Thị trường nén chặt!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Thị trường buồn ngủ quá”, nhiều nhà đầu tư dạo gần đây than thở.
Thị trường nén chặt!

VN-Index đi ngang, với vùng cản ở 1.130 điểm rất mạnh. Thanh khoản sàn HOSE co hẹp, mỗi phiên chỉ khoảng 13.000 -14.000 tỷ đồng, thể hiện tâm lý chán nản và dè chừng rất rõ của nhà đầu tư

Nếu bị cuốn vào biến động hàng ngày của thị trường, nhà đầu tư sẽ cảm thấy thị trường chẳng có cơ hội gì trong giai đoạn thị trường “mắc kẹt” về thanh khoản lẫn điểm số. Nhưng với một số nhà đầu tư có cái nhìn rộng hơn, xa hơn, họ nhìn thấy cơ hội từ thị trường trong tương lai.

Diễn biến của thị trường chứng khoán gần đây, dưới con mắt của những nhà đầu tư có kinh nghiệm, là giai đoạn tích lũy. Cơ sở cho nhận định này là: Thứ nhất, chỉ số VN-Index đã có 5 phiên liên tục đóng cửa trên MA 200, đường thể hiện mức giá trung bình của 200 phiên. Đường MA 200 chính là chỉ báo quan trọng cho xu hướng dài hạn. Thứ hai, dòng tiền ở VN30 có động thái đảo quanh các trụ: ngân hàng, “họ” Vin, chứng khoán, bất động sản. Thứ ba, xuất hiện nhóm dẫn dắt ở cổ phiếu riêng lẻ, là nhóm thép, chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp.

Giai đoạn tích lũy là giai đoạn mà các tổ chức kỳ vọng tiềm năng lớn trong giá cổ phiếu bị định giá thấp và bắt đầu xây dựng vị thế của mình. Họ không thể mua toàn bộ vị thế bằng một lệnh duy nhất, vì khối lượng cổ phiếu sẽ tăng vọt lên, dẫn đến thị trường nhận thấy hoạt động bất thường. Vì vậy, họ mua những chứng khoán này theo từng đợt để tránh bị những người tham gia thị trường phát hiện. Ở giai đoạn này, cổ phiếu vừa thoát ra khỏi xu hướng giảm mạnh, gây ra tâm lý tiêu cực trên thị trường, từ đó, các tổ chức có thể mua chứng khoán ở mức giá rất hấp dẫn.

Chu kỳ thị trường là những mô hình hoặc xu hướng lặp đi lặp lại được hình thành trên thị trường tài chính. Có bốn giai đoạn chính trong một chu kỳ thị trường thông thường: tích lũy, tăng trưởng, phân phối và đi xuống. Bốn chu kỳ này luôn diễn ra theo cùng một trình tự. Nhiều nhà đầu tư cá nhân đã thành công khi lần theo được dấu vết các nhà giao dịch lớn và phát hiện các cổ phiếu đang trong giai đoạn tích lũy để có thể mua trước khi nó bắt đầu xu hướng tăng.

Những đặc điểm chung thường thấy ở giai đoạn tích lũy là khối lượng bán gần như không thay đổi, do phần lớn người bán đã thoát khỏi vị thế của mình. Do tâm lý tiêu cực, trên thị trường thiếu người mua khiến cổ phiếu đi ngang và đây là lúc các nhà đầu tư lớn bước vào. Họ lợi dụng xu hướng đi ngang và bắt đầu tích lũy chứng khoán với số lượng nhỏ mà không thông báo cho thị trường - điều đó giúp giữ giá ở mức chiết khấu.

Điều cần lưu ý là, giai đoạn tích lũy có thể bị nhầm lẫn với giai đoạn phân phối, giai đoạn ngay trước khi cổ phiếu sụt giảm. Đây là lý do tại sao các nhà đầu tư nên thận trọng và đảm bảo rằng họ đã nghiên cứu kỹ lưỡng và chờ cổ phiếu phá vỡ xu hướng để có sự xác nhận.

Giai đoạn tích lũy có xu hướng hình thành các đỉnh và đáy dao động rõ ràng. Nhược điểm duy nhất của giao dịch đi ngang trong giai đoạn tích lũy là phạm vi có thể quá hẹp, khiến lợi nhuận bị hạn chế. Đó chính là đặc điểm của giai đoạn thị trường hiện tại.

Giai đoạn tích lũy không quy định khoảng thời gian bao lâu thì cổ phiếu có thể phá vỡ xu hướng và bắt đầu giai đoạn tăng tốc. Điều này thu hút các nhà đầu tư giá trị, vì họ có sự kiên nhẫn mà các nhà giao dịch có thể không có, bởi nhiều lúc giai đoạn tích lũy có thể kéo dài cả vài tháng hay năm.

Một trong những dấu hiệu mà nhiều nhà đầu tư quan sát cho việc phá vỡ xu hướng này là hành động kiến tạo giá của cổ phiếu quanh MA 50. Việc cổ phiếu vượt MA 50 là một trong những dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy nhóm nhà đầu tư tổ chức tham gia trở lại, vì MA 50 được mệnh danh là đường của nhà đầu tư tổ chức. Có lẽ với bối cảnh hiện này, nhà đầu tư cần tiếp tục kiên nhẫn chờ dấu hiệu trên.

Lê Đạt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục