Thị trường diễn biến khá thuận lợi trong nửa cuối tháng 9 nhờ lực cầu giao dịch sôi động cả trong nước và nước ngoài, cùng sự trở lại dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vua. Chỉ tính trong gần 2 tuần cuối tháng, chỉ số VN-Index đã kéo dài chuỗi tăng điểm 7/8 phiên giao dịch gần đây và đã chinh phục thành công mốc 1.290 điểm.
Một trong những động lực tiếp thêm sức mạnh cho thị trường chính là Thông tư 68 vừa được Bộ Tài chính ban hành, được kỳ vọng là bước tiến lớn trong triển vọng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt. Và với sự ra đời của chính sách mới này, trong báo cáo phân tích thị trường mới đây, ACBS đã kỳ vọng FTSE sẽ thêm Việt Nam vào danh sách thị trường mới nổi thứ cấp sớm nhất vào kỳ đánh giá tháng 3/2025.
Tuy nhiên theo giới phân tích, chỉ số chung đang bước vào vùng kháng cự mạnh 1.290 – 1.300 điểm nên khó tránh khỏi những rung lắc giằng co. Mặc dù vậy, về kỹ thuật, hai chỉ báo RSI và MACD hiện tại không có tín hiệu tạo phân kỳ âm nên tình hình thị trường chưa quá đáng lo ngại.
Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng cuối tuần ngày 27/9, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là động lực của thị trường giúp VN-Index tiếp tục tiến bước và lần đầu tiên trong hơn 3 tháng qua chạm thành công mốc 1.300 điểm.
Tuy nhiên, cũng như những lần thử thách trước đây, thị trường không dễ dàng bứt tốc. Chỉ số VN-Index nhanh chóng hạ nhiệt và sau hơn 1 giờ đang giữ mức tăng nhẹ hơn 3 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng là tâm điểm của thị trường với top 10 mã có ảnh hưởng lớn nhất đến chỉ số đều thuộc dòng bank, trong đó riêng 3 mã thuộc ngân hàng có vốn nhà nước là BID, CTG và VCB đã đóng góp gần 3,5 điểm cho chỉ số chung.
Bên cạnh đó, top 5 mã có thanh khoản lớn nhất thị trường đạt một đến vài chục triệu đơn vị cũng là các cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là 2 mã thuộc top vừa và nhỏ là TPB và SHB đang dẫn đầu với hơn 30 triệu đơn vị khớp lệnh, hiện lần lượt tăng 1,2% và 3,3%.
Đà tăng thu hẹp về cuối phiên nhưng dòng tiền sôi động giúp thanh khoản thị trường tăng khá mạnh và tâm điểm giao dịch vẫn là các cổ phiếu ngân hàng.
Chốt phiên, sàn HOSE có 182 mã tăng và 190 mã giảm, VN-Index tăng 2,21 điểm (+0,17%) lên 1.293,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 517,38 triệu đơn vị, giá trị gần 10.721,1 tỷ đồng, tăng 37,68% về khối lượng và 23,33% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 22,35 triệu đơn vị, giá trị 435,35 tỷ đồng.
Mặc dù thị trường hạ nhiệt cuối phiên nhưng các cổ phiếu ngân hàng vừa và nhỏ vẫn là tâm điểm của thị trường. Cụ thể, VPB tăng 1,8% và khớp xấp xỉ 49 triệu đơn vị, TPB tăng nhẹ sau phiên bùng nổ hôm qua và khớp 44,8 triệu đơn vị, SHB tăng 2,8% và khớp 36,34 triệu đơn vị, EIB tăng 3,9% và khớp 18,9 triệu đơn vị.
Dòng bank cũng là động lực chính giúp thị trường giữ được sắc xanh, trong đó 2 mã lớn là BID và CTG cùng đóng góp 0,8 điểm cho chỉ số chung, chốt phiên đều tăng hơn 1%.
Trên sàn HNX, thị trường giao dịch phân hóa và khép lại trong sắc xanh nhạt.
Chốt phiên, sàn HNX có 63 mã tăng và 74 mã giảm, HNX-Index tăng 0,55 điểm (+0,23%) lên 236,47 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 32 triệu đơn vị, giá trị hơn 586 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm xấp xỉ 9 triệu đơn vị, giá trị 131,6 tỷ đồng.
Các cổ phiếu bất động sản là điểm nhấn, trong đó CEO tăng 1,9% và khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 4,2 triệu đơn vị, TIG tăng 2,2% và khớp 3,28 triệu đơn vị, IDJ tăng 3% và khớp 1,74 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường duy trì đà tăng nhẹ trong suốt cả phiên sáng.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,37 điểm (+0,39%) lên 93,87 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 44,12 triệu đơn vị, giá trị 389,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,86 triệu đơn vị, giá trị 36,46 tỷ đồng.
Cổ phiếu nhỏ HNG giao dịch đột biến khi khớp hơn 16 triệu đơn vị và giá cổ phiếu biến động khá mạnh khi có thời điểm kéo trần, chốt phiên tăng 4,4% lên mức 4.700 đồng/CP.