Bất chấp chuỗi ngày dài bán ròng mạnh của nhà đầu tư ngoại, việc kiểm soát tốt dịch bệnh sau 2 tuần cách ly, cùng tác động tích cực từ thị trường quốc tế khi chứng khoán Mỹ với chỉ số DJ phục hồi ấn tượng đã giúp tâm lý nhà đầu tư trong nước hưng phân hơn và dòng tiền nội chảy mạnh, lan tỏa khắp thị trường. Điều này đã giúp VN-Index có chuỗi tăng điểm liên tiếp, vượt qua nhiều khi vực kháng cự ngắn hạn.
Trong hơn nửa đầu tháng 4, có tới 11 phiên tăng và chỉ 1 phiên điều chỉnh nhẹ ngày 10/4. Tính tổng cộng, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 127 điểm, tương ứng tăng 19,18% và kết tuần qua sát mốc 790 điểm.
Theo đánh giá của ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt (VDSC), về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang ở giai đoạn cuối của cú nẩy, sau khi rơi từ sau Tết Nguyên đán. Hướng đi của VN-Index sẽ tùy thuộc vào thông tin mới mà nhà đầu tư tiếp nhận.
Bên cạnh đó, mùa báo cáo tài chính quý I lại đang đến, và với dự báo trước đó rằng có không ít công ty niêm yết bị ảnh hưởng nặng, EPS giảm mạnh, thậm chí âm… và dẫn đến thị trường phải định giá lại. Xét ở góc độ thời gian, có vẻ như việc định giá lại này chính là yếu tố “thông tin mới” nói trên.
Tuy nhiên, ông Lân cho rằng, thị trường vẫn đang khá lạc quan với Covid-19 khi ở Việt Nam mỗi ngày chỉ có 1 ca nhiễm, thậm chí mấy ngày gần đây không có ca nhiễm mới, còn thế giới thì dù nhiều ca nhiễm mới, nhưng thống kê cho thấy mức độ nhiễm mới đang chậm lại, tức là “qua đỉnh”.
Đồng thời, các gói bơm tiền khủng ở các nước phát triển, chưa rõ hiệu quả đến đâu nhưng cũng đã tác động tích cực giúp chứng khoán hồi phục. Nếu có thêm thông tin vắc xin chính thức thì có khi tăng mạnh.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VIS) cũng thận trọng cho rằng, xu hướng tăng có thể kéo dài thêm một đoạn nữa cho đến sát vùng kháng cự tâm lý 800 trong tuần tới. Sẽ có nhiều rung lắc quanh vùng này là đây là lúc nhà đầu tư mới cần cân nhắc điều chỉnh danh mục về hướng an toàn hơn.
Không nằm ngoài dự đoán trên, thị trường đã tiếp tục tiến bước trong phiên giao dịch sáng đầu tuần 20/4. Lực cầu vẫn lan tỏa cùng sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip, chỉ số VN-Index đã tăng gần 8 điểm và tiệm cận vùng giá 800 điểm.
Tuy nhiên, đây là vùng kháng cự khá mạnh, VN-Index đã nhanh chóng rớt giá khi chưa chạm được mốc điểm này.
Áp lực bán xuất hiện sau khoảng 20 phút giao dịch và ngày càng dâng cao khiến thị trường thu hẹp biên độ. Chỉ số VN-Index đã thủng mốc tham chiếu sau gần 1 giờ giao dịch, trong đó nhóm cổ phiếu bluechip gia tăng sức ép khi phần lớn đã chuyển đỏ.
Tuy nhiên, lực bán không quá mạnh nên biên độ giảm không quá sâu và với tâm lý nhà đầu tư khá tích cực, dòng tiền bắt đáy đã nhanh chóng nhập cuộc giúp thị trường bật ngược đi lên.
Tâm điểm đáng chú ý của thị trường là cặp đôi lớn cổ phiếu bia vẫn tăng tốc và nối dài “chuỗi ngày vui”. Cụ thể, SAB và BHN biến động quanh mức tăng 5%, trong đó SAB ghi nhận phiên tăng thứ 12/13 liên tiếp, còn BHN cũng đã tăng mạnh mẽ 7 phiên liên tiếp.
Mặc dù áo lực bán chốt lời gia tăng khiến thị trường rung lắc nhưng với dòng tiền chảy mạnh, VN-Index đã tiếp tục tăng tốc về cuối phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 201 mã tăng và 144 mã giảm, VN-Index tăng 5,55 điểm (+0,7%) lên 795,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 197,45 triệu đơn vị, giá trị 2.790,97 tỷ đồng, tăng 12,32% về khối lượng và 1,43% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (17/4). Giao dịch thỏa thuận đóng góp 13,57 triệu đơn vị, giá trị 247,9 tỷ đồng.
Nhóm Vn30 diễn biến phân hóa khi có 13 mã tăng và 14 mã giảm, trong đó đáng kể VNM +1% lên 100.300 đồng/CP, VCB +1,3% lên 72.300 đồng/CP, PLX +4,6% lên 43.300 đồng/CP, HPG +1,9% lên 21.100 đồng/CP, MWG +2,9% lên 84.400 đồng/CP, SAB +5% lên 173.600 đồng/CP.
Trong khi đó, nhiều mã ngân hàng đã đảo chiều giảm nhưng với biên độ khá hẹp như TCB, BID, MBB, VPB, STB, hay các mã BVH, MSN, VIC, VRE, NVL cũng chỉ giảm trên dưới 1%.
Đáng chú ý, dòng tiền đầu cơ chảy khá mạnh. Trong đó, cổ phiếu ITA để mất sắc tím trước sức ép cung ngoại nhưng vẫn tăng mạnh 6,4%, chốt phiên tại mức giá 2.340 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt 19,36 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, hàng loạt mã vừa và nhỏ khác như PVT, DXG, DRH, OGC, SGT, SJF, TNT chốt phiên trong sắc tím.
Phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu phân bón đã tăng mạnh, cụ thể, DPM, BFC, DCM đều tăng trần, cùng LAS trên sàn HNX +6,8% lên sát mức giá trần 6.300 đồng/CP. Trong đó, DPM và DCM có lượng khớp lệnh tương ứng 3,82 triệu đơn vị và gần 2,2 triệu đơn vị, cùng dư mua trần hơn 0,6 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sau nhịp khởi sắc đầu phiên, thị trường đã quay đầu điều chỉnh do áp lực bán chốt lời gia tăng.
Chốt phiên, sàn HNX có 52 mã tăng và 44 mã giảm, HNX-Index giảm 0,06 điểm (-0,05%), xuống 110,4 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 43,87 triệu đơn vị, giá trị gần 318 tỷ đồng, tăng 39,58% về lượng và đạt xấp xỉ về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,68 triệu đơn vị, giá trị 32,5 tỷ đồng.
Trong nhóm HNX30 có 3 mã duy trì sắc tím là PVB, HUT và KLF, trong đó HUT tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với 8,73 triệu đơn vị và dư mua trần 1,93 triệu đơn vị, còn KLF khớp 3,67 triệu đơn vị và dư mua trần gần 6,5 triệu đơn vị.
Ngoài ra, DGC +6,1% lên 25.900 đồng/Cp, CEO +1,4% lên 7.200 đồng/CP, SHS +3,4% lên 9.200 đồng/CP…
Cổ phiếu PVS rung lắc và chỉ còn nhích nhẹ 0,8%, chốt phiên tại mức giá 12.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 4,63 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản sau HUT.
Trái lại, nhiều mã vốn hóa lớn đang giao dịch dưới mốc tham chiếu dù biên độ giảm không quá lớn nhưng cũng tác động thiếu tích cực tới thị trường như ACB, SHB, VCG, VCS, PVI, NVB.
Trên UPCoM, đà tăng được duy trì trong suốt cả phiên sáng nhờ sự hỗ trợ khá tích cực từ nhiều mã lớn.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,54 điểm (+1,03%), lên 52,7 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 16,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 160 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 0,8 triệu đơn vị, giá trị 19,19 tỷ đồng.
Điêm tựa thị trường đến từ các mã như BSR +4,8% lên 6.500 đồng/CP, ACV +5,2% lên 58.600 đồng/CP, VEA +0,9% lên 35.500 đồng/CP, MSR +1,3% lên 15.600 đồng/CP, VIB +1,4% lên 15.000 đồng/CP…
Trong đó, BSR dẫn đầu thanh khoản với 5,17 triệu đơn vị được giao dịch thành công. Đứng thứ 2 là OIL có khối lượng giao dịch đạt 2,92 triệu đơn vị và chốt phiên +14% lên mức giá trần 8.100 đồng/CP.