Giao dịch chứng khoán sáng 30/6: Dòng tiền đứng ngoài, VN-Index túc tắc leo đỉnh

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Dù VN-Index với sự dìu dắt của các mã trụ vẫn duy trì đà tăng lên vùng đỉnh mới, nhưng thanh khoản thị trường sáng nay sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, đây cũng là điều dễ hiểu trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6.

Giao dịch chứng khoán sáng 30/6: Dòng tiền đứng ngoài, VN-Index túc tắc leo đỉnh

VN-Index đã có 3 phiên tăng điểm liên tiếp và các mốc đỉnh lịch sử đóng cửa mới liên tục bị phá nhờ thông tin về hệ thống giao dịch mới sắp đi vào vận hành, cũng như dữ liệu kinh tế vĩ mô tích cực vừa được công bố..

Dù đà tăng trong phiên hôm qua không còn “đẹp” như 2 phiên trước đó khi số mã giảm chiếm ưu thế so với số mã tăng, nhưng điểm đáng chú ý là ngưỡng 1.410 điểm từ ngưỡng kháng cự đã trở thành ngưỡng hỗ trợ tạm thời cho VN-Index.

Chốt phiên 29/6, đồ thị ngày của VN-Index tạo ra cây nến xanh với râu trên khá dài - nến Shooting star, cho thấy đà tăng đang tạm thời chững lại. Tuy nhiên, việc VN-Index vượt ngưỡng trên của dải Bolinger Band nên việc điều chỉnh lại vào trong dải này là điều dễ hiểu, còn xu hướng chung của thị trường vẫn được đánh giá tích cực.

Điều này đã được thể hiện trong phiên giao dịch sáng nay. Ngay khi mở cửa phiên sáng, sắc xanh đã án ngữ ở cả VN-Index và VN30-Index, sau đó đà tăng được nới rộng với VN-Index tiến vào thử thách ngưỡng kháng cự 1.415 - 1.420 điểm. Tuy nhiên, đà tăng của VN30-Index mạnh hơn VN-Index cho thấy các cổ phiếu trong nhóm VN30 đang có diễn biến tích cực hơn nhóm còn lại.

Trong số cổ phiếu nhóm VN30, đặc biệt phải kể đến VHM khi đây là cổ phiếu có đóng góp lớn nhất cho đà tăng của thị trường trong 2 phiên gần đây. Trên đồ thị, cổ phiếu này cũng đã tạo ra 2 cây nến xanh và bứt hẳn qua vùng đỉnh cũ, vượt ra ngưỡng trên của dải Bolinger Band với thanh khoản rất tốt.

Trong phiên hôm qua, ngoài VHM, còn có thêm VIC tham gia đóng góp cho đà tăng của VN-Index và trong phiên sáng nay, có thêm VRE gia nhập.

Có thời gian VIC và VRE là 2 mã tăng mạnh nhất trong nhóm VN30 với mức gần 3% trước khi bị MSN vượt qua. Ngoài bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup và MSN, còn có thêm nhiều mã trụ khác tăng giá, hỗ trợ cho đà tăng của thị trường như VCB, BID, VPB, VJC, MWG, MBB, HPG…

Điểm trừ của phiên sáng nay là dòng tiền lại có dấu hiệu sụt giảm trở lại khiến thanh khoản thị trường đứng ở mức thấp. Sự thận trọng của nhà đầu tư cũng là điều dễ hiểu khi VN-Index đang ở vùng kháng cự mạnh.

Sau nhịp rung lắc nhẹ, VN-Index được kéo lên sát ngưỡng 1.420 điểm và bị chặn lại tại đây, quay đầu lùi về vùng 1.415 điểm. Giao dịch diễn ra chậm chạp trong suốt phiên sáng khi tâm lý thận trọng đang chế ngự nhà đầu tư. Ngoài ra, cũng có nguyên nhân là ngày cuối cùng của tháng 6, thời điểm chốt các vị thế và các chỉ số, hệ số của các quỹ, công ty chứng khoán, nên nhiều công ty chứng khoán hạn chế cấp margin khiến dòng tiền bị siết lại.

Quan sát diễn biến thị trường, tầm gần 11h25 có sự đột biến về thanh khoản với hơn 14,7 triệu đơn vị, nhưng đó là do giao dịch thỏa thuận của NVL với gần 13 triệu cổ phiếu ở mức giá tham chiếu 121.000 đồng, tổng giá trị 1.568 tỷ đồng.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 5,74 điểm (+0,41%), lên 1.415,78 điểm với 173 mã tăng, trong khi có 203 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 331,8 triệu đơn vị, giá trị 12.011,4 tỷ đồng, giảm 12% về khối lượng, nhưng chỉ giảm nhẹ 1,8% về giá trị so với phiên sáng qua. Tuy nhiên, giá trị giao dịch giảm nhẹ hơn so với khối lượng do đóng góp từ giao dịch thỏa thuận của NVL như đã đề cập ở trên. Cụ thể, phiên sáng nay, giao dịch thỏa thuận đóng góp 27,3 triệu đơn vị, giá trị 2.076 tỷ đồng, gấp 2 lần về khối lượng và hơn 2 lần về giá trị so với phiên sáng qua. Nếu chỉ tính khối lượng khớp lệnh, thanh khoản phiên sáng nay giảm hơn 16% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên sáng qua.

Trong nhóm VN30, số mã tăng chiếm ưu thế, trong đó phải kể đến sự đóng góp của bộ ba nhà Vingroup là VIC, VHM và VRE. Trong đó, VRE tăng 1,9% lên 32.300 đồng, VIC tăng 1,8% lên 120.100 đồng và VHM tăng 1,2% lên 120.000 đồng. Tuy nhiên, tăng mạnh nhất trong nhóm này là MSN với mức 2,6% lên 111.300 đồng, tiếp đến là VCB tăng 2,1% lên 116.400 đồng, thanh khoản cả 2 mã này trên 1,3 triệu đơn vị.

Trong đó, VCB chính là mã có tác động tích cực nhất tới VN-Index sáng nay với 2,36 điểm, tiếp đến là VIC với 1,88%, VHM 1,22 điểm. Lần lượt tiếp theo là MSN, VPB, BID, VRE và GAS.

Trong khi đó, CTG là mã có tác động tiêu cực nhất tới VN-Index với mức 0,69 điểm (giảm 1,3% xuống 53.200 đồng), tiếp đến là TCB -0,28 điểm (giảm 0,6% xuống 53.200 đồng). Tiếp theo là các mã VCB, VNM, PLX và LPB.

Về thanh khoản MBB là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm và cũng là mã tăng tốt nhất sàn HOSE với 16,9 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,58% lên 43.700 đồng. Các mã có thanh khoản khác gồm có CTG hơn 12,9 triệu đơn vị, VPB hơn 9,6 triệu đơn vị, HPG hơn 9,2 triệu đơn vị (đóng cửa ở mức tham chiếu 51.800 đồng), STB gần 8,7 triệu đơn vị (đóng cửa giảm nhẹ).

Về các nhóm ngành dẫn dắt là ngân hàng, dầu khí, chứng khoán, thép, số mã giảm chiếm ưu thế hơn số mã tăng.

Trong nhóm cổ phiếu thị trường, SCR nổi lên như một hiện tượng sáng nay khi tăng vọt lên mức giá trần 11.900 đồng với thanh khoản 14,4 triệu đơn vị, chỉ đứng sau MBB. Ngoài ra, còn có thêm ROS, HQC, FIT, HNG, LDG… tăng nhẹ, còn lại FLC, TTF, DLG, IJC, ITA đều giảm giá, nhưng mức giảm cũng không mạnh.

Trong khi đó, sàn HNX với sự đảo chiều của cả SHB, PVS, CEO, SHS… nên quay đầu giảm điểm từ khá sớm. Về nửa cuối phiên, dù nỗ lực trở lại, nhưng cũng không thể thoát khỏi sắc đỏ trước khi bước vào giờ nghỉ trưa.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,66 điểm (-0,2%), xuống 323,14 điểm với 70 mã tăng trong khi có tới 115 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 50,7 triệu đơn vị, giá trị 1.198 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,7 triệu đơn vị, giá trị 58,7 tỷ đồng.

Dù có lúc đảo chiều tăng điểm thành công, nhưng SHB vẫn đóng cửa giảm 1,1% xuống 28.200 đồng, khớp gần 7 triệu đơn vị. PVS tích cực hơn khi hãm đà giảm chỉ còn 0,3% xuống 29.700 đồng, khớp 5,1 triệu đơn vị, đứng sau SHB.

Các mã VND, CEO, SHS, NVB đều giảm nhẹ, thanh khoản từ gần 2 triệu đơn vị đến gần 3 triệu đơn vị. Trong khi đó, mã có vốn hóa lớn nhất sàn là THD lại tăng tốt 1,4% lên 207.100 đồng, với gần nửa triệu đơn vị được khớp, mức thanh khoản tốt so với trung bình 20 phiên.

Trên thị trường UPCoM, chỉ số chính của thị trường giằng co nhẹ quanh tham chiếu và may mắn giữ được sắc xanh nhẹ khi chốt phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (+0,08%), lên 90,38 điểm với 101 mã tăng và 104 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 35,7 triệu đơn vị, giá trị 686 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,4 triệu đơn vị, giá trị 103 tỷ đồng.

Trong phiên sáng nay, thị trường UPCoM có 8 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó BSR vẫn giữ ngôi vua với 8,3 triệu đơn vị, đóng cửa ở tham chiếu 21.200 đồng, bỏ xa mã đứng thứ 2 là DDV với chỉ gần 2,2 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,7% về giá, lên 15.400 đồng.

Các mã còn lại có thanh khoản dưới 2 triệu đơn vị và chỉ có VHG đóng cửa ở tham chiếu 3.000 đồng, còn lại đều giảm, trong đó giảm mạnh nhất là HHV giảm 3,2% xuống 18.200 đồng, tiếp đến là BVB giảm 2,1% xuống 23.300 đồng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục