Nút thắt dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Niềm tin lung lay, thị trường trái phiếu ngưng trệ, dư địa tín dụng hạn chế, tỷ giá tăng là các nhân tố liên kết với nhau tạo nên cơn lốc xoáy quần thảo, cuốn dòng tiền ra khỏi thị trường chứng khoán.
Nếu lãi suất huy động tăng cao thì có thể tiền sẽ rút ra khỏi thị trường chứng khoán mạnh hơn Nếu lãi suất huy động tăng cao thì có thể tiền sẽ rút ra khỏi thị trường chứng khoán mạnh hơn

Ngưng trệ thị trường trái phiếu

Giám đốc một công ty chứng khoán có hoạt động đầu tư nguồn vốn, kinh doanh trái phiếu đặt câu hỏi: “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp giờ bán không ai mua, phát hành mới không được, một số doanh nghiệp lớn và nhỏ đã không trả được nợ thì có thể nhận thức là bắt đầu vỡ, tổn thương hay mới chỉ là nguy cơ?”.

Thông tin về các cuộc đàm phán nợ giữa doanh nghiệp phát hành, công ty chứng khoán phân phối và nhà đầu tư cá nhân lan rộng khiến làn sóng nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu càng thêm mạnh mẽ. Phía trước còn nhiều nhà đầu tư chờ đến hạn để thu tiền về trong các tháng sắp tới, trong khi tổ chức phát hành không kịp thu xếp tiền mua lại.

Không ít công ty chứng khoán phải gồng thanh khoản để thanh toán trái phiếu, hoặc ôm lại trái phiếu hỗ trợ tổ chức phát hành. Làn sóng rút vốn khỏi các quỹ chứng khoán (quỹ mở) cũng xuất hiện. Trong cuộc họp với Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam ngày 26/10/2022, các công ty quản lý quỹ lớn đều bày tỏ lo ngại khi trái phiếu chất lượng tốt cũng không ai mua, tiền liên tục rút ra thì các quỹ có thể default (vi phạm nghĩa vụ trả nợ).

Thống kê từ Fiin trade cho thấy, rủi ro trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là có, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được. Thời gian qua, nhà đầu tư trái phiếu muốn đáo hạn sớm và nhiều doanh nghiệp cũng chủ động “trả lại” tiền cho nhà đầu tư, khiến lượng trái phiếu lưu hành giảm khá mạnh. Tính đến 30/9/2022, giá trị này giảm còn hơn 1,3 triệu tỷ đồng (cuối năm 2021 là hơn 1,5 triệu tỷ đồng, chiếm 15% GDP), trong đó, trừ đi số trái phiếu do ngân hàng phát hành trên 400.000 tỷ đồng thì trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng giảm còn hơn 920.000 tỷ đồng. Trái phiếu ngân hàng về cơ bản là rủi ro rất thấp. Với khối doanh nghiệp thì trong số 920.000 tỷ đồng, trái phiếu bất động sản chiếm 455.000 tỷ đồng, tỷ trọng khá lớn nhưng cũng chỉ chiếm 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng.

Thực tế, có một lượng trái phiếu không niêm yết do công ty chứng khoán chia nhỏ kỳ hạn phân phối đến tay nhà đầu tư cá nhân nên rất khó để thống kê, bởi trái phiếu được lưu ký tại các công ty chứng khoán, thay vì lưu ký tập trung. Chính vì thiếu dữ liệu nên thông tin dễ bị đồn thổi. Chỉ cần một tin đồn có liên quan đến trái phiếu là cổ phiếu bị bán tháo như trường hợp của Chứng khoán VNDIRECT (mã chứng khoán VND) với trái phiếu Trung Nam vừa qua.

Tảng băng chìm khác là một vài công ty chứng khoán tự doanh trái phiếu gặp khó khăn về thanh khoản khi không thể chuyển đổi trái phiếu thành tiền do tổ chức phát hành không có tiền mua lại.

“Chúng tôi đang phải chật vật lo thanh khoản”, giám đốc một công ty chứng khoán quy mô vừa nói, thừa nhận chuẩn bị phát hành trái phiếu mới để mua lại trái phiếu đã phân phối cho khách hàng với kỳ hạn ngắn.

TS. Lê Đạt Chí, Trường đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp không quá lớn, vì lượng trái phiếu phát hành chuyển từ F1 sang F2, các nhà đầu tư đại chúng, chưa quá nhiều. Trong trường hợp tổ chức phát hành gặp vấn đề về thanh khoản thì theo Nghị định 65/2022/NĐ-CP, tổ chức phát hành có thể đàm phán với các chủ nợ để gia hạn, cơ cấu đảo nợ, với điều kiện 65% trái chủ đồng ý. Với tỷ lệ này thì quyết định cơ cấu nợ vẫn thuộc về trái chủ là các tổ chức đầu tư, các nhà đầu tư lớn, chứ không phải nhà đầu tư đại chúng.

“Nếu như có trường hợp nhà đầu tư đại chúng mua vượt tỷ lệ 35% lô trái phiếu phát hành, vấn đề có thể nghiêm trọng hơn. Tôi nghĩ, thực tế không nhiều, nhưng vấn đề là thiếu thông tin”, ông Chí nói.

Chính vì thiếu thông tin, niềm tin lung lay nên nhà đầu tư bị ảnh hưởng tâm lý, bán trái phiếu trước hạn, bán chứng chỉ quỹ trái phiếu thu tiền về. Ảnh hưởng của thị trường trái phiếu ngưng trệ đến thị trường chứng khoán, tăng áp lực của thị trường tiền tệ và nguồn vốn cho nền kinh tế đã ở mức nghiêm trọng mà nhiều chuyên gia, doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý cấp bách có giải pháp củng cố niềm tin, khơi thông lại thị trường.

Tiền khó, đổi cổ lấy tiền

TS. Lê Đạt Chí nhìn nhận, nguyên nhân chính khiến chứng khoán giảm giá, thanh khoản giảm là chính sách thắt chặt tiền tệ. Ngay cả ở Mỹ, khi bảng cân đối kế toán giảm 220 tỷ USD, một con số nhỏ mà có thời điểm thị trường trái phiếu nước này cũng gặp khó về thanh khoản.

Ngoài một số nhà đầu tư đã rút hẳn ra khỏi thị trường, hoặc có tâm lý buông xuôi do lâm vào trạng thái lỗ quá lớn, thì không ít nhà đầu tư rất dè dặt và thận trọng khi mua cổ phiếu, dù giá giảm sâu.

Khi ngân hàng trung ương phát tín hiệu thắt chặt tiền tệ thì từ người dân đến doanh nghiệp đều co cụm lại, giảm tốc đầu tư. Ngân hàng Nhà nước lại siết tín dụng, hút tiền về, khiến tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế giảm.

Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank phân tích, tỷ lệ dư nợ/vốn huy động (LDR) của ngân hàng trung bình ở mức 75%, so với trần quy định là 85% cho thấy, thanh khoản bình thường.

Nhưng nhìn thanh khoản kỳ hạn dưới 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng thì có những giai đoạn mất cân đối, thường là ở kỳ hạn dưới 1 tháng. Khi thiếu, có thể vay liên ngân hàng hoặc qua thị trường mở, nhưng từ tháng 7/2022, Ngân hàng Nhà nước tích cực hút tiền về để giảm áp lực tỷ giá, cộng thêm diễn biến trong nước về câu chuyện liên quan đến Ngân hàng SCB làm cho các nguồn tiền ngắn hạn trên thị trường bị co lại và trong hệ thống ngân hàng cũng thế.

Giai đoạn mới bắt đầu hút tiền, Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, nay đã tăng dần lên 14 ngày, 28 ngày, tiền bị “nhốt lại” dài hơn, nên thanh khoản ngắn hạn căng thẳng. Vì thế, lãi suất liên ngân hàng tăng cao.

Ngân hàng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng, khả năng vay vốn ngắn hạn của cả doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn. Ngay cả với các hợp đồng vay thế chấp sổ tiết kiệm để tránh rút trước hạn cũng không dễ được ngân hàng thông qua. Trong bối cảnh đó, chứng khoán với lợi thế thanh khoản là kênh rút vốn đầu tiên để lo thanh khoản cho các nhu cầu khác.

Dư nợ giao dịch ký quỹ (margin) tăng lên trong quý III vừa qua cũng cho thấy điều này. Thống kê dư nợ cho vay margin của các công ty chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý III, giá trị tính đến 30/9/2022 là 167.425 tỷ đồng, cao hơn 13.832 tỷ đồng so với cuối quý II, tương ứng tăng trên 9%. Trong khi đó, tiền và tương đương tiền gửi cuối kỳ của khách hàng là 68.882 tỷ đồng, giảm hơn 4.400 tỷ đồng so với cuối quý II.

Thông tin từ nhiều công ty chứng khoán xác nhận, lượng margin tăng lên chủ yếu đáp ứng nhu cầu của các cổ đông lớn, chủ doanh nghiệp cầm cổ phiếu vay tiền phục vụ nhu cầu vốn khác, không phải để giao dịch chứng khoán, thường gọi là vay “deal”, vì giá trị khoản vay lớn.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Công ty Chứng khoán DSC - Chi nhánh TP.HCM cho biết, kênh cho vay kỹ quỹ đáp ứng nhu cầu vốn cho các cổ đông lớn khi kênh trái phiếu đang tắc và ngân hàng hết room tín dụng.

Về vấn đề này, ông Quản Trọng Thành cho hay, có chủ doanh nghiệp cầm cố cổ phiếu để vay vốn lưu động thì gặp áp lực từ nhiều phía, nên khi giá cổ phiếu giảm sâu như hiện nay, các cổ đông lớn cũng không sẵn sàng nguồn tiền để đỡ giá cổ phiếu.

Tình trạng margin theo deal có thể tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, cho đến khi room tín dụng được mở trở lại vào năm sau, bởi nhân tố trái phiếu có khả năng chịu áp lực hơn về cuối năm.

Diễn biến trên khiến thị trường vay margin bị xáo trộn, bởi ở một số công ty chứng khoán, khách hàng lớn chiếm hết room cho vay, khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ muốn sử dụng margin phải chuyển sang công ty khác. Nhìn tổng thể, các công ty chứng khoán vẫn dư nguồn (sau 2 năm tăng vốn rất mạnh), có thể “cân” nhu cầu vay deal.

Liệu có rủi ro “sóng” lệnh gọi (Call Margin - yêu cầu bổ sung tài sản ký quỹ) ở cấp độ deal lớn trên thị trường? Ông Huy cho rằng, ở giai đoạn này có lẽ là chưa, vì cứ điểm VN-Index 1.000 đóng vai trò quan trọng.

Ngoài ra, rủi ro còn phụ thuộc vào định giá cho vay của mỗi công ty chứng khoán. Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, vay deal thường không căn cứ vào thị giá cổ phiếu cầm cố, mà do công ty chứng khoán định giá, hầu hết là thấp hơn thị giá, sau đó cho vay theo tỷ lệ 30% hay 50%, 60% mức định giá.

Một số mã có thị giá hơn 12.000 đồng/cổ phiếu, nhưng vay deal chỉ được tính giá 2.000 đồng/cổ phiếu.

Thậm chí, mã FLC giai đoạn thanh khoản tốt từng được cho vay với giá 1.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá cho vay deal thấp nhằm đảm bảo chủ doanh nghiệp không bỏ tài sản và công ty chứng khoán có thể bán rẻ để thu hồi vốn trên thị trường.

Trở lại tác động của chính sách tiền tệ, ông Quản Trọng Thành nhìn nhận, cho đến tháng 10/2022, tiền rút ra khỏi chứng khoán chưa quá ào ạt, nhưng nếu lãi suất huy động tăng cao thì có thể tiền sẽ rút ra mạnh hơn. Hiện tại, lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn là 6%/năm, chạm trần quy định, chênh lệch ít so với lãi suất kỳ hạn dài phổ biến quanh mức 7,5%/năm, nên nhiều khả năng các ngân hàng sẽ nâng lãi suất kỳ hạn dài, nhằm thu hút tiền gửi.

Chờ đợi tín hiệu từ tỷ giá

Theo giới đầu tư, việc ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn vừa qua thực sự thu hút tiền gửi, vì thực tế, người đầu tư ít khi gửi tiết kiệm kỳ hạn dài, còn doanh nghiệp nắm giữ tiền mặt cho các cơ hội đầu tư nên cũng hiếm khi gửi kỳ hạn dài, vì khi cần rút trước hạn sẽ mất lãi.

Trước đó, lãi suất kỳ hạn ngắn chỉ là 3 - 5%/năm, không ít doanh nghiệp và nhà đầu tư có xu hướng giữ tiền mặt và đưa vào đầu cơ, trong đó có đầu cơ USD, trước diễn biến tăng nhanh của tỷ giá.

Nhu cầu nắm giữ USD tăng cao vì các đồng tiền khác mất giá như đồng Euro, yên Nhật…, trong khi USD mạnh lên do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ liên tục tăng lãi suất. Nhu cầu nắm giữ USD tăng mạnh, gây áp lực lên các đồng tiền khác, đồng Việt Nam không phải ngoại lệ.

Sau hai biện pháp nới biên độ tỷ giá và tăng lãi suất điều hành thêm 1%/năm vừa qua, nếu tỷ giá USD/VND chưa hết căng thẳng thì Ngân hàng Nhà nước có thể cần sử dụng biện pháp mạnh hơn. Biện pháp đó, theo dự báo của một số định chế tài chính trong và ngoài nước, có thể là tiếp tục tăng lãi suất điều hành, nâng hoặc bỏ trần lãi suất để tiếp tục tăng lãi suất kỳ hạn ngắn, tăng tỷ giá trung tâm. Các giải pháp này đều tác động trực tiếp đến dòng tiền vào thị trường chứng khoán.

Tỷ giá USD/VND vẫn là câu chuyện chờ đợi ngấm các biện pháp tác động cũng như ảnh hưởng của các nhân tố khách quan từ thị trường Mỹ và quốc tế. Chừng nào lãi suất còn có khả năng tăng nữa thì dòng tiền vào chứng khoán còn dè dặt.

Ông Ngô Thế Hiển, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS)

Vừa qua, tại một số phiên thị trường giảm điểm mạnh có lực cầu khá tốt tham gia thị trường. Điều này cho thấy, ngoài một số nhà đầu tư đã rút hẳn ra khỏi thị trường, hoặc có tâm lý buông xuôi do lâm vào trạng thái lỗ quá lớn, vẫn còn dòng tiền chờ mua tại những vùng giá thấp. Đây có thể là những nhà đầu tư đã bán cổ phiếu ở giai đoạn trước và để tiền trong tài khoản chờ cơ hội.

Như đã nhận định trước đây, việc VN-Index để mất kênh giá sideway down (tích lũy theo chiều hướng giảm) vào phiên 3/10 sau khi giảm qua ngưỡng hỗ trợ 1.120 điểm đã xác nhận thị trường bước vào một pha mới tiêu cực hơn và theo phân tích kỹ thuật thì mục tiêu giá có thể là quanh ngưỡng 950 điểm.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân từng phần với những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng, tình hình tài chính mạnh thuộc một số ngành ít chịu ảnh hưởng bởi tình hình vĩ mô hiện tại như công nghệ, xuất khẩu, tiện ích…

Đối với những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao, có thể xem xét mua vào các cổ phiếu thuộc nhóm ngành giảm giá mạnh giai đoạn vừa qua như ngân hàng, chứng khoán, thép…

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Công ty Chứng khoán DSC - Chi nhánh TP.HCM

Một số yếu tố vĩ mô có dấu hiệu xấu đi, nhưng không thể giải thích được việc thị trường chứng khoán rơi sâu như vừa qua. Nền tảng vĩ mô, tỷ giá, lạm phát… của Việt Nam không xấu hơn các nước trong khu vực, nhưng VN-Index lại giảm sâu hơn các nước nhiều. Tôi cho rằng, thị trường rơi vì thiếu tiền, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước có động thái thắt chặt tiền tệ như tăng lãi suất điều hành, kênh trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng, hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng cạn dần...

Về hoạt động margin, tôi vẫn bảo lưu quan điểm và có thể nhìn thấy hằng ngày rằng, dư nợ margin của nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ đã giảm khoảng 15 - 20% trong quý III/2022. Tuy nhiên, dư nợ margin toàn thị trường vẫn tăng, đó là do khách hàng cá nhân lớn và lãnh đạo không ít doanh nghiệp sử dụng margin để thực hiện các giao dịch thỏa thuận.

Một số công ty chứng khoán có dư nợ cho vay tăng mạnh như TCBS, VNDIRECT, MBS, TVSI... Đây đều là những công ty có hoạt động liên quan đến tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Điều đáng lo ngại là nguy cơ rủi ro chuyển từ thị trường trái phiếu sang kênh margin.

Ông Nguyễn Hưng, Nhà đầu tư tại MBS

Dòng tiền trên thị trường quá yếu. So với hồi đầu năm, thanh khoản hiện nay đã giảm 2,5 lần và chỉ bằng 1/3 so với mức đỉnh. Điều kiện tài chính trở nên eo hẹp trên toàn cầu khi các ngân hàng trung ương đồng loạt nâng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ là nguyên nhân chính khiến thanh khoản trên kênh cổ phiếu giảm đi nhanh chóng.

Một thực hiện nay, nhiều nhà đầu tư “mắc kẹt” trên thị trường chứng khoán khi bán không được, mua không xong, vì bán thì lỗ quá, còn mua để bình quân giá thì không có tiền. Dòng tiền đang co lại khá mạnh, một phần do các đợt bắt đáy không thành công khiến nhà đầu tư bị đọng vốn. Bên cạnh đó, kênh chứng khoán phải cạnh tranh với các kênh khác như lãi suất tiết kiệm tăng và trở nên hấp dẫn.

Ở thời điểm này, nếu chọn giải ngân thì nhà đầu tư nên nhìn vào doanh nghiệp đang hoạt động, thay vì nhìn vào giá cổ phiếu. Nếu doanh nghiệp có triển vọng phát triển thì giá cổ phiếu sớm hay muộn gì cũng sẽ tăng trở lại. Mâu thuẫn là nhà đầu tư có thể tự tin xuống tiền, mua vào khi giá cổ phiếu đã tăng mạnh, nhưng vẫn là doanh nghiệp đó mà giá cổ phiếu giảm đến 70 - 80% thì lại không dám mua. Theo tôi, đầu tư là khoản mua nắm giữ ít nhất 2 năm. Theo đó, nếu gửi tiết kiệm, chúng ta có mức lãi suất khoảng 15%, nhưng nhiều doanh nghiệp có đà tăng trưởng lợi nhuận nhiều hơn thế.

Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VietinBank

Dòng tiền trên thị trường cơ sở tiếp tục có dấu hiệu suy yếu. Trong khi đó, hoạt động trên thị trường chứng khoán phái sinh rất sôi động.

Trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III với kết quả khả quan, chỉ số P/E của thị trường quanh mức 9 lần là mức định giá hấp dẫn, sẽ thu hút sự tham gia trở lại của dòng tiền trong ngắn hạn. Tuy vậy, về trung và dài hạn, nhà đầu tư cần có chiến lược phù hợp để quản trị các rủi ro trước bối cảnh các ngân hàng thương mại đang trong cuộc đua tăng lãi suất huy động, gián tiếp khiến mặt bằng lãi suất cho vay tăng lên. Bên cạnh đó, tỷ giá VND/USD liên tục tăng mạnh kể từ khi Ngân hàng Nhà nước nới biên độ lên 5% làm tăng áp lực cho các doanh nghiệp nhập khẩu, tạo áp lực lên lạm phát trong năm 2023.

Theo đó, về dài hạn, nhà đầu tư được khuyến nghị giải ngân vào các doanh nghiệp có nền tảng tài chính lành mạnh với nợ vay tài chính thấp và thuộc các ngành thiết yếu, ít chịu tác động bởi áp lực tỷ giá và lạm phát trong năm 2023 như điện, nước, hàng tiêu dùng…

Thu Hương - Phan Hằng - Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục