Mở cửa với sắc xanh nhạt, nhưng lực bán gia tăng mạnh sau đó khiến VN-Index quay đầu giảm khá sâu. Trên bảng điện tử, sắc đỏ chiếm thế áp đảo, tuy nhiên vẫn có những điểm sáng, đáng chú ý là nhóm công ty chứng khoán.
Sau khi bị không thể vượt qua ngưỡng 1.185 điểm trong phiên đầu tuần trước, thị trường bị đẩy lùi trở lại và giao dịch lình xình quanh 1.175 điểm với thanh khoản ở mức thấp khi nhà đầu tư dường như đã nghỉ tết sớm.
Trong phiên hôm qua (30/1), thị trường tăng điểm nhờ sự hỗ trợ của nhóm bất động sản, xây dựng. Tuy nhiên, VN-Index không thể chinh phục được mốc 1.180 điểm.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay (31/1), phiên giao dịch cuối cùng của tháng 1, VN-Index có sắc xanh nhạt, theo đà quán tính của phiên tăng nhẹ hôm qua. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, lực bán gia tăng mạnh khiến chỉ số quay đầu giảm khá sâu, xuống đe dọa ngưỡng 1.170 điểm với sắc đỏ bao trùm bảng điện tử, gấp 3 lần sắc xanh.
Dù nỗ lực trở lại, nhưng lực bán quá mạnh, nên khi VN-Index chưa kịp trở lại mốc 1.175 điểm đã bị đẩy xuống sâu hơn đáy nửa đầu phiên sáng, về ngưỡng 1.170 điểm.
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 9,09 điểm (-0,77%), xuống 1.170,56 điểm với 106 mã tăng và 346 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 619,3 triệu đơn vị, giá trị 12.703,5 tỷ đồng, tăng 172,5% về khối lượng và 110% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 56,5 triệu đơn vị, giá trị 1.208,3 tỷ đồng.
Các nhóm ngành chủ lực là ngân hàng, thép, bất động sản sắc đỏ đều chiếm thế áp đảo. Tuy nhiên, trong xu thế giảm chung, nhóm chứng khoán lại bơi ngược dòng ấn tượng khi chỉ có duy nhất 1 mã giảm, còn lại đều tăng với thanh khoản trong top đầu của thị trường. Tuy nhiên, đà tăng về cuối phiên đã hạ nhiệt bớt do lực cung lớn.
Trong đó, FTS tăng 5,4%, CTS, VCI tăng trên dưới 2,5%; BSI và BSI tăng trên dưới 1,7%, VND chỉ còn tăng chưa tới 1%, trong khi HCM quay đầu giảm cùng với TVS, dù mức giảm rất nhẹ.
Trong Top 6 mã có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE sáng nay có 3 mã ngân hàng và 3 mã trong nhóm công ty chứng khoán, nhưng sắc màu về giá lại trái ngược khi cả 3 mã chứng khoán đều tăng, còn 3 mã ngân hàng đều giảm.
Cụ thể, SHB giảm 3,66% xuống 11.850 đồng – mức giảm mạnh nhất nhóm, khớp 78 triệu đơn vị, đứng đầu sàn. Ba mã chứng khoán có thanh khoản đứng sau là SSI, VIX và VND với khối lượng khớp từ gần 20 triệu đơn vị đến hơn 32 triệu đơn vị. Tiếp sau 3 mã này là 2 mã ngân hàng STB với thanh khoản 15,8 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,79% xuống 30.150 đồng, MBB khớp 14,5 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,13% xuống 21.850 đồng.
Trong nhóm ngân hàng, chỉ duy nhất HDB có sắc xanh nhạt, trong khi nhóm bất động sản, xây dựng dù sắc đỏ cũng chiếm ưu thế, nhưng cũng có những điểm sáng đáng chú ý, đơn cử như NVL tăng hơn 1,52%, thanh khoản hơn 13,7 triệu đơn vị, đứng thứ 7 về thanh khoản.
Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên cũng khiến thị trường rung lắc và đảo chiều giảm.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,36 điểm (-0,16%) xuống 230,31 điểm với 64 mã tăng và 74 mã giảm. Thanh khoản tăng vọt với khối lượng giao dịch đạt gần 58,6 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.073 tỷ đồng.
Điểm nhấn là cặp đôi chứng khoán SHS và MBS đều ngược dòng thành công với thanh khoản dẫn đầu thị trường. Trong đó, chốt phiên SHS tăng 0,5% lên mức 18.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 22,65 triệu đơn vị; trong khi MBS tăng 3,6% lên 25.800 đồng/CP và khớp 5,58 triệu đơn vị.
Ngoài ra, các mã chứng khoán khác như VIG và BVS cùng tăng hơn 1%, PSI, EVS, IVS đều đứng giá tham chiếu.
Ngược lại, các mã CEO, HUT, PVS, MBG chốt phiên đều mất điểm, với khối lượng khớp lệnh một vài triệu đơn vị.
Mã nóng NKG sau những phiên liên tiếp giảm sâu đã được giải cứu thành công trong phiên sáng nay. Chốt phiên, TKG tăng 9% lên mức giá trần 9.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 240.000 đơn vị và dư mua trần 615.000 đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng đảo chiều giảm điểm với thanh khoản đột biến nhờ giao dịch thỏa thuận.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,21 điểm (-0,24%) xuống 87,64 điểm với 100 mã tăng và 86 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch vẫn cầm chừng với hơn 18 triệu đơn vị, giá trị đạt 252,96 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm gần 56,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.208 tỷ đồng, đột biến đến từ việc thỏa thuận 75 triệu cổ phiếu AIC, giá trị hơn 1.263 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn giao dịch sôi động nhất thị trường với hơn 2 triệu đơn vị, tuy nhiên áp lực bán khiến mã này đảo chiều giảm 1,6%, chốt phiên tại mức giá 18.700 đồng/CP.
Trong khi đó, điểm sáng là VGI dù hạ độ cao nhưng chốt phiên sáng nay vẫn tăng 3,3% lên mức 27.800 đồng/CP, khối lượng giao dịch chỉ thua BSR với gần 1,8 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.