Giao dịch chứng khoán sáng 26/9: Lãi suất tăng và nỗi ám ảnh suy thoái đẩy VN-Index lùi sâu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán tăng mạnh trên diện rộng khiến thị trường chìm sâu trong sắc đỏ. Các chỉ số chung đồng loạt lao dốc mạnh, trong đó VN-Index về sát vùng kháng cự mạnh 1.170 điểm.
Giao dịch chứng khoán sáng 26/9: Lãi suất tăng và nỗi ám ảnh suy thoái đẩy VN-Index lùi sâu

Cùng trong xu hướng chung của thế giới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tuần qua đã quyết định tăng các lãi suất điều hành 1%. Điều này tiếp tục tác động tiêu cực tới thị trường trong bối cảnh chứng khoán vẫn ảm đạm. Chỉ số VN-Index đã kết thúc tuần bằng cây nến đỏ với chỉ số đóng cửa nằm dưới đường MA (20), đặc biệt sự suy giảm của chỉ số trong 3 tuần vừa qua đã tạo ra mô hình nến Ba Con Quạ Đen (Three Black Crows).

Đà giảm cuối tuần trước được dự báo sẽ nối dài sang tuần này, tuy nhiên mức giảm có thể không sâu do VN-Index đã về mức thấp nhất trong vòng 1,5 năm qua, và đang có vùng kháng cự mạnh ở quanh khu vực 1.170, là đỉnh của chỉ số này năm 2018.

Tuy nhiên, diễn biến phiên sáng hôm nay cho thấy, mức độ tiêu cực có thể lớn hơn, ngoài câu chuyện lãi suất tăng khiến dòng tiền bị hút trở lại kênh tiết kiệm thì mối lo suy thoái từ bên ngoài còn có thể ảnh hưởng tiêu cực trung dài hạn với các doanh nghiệp trong nước, do độ mở nền kinh tế Việt Nam khá lớn.

Trong phiên sáng nay, đà giảm xuất hiện ngay từ đầu phiên và lực bán tăng dần trong khi lực mua không đáng kể, thị trường rơi vào tình trạng khá xấu khi giá giảm mạnh và thanh khoản giảm.

Gần như toàn bộ các nhóm ngành đều mất điểm, kể cả nhóm cổ phiếu bảo hiểm có màn đi ngược xu hướng chung trong phiên cuối tuần ngày 23/9.

Sau khoảng 90 phút giằng co quanh vùng giá 1.185 điểm, lực bán mạnh tiếp tục lan rộng khiến số mã giảm điểm chiếm áp đảo, gấp hơn 11 lần số mã tăng, trong đó có nhiều mã bất động sản nằm sàn như NHA, NLG, DXS, HDC hoặc về gần sàn như KDH, DIG, DXG…

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu chứng khoán đang dẫn đầu đà giảm của thị trường. Bên cạnh VIX về gần giá sàn, các mã khác như VND giảm 4%, SSI giảm 3,4%, VCI giảm 4,8%, HCM giảm 2,5%...

Mặc dù lực cầu đã phần nào tham gia khá nhiệt tình giúp nhiều mã thoát sàn và thanh khoản có phần cải thiện, nhưng áp lực bán mạnh trên diện rộng khiến thị trường khó tránh khỏi phiên lao dốc. Chỉ số VN-Index duy trì trạng thái ảm đạm trong thời gian còn lại và tạm dừng phiên sáng vẫn giữ được mốc kháng cự mạnh 1.170 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có tới 440 mã giảm (14 mã giảm sàn), gấp hơn 10 lần số mã tăng (34 mã), VN-Index giảm 29,64 điểm (-2,46%), xuống 1.173,64 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 361,83 triệu đơn vị, giá trị 8.316,89 tỷ đồng, tăng 47,93% về khối lượng và 53,65% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 23/9. Giao dịch thỏa thuận có thêm 18,4 triệu đơn vị, giá trị 461,55 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cũng có diễn biến tiêu cực khi để mất hơn 28 điểm, với việc ghi nhận duy nhất mã GAS nhích nhẹ 0,3% cùng SAB đứng giá tham chiếu, còn lại đều mất điểm.

Trong đó, KDH đã thoát nằm sàn nhưng vẫn là mã giảm sâu nhất trong rổ VN30 khi giảm 6,5%; tiếp theo đó là cặp ngân hàng BID và CTG đều giảm hơn 5,5%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HAG sau những phiên ngược dòng nhờ tin tốt từ doanh nghiệp cũng đã quay đầu giảm khá mạnh trước áp lực xả bán. Chốt phiên, HAG giảm 4% xuống 13.350 đồng/CP, nhưng thanh khoản vẫn dẫn đầu với gần 20,4 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trái lại, cặp đôi TCH và HHS lại khá ấn tượng khi ngược dòng thành công, thậm chí có thời điểm TCH tiến gần giá trần. Chốt phiên, TCH tăng 3,2% lên 11.350 đồng/CP và khớp 6,44 triệu đơn vị, trong khi HHS tăng 1,5% lên 6.090 đồng/CP và khớp 1,51 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, không có nhóm nào thoát vòng xoáy chung của thị trường. Trong đó, nhóm cổ phiếu có đóng góp lớn tới chỉ số chung thị trường là ngân hàng, chỉ có duy nhất EIB giữ được sắc xanh khi chốt phiên tăng 1,3%; còn lại đều giảm khá mạnh như BID giảm 5,9%, CTG giảm 5,6%, SHB giảm 4,58%, MBB giảm 4,52%, các mã TCB, VPB, HDB, STB, MSB, OCB, LPB giảm trên dưới 3%...

Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán vẫn dẫn đầu đà giảm của thị trường, trong đó VND giảm 4,9%, SSI giảm 4,4%, VIX giảm sát sàn 6,3%, HCM giảm 4,%, VCI giảm 5,37%, FTS và AGR cùng giảm 5,5%, CTS giảm 5,1%...

Nhóm cổ phiếu bất động sản có hàng loạt mã như HDC, BCM, NHA, DXG, DPG, DXS chốt phiên nằm sàn hoặc giảm sát sàn như NLG, VGC, DIG, KDH… Trong những mã đầu ngành như VHM giảm gần 2%, VIC giảm 1,12%.

Nhóm cổ phiếu thép cũng đua nhau giảm sâu với HSG và NKG cùng giảm hơn 5%, POM và SMC giảm trên dưới 3,5%, cổ phiếu HPG giảm 2,2% xuống vùng giá thấp trong phiên 22.200 đồng/Cp nhưng vẫn là mã giao dịch sôi động nhất ngành, đạt xấp xỉ 11 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên sàn HNX, thị trường cũng cắm đầu đi xuống trước áp lực bán mạnh trên diện rộng.

Chốt phiên sáng, sàn HNX chỉ có 28 mã tăng và có tới 161 mã giảm, HNX-Index giảm 8,15 điểm (-3,08%) xuống 256,29 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 37 triệu đơn vị, giá trị 783,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm nửa triệu đơn vị, giá trị tương ứng hơn 31 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 ghi nhận mức giảm tới gần 19,5 điểm, trong đó có DXP và TAR giữ được sắc xanh khi lần lượt tăng 4,7% và 1,1%; còn lại 28 mã giảm điểm.

Các cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản và xây dựng trong nhóm này giảm mạnh mẽ như L14 giảm 8,5% xuống mức 79.600 đồng/CP, IDC giảm 7,8% xuống 48.800 đồng/Cp, CEO giảm 7,6% xuống 24.400 đồng/CP…

Bên cạnh đó phải kể đến nhóm cổ phiếu chứng khoán. Cụ thể, MBS giảm 4,7%, SHS giảm 4,5%, BVS giảm 3,5%, APS giảm 5%, TVC giảm 3,9%...

Đáng chú ý, cổ phiếu trong nhóm khai khoáng – PVS đã được giải cứu khỏi giá sàn nhờ lực cầu gia tăng. Chốt phiên, PVS giảm 4,9% xuống mức 25.000 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 4,73 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng tìm về vùng giá thấp nhất phiên.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 1,64 điểm (-1,85%) xuống 86,95 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 18,61 triệu đơn vị, giá trị 305,71 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,96 triệu đơn vị, giá trị hơn 49,28 tỷ đồng.

Chỉ có 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị gồm BSR khớp 3,54 triệu đơn vị và C4G khớp 1,33 triệu đơn vị, đều chốt phiên mất điểm, tương ứng giảm 4,3% xuống mức giá thấp nhất 22.000 đồng/Cp và giảm 2,1% xuống 14.200 đồng/CP.

Một số mã đáng chú ý khác cũng giao dịch trong sắc đỏ như PAS giảm 5,9%, CEN giảm 10,3%, OIL giảm 2,5%, DDV giảm 5,3%...

Cùng trong xu hướng chung của bộ đôi nông nghiệp trên sàn niêm yết là PAN và TAR, cổ phiếu LTG cũng may mắn có được sắc xanh dù biên độ tăng thu hẹp về cuối phiên khi tạm dừng chân ở mức 37.500 đồng/CP, tăng nhẹ 0,3%.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục