Để giảm thiểu "bất đối xứng" thông tin trên thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Minh bạch thông tin là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của thị trường chứng khoán. Các chủ thể tham gia thị trường, bao gồm doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và cơ quan quản lý, đều phải có trách nhiệm đảm bảo tính minh bạch của thông tin. Đây không chỉ là nghĩa vụ pháp lý, mà còn là cam kết đạo đức của các thành viên tham gia thị trường.
Đảm bảo tính minh bạch của thông tin là trách nhiệm của các chủ thể tham gia thị trường Đảm bảo tính minh bạch của thông tin là trách nhiệm của các chủ thể tham gia thị trường

Bài học kinh nghiệm về minh bạch thông tin

Minh bạch thông tin giúp giảm thiểu tình trạng thông tin bất đối xứng, từ đó tăng cường niềm tin của nhà đầu tư và nâng cao giá trị cổ phiếu; giúp ngăn chặn các hành vi gian lận, thao túng thị trường và bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Theo quy định tại Thông tư 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán do Bộ Tài chính ban hành, các đối tượng phải công bố thông tin bao gồm công ty đại chúng, tổ chức phát hành trái phiếu, công ty chứng khoán và các nhà đầu tư lớn.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Theo đó doanh nghiệp niêm yết cần phải công bố đầy đủ, chính xác và kịp thời các thông tin tài chính, hoạt động kinh doanh và các sự kiện quan trọng có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Công ty chứng khoán cần cung cấp các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc công khai thông tin một cách chính xác và đầy đủ. Quỹ đầu tư cần minh bạch về chiến lược đầu tư, danh mục đầu tư và các rủi ro liên quan. Và cuối cùng, cơ quan quản lý sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thiết lập các quy định và cơ chế giám sát để đảm bảo các doanh nghiệp tuân thủ những quy định về minh bạch thông tin.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã thiết lập các quy định nghiêm ngặt về minh bạch thông tin. Chẳng hạn, tại Mỹ, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) yêu cầu công ty niêm yết phải công bố thông tin tài chính định kỳ và các sự kiện quan trọng có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Tại Anh, Cơ quan Quản lý tài chính (FCA) yêu cầu công ty niêm yết phải tuân thủ các quy định về công bố thông tin nhằm đảm bảo tính minh bạch và công bằng trên thị trường. Các quy định này bao gồm việc công bố báo cáo tài chính hàng năm, báo cáo bán niên và các thông tin quan trọng khác.

Tại Singapore, chỉ số Quản trị và Minh bạch thông tin (GTI) được sử dụng để đánh giá mức độ minh bạch của các công ty niêm yết. Tại Nhật, Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản (FSA) yêu cầu công ty niêm yết phải công bố thông tin tài chính và các sự kiện quan trọng một cách kịp thời và chính xác. FSA cũng yêu cầu các công ty phải tuân thủ các quy định về quản trị công ty nhằm đảm bảo tính minh bạch và công bằng trên thị trường.

Trên thị trường chứng khoán thế giới, nhiều sự kiện lớn dẫn đến sự sụp đổ của các doanh nghiệp niêm yết liên quan đến việc minh bạch công bố thông tin. Những sự kiện này cũng tác động đến thị trường và suy giảm niềm tin của nhà đầu tư.

Tại Mỹ, vụ bê bối của Công ty Enron trong giai đoạn 2021-2002 là một ví dụ điển hình về hậu quả của việc thiếu minh bạch thông tin và gian lận tài chính. Công ty này đã sử dụng các kỹ thuật kế toán phức tạp để che giấu nợ và thổi phồng lợi nhuận. Khi các gian lận được phát hiện, cổ phiếu Enron giảm từ 90 USD xuống còn 12 USD trong vòng 1 năm. Các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng chao đảo khi S&P500 giảm 50%, Dow Jones giảm 27% trong nửa năm sau đó. Vụ việc này đã dẫn đến sự sụp đổ của Enron và việc ban hành Đạo luật Sarbanes-Oxley nhằm tăng cường trách nhiệm minh bạch thông tin của các công ty niêm yết.

Năm 2015, Toshiba - một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất Nhật Bản, bị phát hiện gian lận tài chính lên tới 1,2 tỷ USD trong suốt 7 năm. Cổ phiếu Toshiba đã giảm 40% chỉ trong 3 phiên giao dịch, chỉ số Nikkei cũng mất hơn 12% trong một vài phiên, niềm tin nhà đầu tư giảm mạnh đối với chứng khoán Nhật Bản. Sau đó, nhiều quy định về công bố thông tin của các doanh nghiệp Nhật cũng được thắt chặt.

Những thách thức

Minh bạch thông tin giúp giảm thiểu tình trạng thông tin bất đối xứng, từ đó tăng cường niềm tin của nhà đầu tư và nâng cao giá trị cổ phiếu; giúp ngăn chặn các hành vi gian lận, thao túng thị trường và bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động mạnh, việc duy trì tính minh bạch thông tin gặp nhiều thách thức, các yếu tố như biến động thị trường, thay đổi chính sách và các sự kiện bất ngờ có thể ảnh hưởng đến khả năng công khai thông tin của các chủ thể tham gia thị trường.

Khi thị trường biến động, các doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc dự báo và công bố thông tin chính xác. Các thay đổi về chính sách kinh tế và tài chính có thể tạo ra sự không chắc chắn và ảnh hưởng đến tính minh bạch của thông tin. Các sự kiện như đại dịch, thiên tai, khủng hoảng tài chính… có thể làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và ảnh hưởng đến khả năng công khai thông tin của doanh nghiệp.

Để đối phó với những thách thức này, các chủ thể tham gia thị trường cần thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao tính minh bạch thông tin. Đối với doanh nghiệp, cần cải thiện hệ thống quản trị công ty để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Tăng cường sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để cải thiện quy trình công khai thông tin và tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư. Đối với cơ quan quản lý, ngoài vai trò thiết lập quy định và giám sát, cần tổ chức các chương trình đào tạo và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của minh bạch thông tin cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Ngoài ra, có thể tham khảo mô hình tổ chức giám sát độc lập. Các tổ chức giám sát độc lập thường được thành lập để thực hiện nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra và đánh giá các hoạt động trên thị trường chứng khoán nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Chẳng hạn, Cơ quan Quản lý ngành tài chính (Financial Industry Regulatory Authority - FINRA) là một tổ chức phi chính phủ độc lập tại Hoa Kỳ. FINRA được thành lập vào năm 2007 thông qua sự hợp nhất của Hiệp hội Các nhà kinh doanh chứng khoán Quốc gia (NASD) và các hoạt động quy định, thực thi và trọng tài thành viên của Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE).

Chức năng và nhiệm vụ của FINRA bao gồm: Giám sát và điều chỉnh, bảo vệ nhà đầu tư, tổ chức các kỳ thi và dịch vụ brokercheck. FINRA giám sát hơn 3.700 công ty môi giới, 155.000 văn phòng chi nhánh và gần 630.000 đại diện chứng khoán đã đăng ký. Tổ chức này giám sát giao dịch cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, hợp đồng tương lai và quyền chọn. Nhiệm vụ chính của FINRA là bảo vệ công chúng đầu tư khỏi gian lận và các hành vi xấu. FINRA có quyền xử lý kỷ luật đối với các cá nhân hoặc công ty vi phạm các quy tắc của ngành.

FINRA tổ chức các kỳ thi sát hạch mà các chuyên gia chứng khoán phải vượt qua để bán chứng khoán hoặc giám sát những người khác đầu tư chứng khoán. Dịch vụ brokercheck là một cơ sở dữ liệu tìm kiếm của các nhà môi giới, cố vấn đầu tư và cố vấn tài chính, bao gồm chứng nhận hành nghề, kinh nghiệm làm việc và một số năng lực hành nghề.

Minh bạch thông tin là yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán. Các chủ thể tham gia thị trường cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình và thực hiện các biện pháp cần thiết để nâng cao tính minh bạch thông tin, từ đó góp phần tạo nên một môi trường đầu tư lành mạnh và ổn định.

Trần Thị Khánh Hiền,
Giám đốc Khối Nghiên cứu MBS

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục