Giao dịch chứng khoán phiên chiều 26/7: Cổ phiếu vừa và nhỏ chịu sức ép, VN-Index quay đầu giảm điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Trong bối cảnh nhóm bluechips giao dịch yếu ớt, áp lực bán đã tăng tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sắc xanh nhạt ở phiên sáng nhanh chóng nhường chỗ sắc đỏ, VN-Index đảo chiều giảm điểm với thanh khoản tiếp tục giảm thấp.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 26/7: Cổ phiếu vừa và nhỏ chịu sức ép, VN-Index quay đầu giảm điểm

Mở cửa phiên giao dịch hôm nay 26/7, VN-Index bật nhẹ lên trên 1.190 điểm nhờ số mã tăng trong rổ VN30 chiếm ưu thế. Tuy nhiên, càng về cuối ngày, giao dịch tại nhóm cổ phiếu dẫn dắt này càng yếu khiến VN-Index dần mất đà.

Trong khi đó, sức ép gia tăng dần tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ nên sắc đỏ mở rộng thêm. Đồng thời, dòng tiền vào thị trường trở nên dè dặt hơn nên giao dịch tiếp tục ảm đạm. Khi động lực tăng không còn, thanh khoản tiếp tục giảm dần nên VN-Index quay đầu giảm điểm là tất yếu.

Về mặt kỹ thuật thì nhịp giảm này "có vẻ" là tất yếu khi VN-Index không vượt được ngưỡng cản 1.200 điểm, cần lùi lại đề lấy đà. Tuy nhiên, đây có thể chỉ là một cách giải thích "có căn cứ", còn nguyên nhân có thể nằm ở câu chuyện khác khi nhiều yếu tố rủi ro vẫn còn như áp lực làm phát đã giảm nhưng chưa phải không còn, kết quả kinh doanh chưa công bố hết của các doanh nghiệp có thể mang đến nhiều bất ngờ theo hướng tiêu cực, đặc biệt là việc chưa nới room tín dụng tác động tới dòng vốn cho vay các doanh nghiệp,...

Đóng cửa, với 139 mã tăng và 311 mã giảm, VN-Index giảm 3,43 điểm (-0,29%) về 1.190,24 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 434,8 triệu đơn vị, giá trị 9.448,8 tỷ đồng, tương đương phiên 25/7 về khối lượng nhưng giảm 5% về giá trị. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 46,47 triệu đơn vị, giá trị gần 1.377 tỷ đồng.

Tại rổ VN30, số mã giảm chiếu ưu thế hơn với 19 mã nhưng mức giảm không mạnh. Mã giảm mạnh nhất là VIC và BVH cùng ở mức -1,8% về 66.100 đồng và 54.400 đồng, trong khi các mã khác giảm trên dưới 1%.

Số mã tăng chỉ là 8 mã và mức tăng cũng không cao, KDH tăng cao nhất là 2,1% lên 37.050 đồng, nhưng khớp lệnh chỉ hơn 1,1 triệu đơn vị. STB và VPB chỉ nhích nhẹ, khớp lệnh lần lượt 9,2 triệu và 7,4 triệu đơn vị.

Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, áp lực chốt lời gia tăng khiến đa phần nới rộng đà giảm. Các mã HSG, NKG, VND, GEX, DBC, IDI, IDJ, ANV, HCM, BCG… có mức giảm từ 3-6%, trong đó 3 mã HSG, NKG, VND khớp lệnh từ 10-14 triệu đơn vị.

Cặp đôi HAG và HNX vẫn nằm trong nhóm cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HOSE với lần lượt 15,3 triệu và 9,5 triệu đơn vị, nhưng đều giảm điểm về tương ứng 11.000 đồng (-3,5%) và 6.550 đồng (-4,2%).

Tương tự, các mã thị giá nhỏ HQC, FLC, ITA, LDG… cũng đều giảm điểm, thanh khoản không quá cao, từ 1-6 triệu đơn vị.

Mã VOS giảm sàn về 16.400 đồng, khớp lệnh 1,56 triệu đơn vị.

Một bộ phận dòng tiền hướng vào một số cổ phiếu như ST8, TDG, BMC, PTC và VNS, giúp các mã này tăng kịch trần, dù vậy, thanh khoản cao nhất tại ST8 cũng chỉ hơn 0,58 triệu đơn vị.

Một số cổ phiếu bất động sản - xây dựng có mức tăng khá là DXG +2,7% lên 22.500 đồng, VCG +3,1% lên 21.500 đồng, C47 +4,6% lên 13.750 đồng, HHV +2,1% lên 14.700 đồng..., trong đó DXG khớp 11,3 triệu đơn vị, VCG khớp 5,2 triệu đơn vị..

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index diễn biến tương đồng với VN-Index khi cũng quay đầu giảm trong phiên chiều, cho dù thanh khoản có sự cải thiện.

Đóng cửa, với 58 mã tăng và 120 mã giảm, HNX-Index giảm 2,5 điểm (0,88%) về 282,88 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 55,2 triệu đơn vị, giá trị 1.403,4 tỷ đồng, giảm 6% về khối lượng nhưng tăng 18% về giá trị so với phiên 25/7. Giao dịch thỏa thuận có thêm 22,35 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.559 tỷ đồng.

Rổ HNX30 chỉ có 4 mã tăng PVS, VC3, PLC và L14, trong đó VC3 tăng mạnh nhất 4,5% lên 48.800 đồng. PVS +1,3% lên 22.800 đồng.

Ngược lại có 22 mã giảm, trong đó DTD giảm mạnh 5% về 22.700 đồng, còn lại chủ yếu giảm từ 1-2%.

SHS dẫn đầu sàn HNX với chỉ 6,4 triệu đơn vị khớp lệnh, kết phiên giảm 1,6% về 12.200 đồng. Tiếp đó là CEO với 4,4 triệu đơn vị, giảm 2% về 30.000 đồng.

Trong 11 mã thanh khoản cao nhất sàn thì có 10 mã giảm điểm, ngoại trừ PVS. PVS khớp lệnh 2,75 triệu đơn vị đứng thứ 3.

Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index rung lắc mạnh trong phiên chiều, có thời điểm đã lùi qua tham chiếu, trước khi bật nhẹ trở lại khi kết phiên. Thanh khoản cải thiện.

Đóng cửa, với 128 mã tăng và 140 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,06 điểm (+0,07%) lên 88,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 36,29 triệu đơn vị, giá trị 772,9 tỷ đồng, tăng 21% về khối lượng và 36% về giá trị so với phiên 25/7. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,5 triệu đơn vị, giá trị 31 tỷ đồng.

BSR vẫn là mã có giao dịch vượt trội và chiếm gần một nửa thanh khoản toàn UPCoM với hơn 16,86 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 1,3% lên 24.300 đồng.

Các mã ABB, SBS, VHG, C4G và DDV cùng khớp trên 1 triệu đơn vị, DDV tăng nhẹ, VHG và C4G đứng giá, ABB và SBS giảm điểm nhẹ.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm điểm, trong đó hợp đồng VN30F2208 đáo hạn gần nhất ngày 18/8/2022 khớp lệnh cao nhất là 154.039 đơn vị, khối lượng mở hơn 39.954 đơn vị, giảm 3 điểm (-0,2%) xuống 1.218,9 điểm.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, mã CHPG2212 giảm 3,4% xuống 280 đồng/CQ, thanh khoản cao nhất khi khớp 1,627 triệu đơn vị.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.2 0.0 0.0% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 0.0 0.0% 623 tỷ