
Thị trường vừa trải qua phiên giao dịch ngày 22/5 không mấy yên ả, đặc biệt là trong phiên chiều, bởi những pha “co giật mạnh”. Tuy nhiên, dòng tiền sôi động cùng sự hỗ trợ của một số mã lớn, đã giúp VN-Index kết phiên với mức giảm không quá lớn và vẫn đứng trên ngưỡng 1.300 điểm.
Việc VN-Index đảo chiều giảm sau 2 phiên tăng, đặc biệt là khi chỉ số chung đang bước vào vùng đỉnh của năm 2025 là điều hết sức bình thường, nhưng với các tín hiệu kỹ thuật như chỉ báo MACD tạo phân kỳ âm và RSI quay đầu hướng xuống, thể hiện xác suất nhịp điều chỉnh vẫn có thể còn tiếp diễn.
Thêm vào đó, khối lượng giao dịch phiên 22/5 tăng vọt, vượt mức trung bình 20 ngày, cho thấy lực cung chốt lời dâng cao. Thị trường có thể sẽ cần một số nhịp rung lắc để củng cố sức mạnh trước khi tiếp tục chinh phục các vùng đỉnh mới.
Quay lại diễn biến thị trường phiên giao dịch sáng 23/5, thị trường mở cửa trong trạng thái phân hóa với các mã tăng giảm trên bảng điện tử khá cân bằng và chỉ số VN-Index vẫn trong xu hướng điều chỉnh nhẹ.
Mặc dù sau đó thị trường hồi phục sắc xanh, nhưng trụ đỡ kém bền vững từ dòng bank, đã khiến VN-Index nhanh chóng đảo chiều giảm. Sau khoảng 90 phút giao dịch, chỉ số chung giảm nhẹ chưa tới 3 điểm với bộ ba trụ cột bank – chứng – thép đều điều chỉnh nhẹ.
Trong khi đó, nhóm bất động sản may mắn tăng nhẹ nhờ cặp đôi VIC và VHM vẫn khởi sắc, với VIC tăng tốt hơn đạt hơn 1,6%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, GEX vẫn là điểm sáng đi ngược xu hướng thị trường chung. Hiện GEX đang tăng hơn 4% với thanh khoản khá sôi động, đạt hơn 4,6 triệu đơn vị.
Thị trường thu hẹp biên độ giảm và tiến về sát mốc tham chiếu về cuối phiên trong bối cảnh chung giao dịch phân hóa.
Chốt phiên, sàn HOSE có 146 mã tăng và 135 mã giảm, VN-Index giảm 0,59 điểm (-0,04%) xuống 1.313,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 320,8 triệu đơn vị, giá trị 7.450,3 tỷ đồng, giảm 35,4% về khối lượng và 32,5% về giá trị so với phiên sáng hôm qua.
Nhóm VN30 cũng trong xu hướng chung của thị trường khi chốt phiên giảm nhẹ gần 1 điểm, với 14 mã tăng và 12 mã giảm. Trong đó, cổ phiếu nhà Vin vẫn có mức tăng tốt nhất, với VRE tăng 2,4% và VIC tăng 1,4%, còn lại các mã chỉ tăng nhẹ trên dưới 0,5%.
Ngược lại, MSN giảm mạnh nhất là 1,4%; tiếp theo là BID, MWG, PLX cùng giảm 1,1%.
Thanh khoản thị trường giảm mạnh, với 4 mã dẫn đầu đều thuộc nhóm tài chính và đều đạt trên chục triệu đơn vị. Cụ thể, VIX sôi động nhất với 21,3 triệu đơn vị, SHB khớp 20,36 triệu đơn vị, EVF khớp 12,2 triệu đơn vị, TCB khớp 11,3 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, GEX chốt phiên tăng 4,4% với thanh khoản đạt hơn 7,4 triệu đơn vị và khối ngoại mua ròng gần 1,2 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, các nhóm bank – chứng – thép vẫn điều chỉnh nhẹ. Trong đó, các mã lớn của những nhóm trụ cột này như VCB, CTG, BID, TCB, hay HCM, FTS, CTS… đều giảm nhẹ. Tuy vậy, vẫn có những điểm sáng ngược dòng thành công, điển hình như EIB chốt phiên tăng 3,1% lên mức 21.750 đồng/CP và khớp gần 7 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhóm bất động sản vẫn giữ đà tăng nhẹ với sự dẫn dắt của VIC. Ngoài ra, một số mã đáng chú ý trong ngành này như NVL tăng 1,6% nhờ lực cầu nội và ngoại tham gia tích cực, với thanh khoản thuộc top 5 toàn thị trường đạt hơn 9 triệu đơn vị và khối ngoại mua ròng gần 1 triệu đơn vị; VCG tăng 1,1%, SCR tăng 3,5%...
Một số nhóm ngành tăng tốt hơn trên thị trường như vận tải, phân bón, với một số điểm sáng như HAH tăng 5%, ACV tăng hơn 3,1%, PAP tăng 10,7%, VOS và PVP cùng tăng hơn 1%, VJC, VTP, VSC… tăng nhẹ.
Trên sàn HNX, thị trường giao dịch giằng co nhẹ và may mắn hồi phục sắc xanh nhờ diễn biến tích cực của một số mã lớn.
Chốt phiên, sàn HNX có 54 mã tăng và 74 mã giảm, HNX-Index tăng 0,18 điểm (+0,08%), lên 216,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 46,8 triệu đơn vị, giá trị 768,2 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 chốt phiên tăng hơn 1 điểm, chủ yếu nhờ sự đóng góp của NTP tăng 7,8% và LAS tăng 3%, trong đó, LAS có khối lượng khớp lệnh đạt 2,17 triệu đơn vị, đứng thứ 2 trên thị trường; còn NTP cũng giao dịch tăng vọt với 0,82 triệu đơn vị khớp lệnh.
Cổ phiếu SHS ngược dòng nhóm chứng khoán khi chốt phiên tăng 1,5% lên mức 13.200 đồng/CP và thanh khoản sôi động nhất thị trường với hơn 6,4 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, SVN chốt phiên tăng kịch trần lên mức 5.900 đồng/CP với thanh khoản thuộc top 5 mã dẫn đầu, đạt 1,55 triệu đơn vị và dư mua trần 0,63 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng may mắn có được sắc xanh nhạt sau nhịp rung lắc nhẹ trong nửa cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,06 điểm (+0,06%), lên 96,2 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 35,65 triệu đơn vị, giá trị 305,7 tỷ đồng.
Cổ phiếu nhóm phân bón là DDV là tâm điểm của thị trường. Chốt phiên, DDV tăng 4,3% lên mức 24.500 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu, đạt gần 3,3 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, cặp đôi họ BCG là BCR và BGE khớp lệnh trên 1,5 triệu đơn vị, chốt phiên lần lượt tăng kịch trần và tăng 5,9%.