Giao dịch chứng khoán sáng 2/12: Thị trường rung lắc, kịch tính cổ phiếu PDR

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền trở nên thận trọng hơn sau pha điều chỉnh hôm qua khiến thị trường giao dịch rung lắc và nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp VN-Index tạm dừng chân trong sắc xanh. Điểm nhấn thuộc về cổ phiếu PDR.
Giao dịch chứng khoán sáng 2/12: Thị trường rung lắc, kịch tính cổ phiếu PDR

Thị trường đã mở màn tháng 12 bằng phiên quay đầu điều chỉnh sau 5 phiên tăng điểm liên tiếp trước đó. Việc điều chỉnh này được xem là phù hợp sau khi chỉ số hồi phục hơn 20% tính từ đáy ngày 16/11/2022. Tuy nhiên, thanh khoản tăng đột biến, vượt mức 20.000 tỷ đồng và là mức cao nhất kể từ tháng 1/2022, cho thấy áp lực bán thực sự khá mạnh.

Bên cạnh đó, cây nến của hai phiên gần đây có mẫu hình mây đen bao phủ (Dark Cloud Cover) cũng cho thấy sự bearish hiện tại. Ngưỡng 1.050 điểm tương ứng với ranh giới của thị trường bò và gấu đã không được chinh phục trong phiên hôm nay cho thấy ý chí của phe gấu vẫn còn khá mạnh.

Quay lại phiên giao dịch chứng khoán sáng cuối tuần ngày 2/12, tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn sau phiên đảo chiều hôm qua khiến thị trường biến động giằng co trong biên độ hẹp.

Chỉ số VN-Index liên tục lên xuống quanh mốc tham chiếu trong khoảng 1 giờ mở cửa với thanh khoản có phần kém sôi động hơn so với những phiên gần đây. Trong đó, các cổ phiếu tăng nóng gần đây đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Điển hình như PDR, áp lực bán chốt lời gia tăng khiến cổ phiếu này có thời điểm chuyển đỏ và sau hơn 1 giờ giao dịch đang tăng trên dưới 3% với thanh khoản vẫn vượt trội trên thị trường, đạt hơn 37 triệu đơn vị khớp lệnh.

Tương tự, cổ phiếu HPX cũng nhanh chóng đuối sức sau pha giải cứu khá ngoạn mục 2 ngày trước. Áp lực bán chốt lời ngày càng dâng cao khiến HPX rung lắc và đảo chiều giảm trên dưới 1%.

Ngoài ra, một số cổ phiếu bất động sản mới được giải cứu khác như NVL, DIG hay các mã nóng DXG, HQC, VCG, BCG, TCD, TCH… cũng đều đang đảo chiều giảm điểm.

Thị trường không có nhiều biến động trong thời gian còn lại của phiên giao dịch sáng, ngoại trừ điểm nhấn PDR.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 131 mã tăng và 274 mã giảm, VN-Index tăng 2,68 điểm (+0,26%), lên 1.038,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 434,68 triệu đơn vị, giá trị 6.814,56 tỷ đồng, giảm 24,82% về khối lượng và 25,55% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 22,54 triệu đơn vị, giá trị 568,5 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, cổ phiếu PDR đã có một phiên giao dịch khá kịch tính. Sau khi đóng cửa phiên giao dịch hàng giá rẻ T+ trần cứng trong chiều qua, PDR tiếp tục mở cửa phiên sáng nay trong sắc tím. Tuy nhiên, áp lực bán chốt lời gia tăng mạnh khiến PDR dần hạ độ cao và đảo chiều giảm gần 3,5%.

Nhưng lực cầu khá mạnh mẽ đã giúp PDR nhanh chóng bật ngược đi lên. Cổ phiếu PDR đã biến động lình xình quanh vùng giá 15.000 đồng/CP trong gần suốt cả phiên rồi tăng tốc mạnh về cuối phiên và lấy lại chiếc áo tím thành công. Chốt phiên sáng nay, cổ phiếu PDR tăng 6,8% lên mức giá trần 15.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 48,39 triệu đơn vị và dư mua trần 4,73 triệu đơn vị.

Trong khi đó, những mã có cảnh ngộ tương tự khi được giải cứu gần đây là NVL, DIG, HPX không giữ được sức nóng như PDR. Sau khoảng thời gian rung lắc và phần lớn thời gian nằm dưới mốc tham chiếu, cổ phiếu DIG và HPX đã tạm lấy lại sắc xanh với mức tăng nhẹ chưa tới 1%, trong khi NVL giảm 2,4% xuống 22.800 đồng/CP. Khối lượng giao dịch của DIG chỉ thua PDR, đạt 22,64 triệu đơn vị, còn NVL thuộc top 5 thanh khoản với 14,98 triệu đơn vị khớp lệnh, tiếp đó là HPX khớp 14,59 triệu đơn vị.

Các mã bất động sản khác như DXG, KBC, VCG, BCG, CII, SCR… cũng đều chốt phiên giảm điểm.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng trở nên phân hóa, trong khi STB vẫn tăng tốt nhất ngành +4,1%, CTG tăng 2,5%, HDB tăng 1,6%, BID tăng 1,3%; trong khi TPB giảm 1,4%, TCB giảm 1,1%, VCB và VPB giảm nhẹ chưa tới 0,5%.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng có diễn biến tương tự, bên cạnh HCM, VCI, VND, SSI, FTS, TVS tăng nhẹ, thì VIX, AGR, BSI, TVB, MBS, BVS… mất điểm.

Ở nhóm cổ phiếu thép, HPG rung lắc và chốt phiên giảm nhẹ 0,3%, cùng TLH và POM cũng đảo chiều điều chỉnh, trong khi HSG may mắn giữ được sắc xanh nhưng chỉ tăng 0,4% lên 11.550 đồng/CP.

Một số mã lớn hỗ trợ giúp thị trường có được sắc xanh như GAS tăng 1,9%, VIC tăng 1,4%, VHM tăng 1,3%, SSI tăng 1,4%, các mã MSN, FPT, MWG, SAB tăng nhẹ.

Trên sàn HNX, sau nhịp rung lắc nhẹ đầu phiên, thị trường đã quay đầu giảm.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 47 mã tăng và 112 mã giảm, HNX-Index giảm 1,18 điểm (-0,56%) xuống 209,83 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 57,41 triệu đơn vị, giá trị 762,57 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,3 triệu đơn vị, giá trị 1,97 tỷ đồng.

Ngoại trừ L14 vẫn giữ được sắc tím và chốt phiên tại mức giá 62.200 đồng/CP với khối lượng khớp 1,24 triệu đơn vị, các mã nóng khác như L18 đảo chiều giảm 5,4%, thậm chí có thời điểm nằm sàn; CEO giảm 1% xuống 19.800 đồng/CP, IDC giảm 0,9% xuống 34.700 đồng/CP…

Cặp đôi PVS và PVC giao dịch khởi sắc, trong đó PVC tăng 5,8% lên 12.700 đồng/CP và khớp 1,15 triệu đơn vị, còn PVS tăng 4,3% lên 21.700 đồng/CP và khớp 5,65 triệu đơn vị.

Cổ phiếu chứng khoán SHS cũng không nằm ngoài xu hướng chung của ngành khi diễn biến rung lắc và chốt phiên tăng 1,2% lên 8.600 đồng/CP, thanh khoản dẫn đầu thị trường với 9,42 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở nhóm cổ phiếu nhỏ, KLF chốt phiên tăng trần lên 800 đồng/CP, với khối lượng khớp hơn 2,6 triệu đơn vị và dư mua trần 2,56 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường đã đảo chiều giảm sau nửa đầu phiên giữ sắc xanh.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,33 điểm (-0,46%) xuống 71,09 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 39,65 triệu đơn vị, giá trị 224,76 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,81 triệu đơn vị, giá trị 9,63 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR dẫn đầu thanh khoản thị trường với 5,93 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên giảm 3,3% xuống 14.500 đồng/CP.

Đáng chú ý là các cổ phiếu nhỏ, trong đó DCS và HVG đều chốt phiên tăng trần, với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 3,19 triệu đơn vị và 2,07 triệu đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục