Bên cạnh diễn biến thị trường thế giới khởi sắc khi áp lực tâm lý được giải tỏa sau phiên họp Fed, chứng khoán Việt Nam cũng có phiên tăng điểm thứ 2 và với điểm tựa là đường SMA 20 ngày, chỉ số VN-Index đang tiến vào vùng kháng cự mạnh 1.200 – 1.230 điểm. Cùng với đó, chỉ báo MACD mở rộng đà tăng và chỉ báo RSI có lần hiếm hoi trở lại trên mức 50.
Tuy nhiên, điều đáng nói vẫn là thanh khoản thị trường. Dù thanh khoản có gia tăng nhưng cần có sự cải thiện thêm trong vài phiên tới, để cho thấy tiền đang thực sự quay lại thị trường, thay vì trạng thái “phập phù”, hào hứng một phiên rồi trở lại trạng thái cũ.
Theo SHS, trong kịch bản tích cực, nếu lực cầu mua lên tiếp tục gia tăng thì VN-Index có thể sẽ hướng đến ngưỡng kháng cự tiếp theo quanh 1.220 điểm (MA50 ngày).
Quay lại phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 29/7, dòng tiền trở lại dè dặt khiến thị trường chỉ nhúc nhắc tăng. Chỉ số VN-Index biến động lình xình trên vùng giá 1.210 điểm trong suốt 1 giờ mở cửa. Trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip vẫn khá tích cực với sự dẫn dắt của một số mã lớn đầu các ngành như BVH, BID, VHM, SAB, HPG, GAS, VNM.
Thanh khoản khá cầm chừng một phần do tâm lý nhà đầu tư hôm nay là ngày cuối tuần và thị trường cũng đã qua 2 phiên tăng điểm liên tiếp, tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường chưa tới 4.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau hơn 1 giờ giao dịch, lực cầu cải thiện với diễn biến tích cực ở nhóm cổ phiếu chứng khoán khi nhóm này bật tăng mạnh nhất trong các nhóm ngành, giúp chỉ số VN-Index nới rộng biên độ tăng và hướng tới mốc 1.220 điểm.
Trong đó, bên cạnh VDS tăng trần, các mã khác trong nhóm chứng khoán tăng tốt như VCI tăng 3,9%, FTS tăng 4,2%, CTS tăng 3,8%, TVS tăng 2,1%, HCM và VND tăng 2%...
Áp lực bán gia tăng về cuối phiên khiến nhiều mã hạ nhiệt hoặc quay đầu giảm. Thị trường trở nên phân hóa mạnh và chỉ số VN-Index thu hẹp biên độ tăng.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 210 mã tăng và 201 mã giảm, VN-Index tăng 5,94điểm (+0,49%), lên 1.214,06 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 330,88 triệu đơn vị, giá trị 8.023,8 tỷ đồng, giảm 6,71% về khối lượng và 3,23% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 27,87 triệu đơn vị, giá trị 1.017,28 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chỉ còn tăng hơn 2 điểm với việc ghi nhận 16 mã tăng và 12 mã giảm. Trong đó, cổ phiếu SAB tiếp tục có phiên tăng mạnh dù biên độ đã thu hẹp đáng kể sau cú bứt mạnh giữa phiên lên áp sát mức giá trần. Chốt phiên, SAB tăng 4,6% lên 180.900 đồng/CP.
Các mã tăng tốt khác trong nhóm này như BID tăng 2,7%, BVH tăng 2,3%, VHM tăng 2%, GAS tăng 1,6%, SSI tăng 1,4%, HPG tăng 1,2%...
Trái lại, các mã giảm chỉ biến động nhẹ trên dưới 1%, trong đó VJC giảm sâu nhất khi mất 1,5%, MWG giảm 1,3%, KDH giảm 1,1%.
Xét về nhóm ngành, dòng chứng khoán vẫn là điểm sáng dù đã giảm nhiệt. Trong đó, VND chốt phiên tăng 2,1% lên 19.250 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 18,33 triệu đơn vị; SSI tăng 1,4% lên 21.450 đồng/CP với thanh khoản đứng thứ 3, đạt 12,69 triệu đơn vị.
Các mã chứng khoán khác như VCI tăng 3,6% lên 40.300 đồng/CP, HCM tăng 1,2%, FTS và CTS cùng tăng 1,9%, VDS tăng kịch trần, APG tăng 1,8%…
Ở nhóm ngân hàng, bên cạnh BID hạ độ cao, các mã khác như CTG, TCB, VPB, ACB, MBB, TPB, SHB cũng chỉ còn tăng nhẹ trên dưới 0,5%, trong khi VCB, HDB, SSB, MSB, LPB, EIB điều chỉnh.
Trong nhóm chứng khoán, ngoài mã dẫn dắt VHM tăng tích cực, diễn biến chung trong nhóm cũng phân hóa theo thị trường. Điểm sáng ở top vừa và nhỏ là KHG nhanh chóng kéo trần thành công và chốt phiên đứng tại mức giá 9.090 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 2,32 triệu đơn vị và dư mua trần gần nửa triệu đơn vị.
Ngoài ra, BCG cũng tích cực khi có thời điểm áp sát mức giá trần và thanh khoản tăng vọt. Chốt phiên, BCG tăng 4,4% lên 15.350 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 6 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, lực bán cũng gia tăng mạnh về cuối phiên khiến thị trường rung lắc và đảo chiều giảm.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 68 mã tăng và 95 mã giảm, HNX-Index giảm 0,45 điểm (-0,16%) xuống 289,39 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 35,1 triệu đơn vị, giá trị 684,45 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,25 triệu đơn vị, giá trị 32,18 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng NVB bất ngờ hụt hơi về cuối phiên do áp lực bán gia tăng. Chốt phiên, NVB giảm 2,1% xuống mức giá thấp nhất trong phiên 28.300 đồng/CP.
Bên cạnh đó, cổ phiếu CEO cũng mất sắc xanh và chốt phiên giảm 0,9% xuống 31.500 đồng/CP; IDC giảm 0,8% xuống mức giá thấp nhất trong phiên 61.800 đồng/CP…
Trong khi đó, cổ phiếu TAR tăng tốt nhất trong rổ HNX30 khi chốt phiên tăng 2,9% lên 24.700 đồng/CP; tiếp theo là NTP tăng 2,6%, DXP tăng 2,2%, SHS và TNG cùng tăng 1,5%...
Cổ phiếu HUT sau phiên bốc đầu hôm qua đã chững lại và trở nên rung lắc trong phiên sáng nay. Chốt phiên, HUT đứng giá tham chiếu 30.000 đồng/CP.
Trong đó, cổ phiếu SHS dẫn đầu thanh khoản với khối lượng khớp lệnh vượt trội, đạt 6,82 triệu đơn vị. Tiếp theo là PVS và TNG cùng khớp lệnh hơn 2,5 triệu đơn vị, trong đó PVS giảm 0,4% xuống 23.200 đồng/CP, còn TNG tăng 1,5% lên 27.600 đồng/CP.
Trên UPCoM, thị trường cũng đảo chiều giảm về cuối phiên.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,09 điểm (-0,1%) xuống 89,4 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33,11 triệu đơn vị, giá trị 385,89 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,68 triệu đơn vị, giá trị 3,66 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR giật lùi về cuối phiên khi tạm dừng tại mức giá 24.500 đồng/CP, giảm 2%, nhưng thanh khoản vẫn dẫn đầu với hơn 5,6 triệu đơn vị khớp lệnh.
Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là HVG khớp hơn 1,72 triệu đơn vị và chốt phiên giảm 6,7% xuống 2.800 đồng/CP.
Các mã khác như DCS, PAS, PVS, ABB, GTT, ACM đều khớp hơn 1 triệu đơn vị. Trong đó, PVX giảm 8,3%; DCS và ACM đứng giá tham chiếu; còn PAS tăng 3,5%, ABB tăng 0,9%, GTT tăng kịch trần.