Giao dịch chứng khoán sáng 27/7: Dòng tiền túc tắc trở lại với dòng bank

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết quả kinh doanh khả quan của các ngân hàng vừa công bố kich thích dòng tiền túc tắc trở lại với một số cổ phiếu ngân hàng, nhưng không đủ sức để kéo thị trường tăng điểm trở lại khi lực cung vẫn gia tăng ở nhiều nhóm khác.
Giao dịch chứng khoán sáng 27/7: Dòng tiền túc tắc trở lại với dòng bank

Sau 2 tuần hồi phục tốt, nhưng không thể vượt qua được ngưỡng 1.200 điểm, thị trường đã lùi trở lại trong 3 phiên liên tiếp gần đây khi dòng tiền ngày một đuối dần, trong khi các con sóng đơn lẻ cũng không kéo dài khi nhà đầu tư không dám “gồng lãi” trong bối cảnh bấp bênh của thị trường hiện nay.

Trong tuần này, mọi con mắt của giới đầu tư trên toàn cầu đang hướng về cuộc họp chính sách tháng 7 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để xem liệu cơ quan hoạch định chính sách có quyền lực nhất thế giới này tăng lãi suất thêm bao nhiêu.

Theo kỳ vọng của giới phân tích và thị trường, Fed sẽ tăng lãi suất 0,75%. Nếu như Fed tăng đúng như mức kỳ vọng này, nhà đầu tư sẽ thở phào và thị trường tài chính, hàng hóa toàn cầu sẽ không có nhiều biến động, thậm chí có thể có phản ứng tích cực khi mức tăng lãi suất này đã được phản ánh vào thị trường thời gian qua. Tuy nhiên, nếu mạnh tay hơn để chống lại lạm phát đang gia tăng, Fed có thể tăng thêm 1%, khi đó dự báo thị trường tài chính toàn cầu có thể sẽ phản ứng tiêu cực, nhất là các thị trường chứng khoán châu Á mới nổi và cận biên khi dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút ra mạnh hơn.

Ngoài ra, các dữ liệu quan trọng khác của nền kinh tế lớn nhất thế giới như GDP, CPI - cơ sở để nhà đầu tư dự đoán các bước hành động tiếp theo của Fed cũng được công bố trong tuần này.

Trước khi các thông tin và dữ liệu quan trọng được công bố, một dữ liệu từ một cuộc khảo sát hàng tháng của Conference Board đã được công bố trong ngày 26/7 cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ giảm xuống mức thấp nhất gần trong một năm rưỡi trong tháng 7 tại 95,7 điểm và ghi nhận tháng giảm thứ ba liên tiếp, do tác động từ môi trường lạm phát cao và lãi suất tăng.

Dữ liệu này đã khiến giới đầu tư trên phố Wall bán mạnh ra, đẩy các chỉ số của chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên tối thứ Ba (theo giờ Việt Nam).

Thông tin và diễn biến trên kia bờ Thái Bình Dương đã ảnh hưởng ít nhiều tới tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi bước vào phiên giao dịch sáng nay, tâm lý thận trọng tiếp tục được duy trì khiến thị trường giao dịch ảm đạm. Dòng tiền yếu ớt khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, dù lực bán cũng không quá mạnh.

Thông tin về kết quả kinh doanh tích cực của các ngân hàng vừa công bố như VCB, LPB, STB, hay trước đó là TCB, CTG, BID, VPB, ACB cũng không giúp ích nhiều cho thị trường khi nhóm ngân hàng chỉ có sắc xanh nhạt tại VCB và ACB trong phiên sáng nay.

Sắc đỏ bao trùm ở gần như tất cả các nhóm ngành, từ nhóm dẫn dắt, tới các nhóm thị giá vừa và nhỏ, nhưng mức giảm cũng không quá lớn, trong khi ngoài VCB, còn có thêm VIC có sắc xanh nhạt gồng gánh giúp VN-Index không giảm sâu, mà vẫn quẩn quanh ở mốc 1.180 điểm.

Sau đó, lực cầu có gia tăng ở nhóm ngân hàng, kéo thêm 3 mã nữa gia nhập sắc xanh, trong khi ACB lùi về tham chiếu. Trong đó, LPB bứt lên trở thành mã tăng mạnh nhất nhóm với mức 3,4% lên 15.200 đồng. VCB cũng nới đà tăng lên mức tăng hơn 1,2%, chốt phiên sáng ở mức 74.800 đồng. SHB cũng đảo chiều tăng 1,8% lên 14.350 đồng và HDB cũng gia nhập nhóm tăng với mức tăng 0,9% lên 23.800 đồng. Trong đó, LPB nhận lực cầu lớn nhất khi khớp 9,6 triệu đơn vị, cao nhất nhóm và đứng thứ 4 trên sàn.

Việc nhóm có thêm nhiều mã tăng tốt, cùng với sự hỗ trợ một vài mã lớn khác như VIC, VNM, nhóm chứng khoán, giúp VN-Index hồi về tham chiếu và tưởng chừng chỉ số này sẽ đảo chiều thành công, nhưng chỉ ít phút sau đó, lực kéo từ một số mã bluechip khác như HPG, MSN, GAS, MBB khiến VN-Index quay đầu và tiếp tục có phiên giảm điểm, dù mức giảm rất nhẹ.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 1,95 điểm (-0,16%), xuống 1.183,12 điểm với 131 mã tăng, trong khi có 284 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 230,2 triệu đơn vị, giá trị 5.076 tỷ đồng, tăng 16,7% về khối lượng và 17,3% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 21 triệu đơn vị, giá trị 766,7 tỷ đồng.

Dù nhóm chứng khoán sắc xanh tràn ngập, chỉ có 2 mã lớn của nhóm là SSI và VND lại giảm dù mức giảm nhẹ 0,7% xuống 20.100 đồng và 0,3% xuống 18.150 đồng. Đây cũng là 2 mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 11,4 triệu đơn vị và 9,6 triệu đơn vị, chỉ đứng sau HPG trên sàn HOSE.

HPG sau thời gian ngắn hồi nhẹ đã quay lại đà giảm trong 3 phiên gần đây và sáng nay tiếp tục giảm 1,9% xuống 21.250 đồng, khớp 13,7 triệu đơn vị. Với đà này, nếu không bất ngờ, HPG có thể sẽ về dò lại đáy cũ 1 năm rưỡi thiết lập phiên 21/6.

Các mã lớn khác, VIC giữ được đà tăng 0,9% lên 66.700 đồng, VNM cũng tăng nhẹ 0,4% lên 72.300 đồng, còn lại đều giảm dù mức giảm không lớn, chủ yếu dưới 1,5%.

Trong nhóm cổ phiếu thị trường, cặp đôi HAG và HNG vừa trở lại đã nhanh chóng chịu áp lực chốt sớm và quay đầu điều chỉnh sáng nay, dù mức giảm nhẹ dưới 0,5%.

Trên HNX, diễn biến cũng tương tự HOSE khi chỉ số chính của sàn này giảm ngay khi mở cửa, sau đó chỉ giằng co nhẹ dưới tham chiếu, có lúc đã trở lại gần điểm xuất phát, nhưng lại bị đẩy ngược trở lại trong ít phút cuối phiên, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế trên bảng điện tử.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,4 điểm (-0,49%), xuống 281,48 điểm với 60 mã tăng, trong khi có 103 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 25,9 triệu đơn vị, giá trị 497,7 tỷ đồng, chủ yếu là giao dịch khớp lệnh.

Ngoại trừ PVS có giao dịch yếu đà sau kết quả kinh doanh quý II kém khả quan vừa công bố, còn lại các mã đáng chú ý, thu hút dòng tiền trên sàn này đều có mức tăng nhẹ hoặc đứng giá tham chiếu. Cụ thể, SHS là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 6,1 triệu đơn vị, đứng giá tham chiếu 12.200 đồng, CEO tăng 0,7% lên 30.200 đồng, khớp 2,3 triệu đơn vị, PVS giảm 0,4% xuống 22.700 đồng, khớp 1,56 triệu đơn vị, HUT đứng tham chiếu 28.700 đồng, khớp 1,51 triệu đơn vị, MBS tăng tốt nhất 3,4% lên 21.500 đồng, khớp 1,38 triệu đơn vị và IDC tăng 0,2% lên 58.700 đồng, khớp 1,13 triệu đơn vị.

Các mã lớn trên sàn HNX như KSF, THD, NVB, VCS đều giảm giá.

Trên UPCoM, dù mở cửa với sắc xanh nhạt, nhưng chỉ số chính của sàn này cũng nhanh chóng bị đẩy xuống dưới tham chiếu, sau đó nỗ lực trở lại, nhưng không kịp trở về vạch xuất phát khi đóng cửa với mức giảm rất nhẹ.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,03 điểm (-0,04%), xuống 88,38 điểm với 84 mã tăng và 107 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 18,1 triệu đơn vị, giá trị 336,8 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,7 triệu đơn vị, giá trị 91,6 tỷ đồng.

Sáng nay có 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó chỉ có duy nhất DDV là tăng giá với mức tăng 7,8% lên 19.400 đồng và là mã có thanh khoản lớn nhất 2,52 triệu đơn vị. Còn lại BSR, ABB, PAS đều giảm, dù mức giảm không lớn, thanh khoản cũng từ hơn 1,1 triệu đơn vị đến hơn 1,8 triệu đơn vị.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục