Thị trường đã ghi nhận phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp nhưng thanh khoản liên tục sụt giảm, đặc biệt trong phiên 21/12 còn rơi xuống mức thấp nhất trong gần 2 tháng. Diễn biến dòng tiền yếu có thể là một trong những đặc trưng thường thấy trong giai đoạn thị trường gần cuối năm dương lịch.
Kết thúc phiên đáo hạn phái sinh hôm qua, dải Bollinger Band có xu hướng bó hẹp ở cả khung đồ thị giờ và ngày. Hai chỉ báo MACD và RSI ở khung đồ thị giờ vẫn đang hướng lên và chưa cho tín hiệu tạo đỉnh, nên xác suất thị trường giảm dưới vùng hỗ trợ là khó xảy ra. Bên cạnh đó, chỉ báo ADX vẫn đang ở mức thấp và DI+ đang dâng lên khu vực 30 cũng củng cố cho những tín hiệu về khả năng xuất hiện các phiên rung lắc nhẹ trong quá trình tích lũy và phục hồi.
Quay lại diễn biến thị trường phiên cuối tuần ngày 22/12, chỉ sau thời gian ngắn mở cửa giữ sắc xanh, VN-Index đã nhanh chóng đảo chiều và giao dịch rung lắc trong biên độ hẹp.
Sau khoảng 90 phút giao dịch, chỉ số VN-Index đang nỗ lực giữ mốc 1.100 điểm với mức giảm nhẹ chưa tới 2 điểm. Số mã giảm điểm trên sàn đang chiếm ưu thế nhưng chủ yếu chỉ biến động trong biên độ hẹp nên chỉ số chung không giảm quá sâu.
Trong bối cảnh phần lớn các nhóm ngành đang điều chỉnh nhẹ, thì tín hiệu ở nhóm cổ phiếu chứng khoán có phần tích cực hơn khi thuộc top 3 nhóm ngành có mức tăng nhất thị trường dù chỉ đạt khoảng 0,7%. Trong đó, SSI đang tăng 1,4% và có thanh khoản sôi động nhất thị trường với hơn 8 triệu đơn vị khớp lệnh; VIX và VND tăng nhẹ hơn 0,5% và khớp lệnh trên dưới 6 triệu đơn vị.
Đột biến trong phiên hôm qua là HAG khi khớp lệnh ATC tới hơn 11 triệu giúp mã này kéo trần thành công, trong phiên sáng nay có chút giằng có nhẹ do áp lực bán gia tăng. Hiện HAG đang tăng nhẹ 0,7% và có thanh khoản chỉ thua SSI với hơn 6,6 triệu đơn vị.
Thị trường duy trì trạng thái lình xình dưới mốc tham chiếu trong thời gian còn lại do lực bán thường trực trên diện rộng.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 149 mã tăng và 281 mã giảm, VN-Index giảm 1,54 điểm (-0,14%), xuống 1.100,89 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 228,4 triệu đơn vị, giá trị 5.270,93 tỷ đồng, tăng 3,91% về khối lượng và 10,42% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 30 triệu đơn vị, giá trị 935,79 tỷ đồng.
Nhóm VN30 có 17 mã giảm và chỉ 6 mã tăng, tuy nhiên với biên độ của các mã chỉ trên dưới 1%, nên chỉ số nhóm này chỉ giảm 2,3 điểm. Trong đó, BCM là mã duy nhất có biên độ giảm hơn 1%; ngược lại, SSI tăng tốt nhất 1,2%, tiếp theo là GVR tăng 1%.
Xét về nhóm ngành, chứng khoán vẫn duy trì đà tăng nhẹ nhờ động lực chính là SSI, đây cũng là cổ phiếu có mức giao dịch sôi động nhất thị trường với hơn 10 triệu đơn vị. Trong khi đó, VIX tiếp tục giữ vị trí thứ 2 về thanh khoản với 8,55 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên vẫn tăng nhẹ 0,6% lên mức 16.950 đồng/CP.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch phân hóa và chốt phiên điều chỉnh nhẹ, với BID là động lực chính khi đóng góp gần 0,3 điểm cho chỉ số chung, ngược lại VCB là lực cản lớn nhất khi lấy đi 0,54 điểm của chỉ số chung.
Nhóm bất động sản cũng giảm nhẹ, nhưng các mã đáng chú ý như PDR, DIG, TCH, NVL đều chốt phiên tăng nhẹ. Trong đó, các mã bất động sản khu công nghiệp có phần khởi sắc hơn với SZC tăng 3,3%, KBC tăng nhẹ 0,32%, TIP tăng 2,1%, LHG tăng 1,2%...
Trên sàn HNX, dù có chút rung lắc nhẹ cuối phiên nhưng HNX-Index đã may mắn thoát hiểm thành công.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 53 mã tăng và 62 mã giảm, HNX-Index tăng nhẹ 0,08 điểm (+0,03%), lên 228,56 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 37,48 triệu đơn vị, giá trị 723,26 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,7 triệu đơn vị, giá trị hơn 21 tỷ đồng.
Cổ phiếu chứng khoán SHS giao dịch vượt trội nhất thị trường với gần 17,5 triệu đơn vị khớp lệnh, tuy nhiên chốt phiên đứng giá tham chiếu 18.800 đồng/CP.
Đứng thứ 2 về thanh khoản là CEO đạt 2,72 triệu đơn vị, và tạm dừng phiên sáng cũng đứng giá tham chiếu 22.600 đồng/CP sau khi rung lắc do áp lực bán có chút gia tăng về cuối phiên.
Đáng chú ý là cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp IDC chốt phiên tăng 1,2% lên 51.400 đồng/CP, thanh khoản đứng ở vị trí thứ 3 với 1,64 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên UPCoM, áp lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên đã khiến thị trường đảo chiều điều chỉnh nhẹ.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,32 điểm (-0,37%) xuống 85,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19,42 triệu đơn vị, giá trị đạt 235 tỷ đồng.
Toàn thị trường không có mã nào có thanh khoản đạt 1 triệu đơn vị. Cổ phiếu VAB sôi động nhất với 0,97 triệu đơn vị giao dịch thành công, chốt phiên tăng 2,9% lên mức 2.700 đồng/CP.