Thị trường đã trải qua đợt điều chỉnh kéo dài khoảng 2 tháng sau khi xác lập vùng đỉnh trong năm tại mốc 1.255 điểm, khiến VN-Index bốc hơi gần 220 điểm và mức định giá P/E của chỉ số rơi xuống mức 12-13 lần, thấp hơn 1 lần độ lệch chuẩn của P/E bình quân 10 năm qua của thị trường.
Dù VN-Index được đánh giá đã chiết khấu về vùng mà định giá thị trường và nhiều cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn với mức điều chỉnh lên tới 10-30%, nhưng những rủi ro đến từ các yếu tố phức tạp như xung đột địa chính trị, rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu hay câu chuyện tỷ giá tăng vẫn đang hiện hữu và trở thành những áp lực đối với thị trường chứng khoán trong nước.
Phiên cuối tuần qua ngày 27/10, thị trường đã có màn đảo chiều ngoạn mục và tạm khép lại trong sắc xanh. Tuy nhiên, điểm yếu của thị trường vẫn nằm ở yếu tố thanh khoản khi khối lượng giao dịch trung bình 5 tuần của VN-Index đang thấp hơn trung bình 20 tuần.
Theo ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS), hiện thị trường chưa xuất hiện tín hiệu để kỳ vọng về sự chuyển biến và xu thế ngắn hạn vẫn ở trạng thái tiêu cực, được đánh giá là nhiều rủi ro hơn cơ hội lướt sóng. Thị trường sẽ cần thêm thời gian để thực sự tìm được điểm cân bằng. Những ngưỡng hỗ trợ của chỉ số sẽ không có nhiều ý nghĩa lắm ở giai đoạn hiện tại khi dòng tiền ngắn hạn vẫn ở trạng thái suy yếu và chưa có dấu hiệu được cải thiện.
Quay lại diễn biến phiên sáng ngày 30/10, thị trường nhanh chóng trở lại trong sắc đỏ sau phiên hồi phục cuối tuần trước.
Áp lực bán gia tăng trên diện rộng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Đặc biệt, nhóm VN30 cũng đảo chiều điều chỉnh cùng thị trường khi đồng loạt đã đổi màu sau hơn 1 giờ giao dịch.
Chỉ số VN-Index đang nỗ lực để giữ mốc 1.050 điểm khi số mã giảm điểm đang gấp hơn 3 lần số mã tăng. Nhóm VN30 cũng tiêu cực không kém khi không có nổi mã nào giữ được sắc xanh. Trong đó, riêng các mã lớn như VIC, VHM, VCB, TCB, VPB đang lấy đi gần 4 điểm của chỉ số chung.
Bên cạnh đó, yếu tố thanh khoản tiếp tục là yếu tố đáng lo ngại với tổng giá trị giao dịch trên toàn sàn HOSE tại thời điểm này chưa tới 2.000 tỷ đồng.
Thị trường rung lắc quanh mốc 1.050 điểm và đã giữ được vùng giá này nhờ nhịp bật hồi về cuối phiên khi áp lực bán ở mã lớn VIC có chút giảm nhiệt. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm mạnh mẽ khi dòng tiền tham gia khá yếu.
Chốt phiên, sàn HOSE có 92 mã tăng và 353 mã giảm, VN-Index giảm 7,5 điểm (-0,71%), xuống 1.053,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 189,4 triệu đơn vị, giá 3.377,46 tỷ đồng, giảm tới 73,1% về khối lượng và 75,7% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 27/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 26,26 triệu đơn vị, giá trị 339,84 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, cổ phiếu VIC hãm đà rơi đã giúp thị trường thu hẹp đà giảm điểm. Tạm chốt phiên sáng nay, VIC chỉ còn giảm nhẹ 0,8% xuống mức 41.250 đồng/CP, trong khi thời điểm giảm sâu nhất là 4,45%.
Bên cạnh đó, cổ phiếu MSN cũng đóng góp tích cực khi đảo chiều hồi phục thành công và chốt phiên tăng 1,2% lên mức 58.500 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1,3 triệu đơn vị.
Ngoại trừ duy nhất MSN có được sắc xanh, còn lại các cổ phiếu khác trong rổ VN30 đều dừng ở mức tham chiếu hoặc giảm điểm. Trong đó, có tới 23 mã giảm, với TCB và BCM giảm mạnh nhất, lần lượt là 3,6% và 2,4%, tương ứng lấy đi 0,89 điểm và gần 0,44 điểm của chỉ số chung.
Xét về nhóm ngành, chỉ còn duy nhất nhóm tài chính khác chốt phiên giữ được sắc xanh với mức tăng hạn chế chỉ 0,5%, còn lại tất cả các nhóm đều mất điểm.
Trong đó, nhờ cặp đôi VIC và VHM thu hẹp đà giảm đã giúp nhóm bất động sản thoát khỏi vị trí dẫn đầu và hiện chỉ còn giảm gần 1%. Đáng chú ý, CTD và PDR là ngược dòng thành công với mức tăng hơn 1-2%.
Mặt khác, nhóm chứng khoán vẫn giảm sâu khi hầu hết đều chốt phiên trong sắc đỏ, ngoại trừ VCI, APG và AGR có được sắc xanh nhưng chốt phiên chỉ tăng nhẹ. Cổ phiếu VIX vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với hơn 7,44 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 2,9% xuống 13.200 đồng/CP.
Tuy nhiên, các cổ phiếu thép có tín hiệu tích cực hơn đôi chút so với thị trường chung. Chốt phiên, HPG đứng giá tham chiếu, trong khi NKG tăng 2,2% và HSG tăng nhẹ 0,3%.
Trên sàn HNX, áp lực bán trên diện rộng đã khiến thị trường ngày càng lùi sâu hơn.
Chốt phiên, sàn HNX có 45 mã tăng và 92 mã giảm, HNX-Index giảm 2,66 điểm (-1,22%) xuống 215,38 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 24,2 triệu đơn vị, giá trị 411,75 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,3 triệu đơn vị, giá trị 151 tỷ đồng.
Nhóm chứng khoán trên sàn HNX cũng giảm mạnh, trong đó SHS giảm 4% xuống mức 14.500 đồng/CP với thanh khoản tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu thị trường, đạt hơn 7,91 triệu đơn vị; MBS giảm 2,2%, VIG giảm 1,5%, BVS giảm nhẹ…
Ngoài ra, nhiều mã khác trong rổ HNX30 cũng lùi sâu như HUT giảm 3,7%, IDC và CEO cùng giảm hơn 1%, TNG giảm 1,6%...
Trong khi đó, ở nhóm vừa và nhỏ, cổ phiếu TKG vẫn giữ nhiệt dù để mất sắc tím. Chốt phiên sáng, TKG tăng 4,4% với khối lượng khớp lệnh thuộc top 5 dẫn đầu thị trường, đạt 1,57 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, sau thời gian đầu phiên rung lắc nhẹ, thị trường đã giật lùi và tạm dừng phiên sáng ở vùng giá thấp.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,55 điểm (-0,67%), xuống 82,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 7,6 triệu đơn vị, giá trị 115,89 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,69 triệu đơn vị, giá trị 11,7 tỷ đồng.
Chỉ duy nhất BSR có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, tương ứng đạt 1,48 triệu đơn vị giao dịch và chốt phiên giảm nhẹ 0,5% xuống mức 18.200 đồng/CP.
Trong khi đó, cổ phiếu cùng ngành là OIL đã ngược dòng thành công nhờ kết quả kinh doanh quý III/2023 tích cực. Chốt phiên, OIL tăng 1% lên 10.100 đồng/CP.