dòng bank cũng không có nổi mã nào ngược dòng thành công. Trong đó, hầu hết đều giảm hơn 4%, đáng kể các mã TCB, STB giảm hơn 6%. Trong đó, STB có thanh khoản sôi động nhất ngành, đạt 21,42 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở nhóm cổ phiếu thép, HPG tiếp tục rơi và chốt phiên giảm 3,3% xuống mức 14.700 đồng/CP với thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường, đạt hơn 27 triệu đơn vị. Nhà đầu tư ngoại đã giảm nhiệt bán ròng với khối lượng bán ròng đạt gần 2 triệu đơn vị, vẫn là mã bán ròng mạnh nhất trong phiên sáng nay của khối này.

Trên sàn HNX, sau khi mở cửa le lói sắc xanh, thị trường cũng đã quay đầu và rơi mạnh dần về cuối phiên sáng.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 6,56 điểm (-3,11%), xuống 204,18 điểm với 21 mã tăng và 154 mã giảm (33 mã giảm sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 43 triệu đơn vị, tổng giá trị 567,85 tỷ đồng, gần gấp đôi cả về lượng và giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2 triệu đơn vị, giá trị 33 tỷ đồng.trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm gần nửa triệu đơn vị, giá trị 6,8 tỷ đồng.

Tương tự sàn HOSE, trong nhóm HNX30 cũng chỉ có duy nhất 1 mã ngược dòng thành công, đó là PGS chốt phiên tăng 4,1% lên 28.100 đồng/CP, còn lại 29 mã mất giá, trong đó cặp licogi là L18 và L14 vẫn giảm mạnh nhất về sàn hoặc sát sàn, đều giảm hơn 9,5%.

Một số mã đáng chú ý cũng trong xu hướng giảm sâu như HUT giảm 8,3% xuống mức 15.400 đồng/CP, thậm chí có lúc giảm sàn; CEO tiếp tục mất 7,4% xuống 12.600 đồng/CP, IDC giảm 6,7% xuống mức 40.400 đồng/CP…

Cổ phiếu chứng khoán SHS vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 11,61 triệu đơn vị khớp lệnh và chốt phiên giảm 3,7% xuống 7.900 đồng/CP. Các mã chứng khoán khác như TVC giảm 2,1%, MBS giảm 4,5%, APS giảm 6,8%...

Các mã thanh khoản tốt khác có PVS khớp 4,39 triệu đơn vị, CEO khớp 4,26 triệu đơn vị, IDC khớp 2,68 triệu đơn vị…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, KLF chốt phiên giảm sàn với khối lượng khớp 1,28 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng trong xu hướng giảm mạnh.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 1,67 điểm (-2,2%) xuống 74 điểm với 61 mã tăng, 222 mã giảm (37 mã giảm sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,48 triệu đơn vị, giá trị 196,62 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 21,35 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 2,78 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên giảm 4,5% xuống mức 17.000 đồng/CP.

Tiếp theo đó, PVX khớp 2,29 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 14,7% xuống mức giá sàn 2.900 đồng/CP.

Còn lại các mã đều có mức thanh khoản chưa tới 1 triệu đơn vị. Trong đó, các mã đáng chú ý cũng trong trạng thái giảm mạnh như C4G, VHG, VGI, DDV… đều giảm hơn 5%.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục