Để dòng tiền trở lại thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chuyên gia chứng khoán, lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ góc nhìn về bối cảnh thị trường chứng khoán hiện tại và những giải pháp để “kéo” dòng tiền trở lại. 
Để dòng tiền trở lại thị trường chứng khoán

Ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACB (ACBS)

Niềm tin và sự tự tin của nhà đầu tư giảm mạnh do phải trải qua giai đoạn suy giảm tài sản vượt ngoài kinh nghiệm của hầu hết nhà đầu tư tham gia thị trường, với VN-Index giảm khoảng 40% từ đỉnh kéo dài gần 10 tháng. Gần như giai đoạn 2022 đã vượt qua tất cả kinh nghiệm của nhà đầu tư F0 đến Fn tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhiều cổ phiếu trụ cột đầu ngành đã về lại định giá tương tự giai đoạn 2009 và 2012, với định giá P/B tiệm cận mốc 0,6 - 0,8 lần.

Thị trường hiện tại đã bớt áp lực trong ngắn hạn, nhưng câu chuyện triển vọng hồi phục bền vững sẽ phụ thuộc vào thông tin chính sách vĩ mô liên quan đến bài toán thanh khoản cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thông tin nới room tín dụng thêm 2% đã chính thức thông báo. Thị trường chứng khoán trong ngắn hạn là sân chơi của xác suất nhưng với tầm nhìn trung và dài hạn, sẽ khó có cơ hội tích lũy được tài sản với mức giá hấp dẫn như hiện tại.

Sự sụt giảm thanh khoản hiện tại là quy luật tất yếu của thị trường, với kinh nghiệm của tôi thì thanh khoản luôn luôn bùng nổ trong thời kỳ giá tăng và suy giảm 50 - 70% so với vùng đỉnh khi tạo đáy. Chẳng hạn, thanh khoản trung bình 2018 ở vùng đỉnh là khoảng 5.000 - 8.000 tỷ đồng so với vùng đáy chỉ 2.000 - 4.000 tỷ đồng. Quan trọng là mức thanh khoản trung bình vùng đáy của hiện tại phải cao hơn đáy trước đó, thể hiện mức độ quan tâm của toàn xã hội gia tăng. Hiện tại, thanh khoản trên sàn HOSE vẫn quanh vùng 8.000 - 12.000 tỷ đồng/phiên, cao gấp 2 - 3 lần so với vùng đáy 2019. Đây là mức tăng trưởng rất ấn tượng.

Dòng tiền bền vững là dòng tiền của nhà đầu tư đến vì sự hấp dẫn và lợi ích mang lại từ sản phẩm trên thị trường. Do đó, thị trường chứng khoán chỉ cần duy trì tính minh bạch trong vận hành và cải thiện về chất lượng dịch vụ, chẳng hạn nỗ lực đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường thì tôi tin dòng tiền sẽ dần gia tăng theo sức hấp dẫn của doanh nghiệp niêm yết.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT

Ở giai đoạn hiện nay, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ vai trò quan trọng trong sự vận hành thị trường tài chính, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế phục hồi sau giai đoạn khủng hoảng với sự hạn hẹp về nguồn vốn, lạm phát có nguy cơ gia tăng, tỷ giá biến động bất thường… thông qua một số hành động như điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) linh hoạt, thận trọng, phù hợp với hoàn cảnh phát triển kinh tế, không ngừng đổi mới, hoàn thiện các công cụ điều hành CSTT, đặc biệt là hoạt động của thị trường mở nhằm đảm bảo kiểm soát được tốc độ gia tăng của lạm phát, tăng cường tính thanh khoản cho thị trường, giảm thiểu sự căng thẳng trên thị trường tiền tệ và thị trường liên ngân hàng.

Tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các định chế tài chính, đảm bảo đánh giá chính xác tính lành mạnh của mỗi định chế tài chính tham gia trên thị trường.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo các chính sách lãi suất điều hành phản ánh đúng thực tế cung - cầu vốn trên thị trường. Tạo lập và duy trì một hệ thống thanh toán hiện đại, an toàn, hiệu quả kết nối giữa các thị trường trong nước cũng như trong khu vực; quản lý, giám sát và vận hành đảm bảo tính thông suốt, giảm thiểu những rủi ro hệ thống.

Trong hoàn cảnh hiện nay, khó khăn đến với doanh nghiệp từ mọi hướng. Dù doanh nghiệp huy động vốn từ ngân hàng, từ phát hành cổ phiếu hay trái phiếu đều có những khó khăn và lợi ích riêng. Hơn hết, doanh nghiệp cần phải có chiến lược sử dụng vốn hiệu quả, vì nếu không có chiến lược quản trị vốn tốt thì dù huy động được vốn, doanh nghiệp vẫn không thể tạo được lợi nhuận tối đa từ nguồn vốn huy động được.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF)

Trong ngắn hạn, để dòng tiền quay trở lại thị trường chứng khoán là tổng hòa của các yếu tố như lãi suất, thanh khoản toàn nền kinh tế và vấn đề niềm tin.

Về dài hạn, để dòng tiền trong dân cư đổ vào thị trường cổ phiếu và trái phiếu một cách bền vững, cần sự phát triển mạnh của các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp. Trong những năm gần đây, số lượng nhà đầu tư cá nhân đã tăng trưởng rất nhanh chóng, chứng tỏ sự phổ cập của kênh đầu tư chứng khoán ngày càng sâu rộng.

Đây là xu hướng tất yếu khi thu nhập bình quân và trình độ giáo dục tăng lên, dẫn đến nhu cầu có thêm những sản phẩm đầu tư tài chính khác để đa dạng hóa danh mục tài sản bên cạnh những kênh đầu tư truyền thống như gửi tiết kiệm, vàng hay bất động sản. Tuy nhiên, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân tự giao dịch trên thị trường cả cổ phiếu và trái phiếu vẫn còn rất lớn và các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp chỉ mới chiếm một tỷ trọng rất nhỏ.

Theo xu thế phát triển chung, sẽ có những nhà đầu tư cá nhân dần chuyển dịch sang hình thức ủy thác đầu tư cho các tổ chức chuyên nghiệp để giúp tiết kiệm thời gian, được hưởng quy trình đầu tư và kiểm soát rủi ro chặt chẽ để mang lại lợi nhuận dài hạn bền vững.

Sự phát triển của các sản phẩm đầu tư từ các tổ chức chuyên nghiệp cũng ngày càng đa dạng hơn, như các quỹ mở, bảo hiểm liên kết đầu tư, hay tương lai là quỹ hưu trí tự nguyện cũng giúp dòng tiền đổ vào kênh đầu tư chứng khoán ngày càng bền vững hơn.

Thứ hai, việc cải thiện hành lang pháp lý và thanh lọc thị trường cũng giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong dài hạn. Những động thái gần đây của nhà điều hành tuy có thể gây ra những biến động ngắn hạn nhưng về lâu dài đã giúp lành mạnh hóa thị trường, biến chứng khoán trở thành một kênh đầu tư thực sự, nơi mà những người tham gia thị trường biết cân nhắc rõ ràng giữa lợi nhuận và rủi ro.

Việc lành mạnh hóa thị trường cũng củng cố thêm niềm tin của những nhà đầu tư nước ngoài, bằng chứng là trong giai đoạn sụt giảm gần đây của thị trường, họ đã quay trở lại mua ròng mạnh mẽ.

Ông Đỗ Thanh Phong, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng khá nóng trong giai đoạn 2020 - 2021 và đạt đỉnh ở 1.528 điểm vào tháng 4/2022. Trước nhiều thách thức đối với nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, dòng tiền của cả khối nội và khối ngoại đều có xu hướng rút ra khỏi thị trường khiến thanh khoản thị trường trở nên eo hẹp hơn.

Với tình hình hiện tại, trong những tháng còn lại của năm 2022, VN-Index nhiều khả năng vẫn sẽ ghi nhận những nhịp rung lắc mạnh. Dù chắc chắn sẽ vẫn có sự phân hóa ở mức nhất định giữa các cổ phiếu nhưng chưa thể kỳ vọng thị trường sẽ sớm tạo đáy trung hạn để bước vào nhịp tăng mới.

Trong những phần còn lại của năm 2022, chúng tôi cho rằng, VN-Index gần như không thể quay lại được mức cao nhất đã đạt được vào tháng 4/2022.

Hiện tại, vùng 900 - 950 điểm vẫn đang là vùng điểm số hỗ trợ gần nhất của chỉ số VN-Index và chúng tôi không kỳ vọng khả năng chỉ số này rơi xuống dưới mức này mà cho rằng, chỉ số sẽ dao động trong vùng 900 - 1.000 điểm trong quý IV.

Trong bối cảnh hiện tại, cổ phiếu thuộc các ngành có tính chất “phòng thủ” với kết quả kinh doanh ít phụ thuộc hơn vào chu kỳ kinh tế so với các ngành khác nhiều khả năng cũng sẽ ít chịu tác động tiêu cực trong viễn cảnh các nền kinh tế lớn và cũng là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đối diện với nguy cơ suy thoái kinh tế trong năm 2023.

Mặt khác, đây đều là các nhóm ngành đã có sự phục hồi nhất định từ giữa năm 2022 sau khi Việt Nam kết thúc giai đoạn giãn cách xã hội.

Trong bối cảnh hiện tại, chúng tôi cho rằng, những cổ phiếu như vậy sẽ nghiêng nhiều hơn về nhóm vận tải, công nghệ thông tin và viễn thông, một số cổ phiếu ngân hàng có quản trị rủi ro cũng như chất lượng tài sản tốt và các ngành tiện ích như thủy điện, nhiệt điện, cấp nước…

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu có dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh duy trì ổn định và có tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt so với giá thị trường cổ phiếu cao hơn so với lãi suất tiết kiệm. Đây thường sẽ là các doanh nghiệp có yếu tố nhà nước và dùng một tỷ lệ lớn lợi nhuận sau thuế hàng năm để chi trả cổ tức bằng tiền mặt.

Ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Vietinbank

Dòng tiền hiện nay vẫn cạn kiệt do tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định trở lại sau giai đoạn thị trường biến động mạnh. Mặc dù giá cổ phiếu đã giảm sâu so với trước, nhưng trong bối cảnh lạm phát toàn cầu biến động phức tạp, rủi ro suy thoái kinh tế thế giới ngày càng hiện hữu, lãi suất trong nước tăng, sẽ cần thêm thời gian để thị trường tạo đáy vững chắc và dòng tiền gia tăng trên diện rộng. Có thể xem xét chọn lọc các mã cơ bản tốt, định giá hấp dẫn và vẫn duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận tốt.

Nhận diện từ các rủi ro từ bên ngoài (quốc tế), bên trong (nội tại Việt Nam), chúng ta chỉ có thể nắm bắt để đưa ra giải pháp ứng phó phù hợp. Với quyết tâm của Chính phủ, các vấn đề về vĩ mô ở Việt Nam, tôi tin sẽ sớm được giải quyết và ổn định, trái phiếu doanh nghiệp được “khoanh vùng” và xử lý ổn thỏa. Điều này sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.

Ông Trịnh Thanh Cần, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kafi

Hiện tại, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Các ngân hàng trung ương có dấu hiệu giảm tốc độ tăng lãi suất nhưng thế giới vẫn trong chu kỳ tăng lãi suất và siết cung tiền ít nhất đến hết năm 2023.

Vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng bất động sản và các vụ án kinh tế vẫn đang đè nặng tâm lý nhà đầu tư trong nước. Vì vậy, khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục điều chỉnh sâu hơn từ nay đến cuối năm là khá cao.

Hiện tại, thị trường quan tâm đến câu chuyện về thanh khoản, tức là sự gia tăng hay thu hẹp của dòng tiền. Trong khi dòng tiền ở thời điểm hiện tại nhìn chung là thận trọng do tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định trở lại sau trạng thái rất bi quan giai đoạn thị trường giảm mạnh vừa rồi.

Để kích thích dòng tiền quay lại với thị trường một cách bền vững cần cải thiện 3 yếu tố nền tảng trên. Đối với kinh tế vĩ mô, tôi nghĩ Chính phủ đang có những giải pháp phù hợp và tin rằng Việt Nam sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đối với các sản phẩm đầu tư, Chính phủ cần quan tâm xây dựng thêm khung pháp lý, các chính sách ưu đãi và đơn giản hóa thủ tục hành chính để thúc đẩy phát triển các sản phẩm đầu tư trung dài hạn (quỹ hưu trí, trái phiếu doanh nghiệp).

Các thành viên thị trường (công ty chứng khoán, quản lý quỹ) cũng cần quan tâm phát triển các sản phẩm đầu tư tích lũy, hình thành thói quen tích lũy và phát triển dài hạn cho nhà đầu tư. Trong ngắn hạn, tâm lý nhà đầu tư có thể được hỗ trợ bằng các hoạt động truyền thông, thông tin nhanh chóng, kịp thời, minh bạch của chính phủ về các vấn đề nóng trên thị trường.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục