Trái với những lo ngại thị trường quay đầu điều chỉnh, tuần qua, thị trường tiếp tục ghi nhận những diễn biến tích cực và chỉ số VN-Index đang dần tiệm cận về 790 điểm. Trong tuần tới, thị trường có tiếp tục bảo toàn đà tăng điểm hay chuyển hướng theo một kịch bản khác, theo các ông?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt (VDSC)
Về mặt kỹ thuật, tôi nghĩ VN-Index đang ở giai đoạn cuối của cú nẩy, sau khi rơi từ sau Tết. Hướng đi của VN-Index sẽ tùy thuộc vào thông tin mới mà nhà đầu tư tiếp nhận.
Mùa BCTC quý I lại đang đến, và với dự báo trước đó rằng có không ít công ty niêm yết bị ảnh hưởng nặng, EPS giảm mạnh, thậm chí âm… và dẫn đến thị trường phải định giá lại. Xét ở góc độ thời gian, có vẻ như việc định giá lại này chính là yếu tố “thông tin mới” nói trên.
Tuy nhiên, suy luận như vậy tôi nghĩ cũng chỉ mang lại cảm giác 50:50. Thị trường vẫn đang khá lạc quan với Covid-19 khi ở Việt Nam mỗi ngày chỉ có 1 ca nhiễm, thậm chí 3 ngày qua không có ca nhiễm mới, còn thế giới thì dù nhiều ca nhiễm mới, nhưng thống kê cho thấy mức độ nhiễm mới đang chậm lại, tức là “qua đỉnh”.
Đó là chưa nói đến các gói bơm tiền khủng ở các nước phát triển, chưa rõ hiệu quả ra sao nhưng chứng khoán họ cũng đang hồi vì điều đó thôi. Nếu có thông tin vắc xin chính thức đại trà nữa thì có khi tăng mạnh. Cá nhân tôi nghiêng theo hướng tiếp tục đà phục hồi.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)
Nhìn lại khủng hoảng 2008, VN-Index cũng đã có nhịp hồi phục 200 điểm kéo dài trong 2 tháng. Tuy nhiên, với bối cảnh hiện tại, cả mức độ và độ dài của nhịp hồi phục lần này đều cao hơn những dự báo ban đầu, do vậy nhà đầu tư cần lưu ý vấn đề quản trị rủi ro ngắn hạn. Bởi tôi đánh giá xu thế ngắn hạn sẽ sớm xảy ra 2 khả năng: nếu tiêu cực, thị trường quay đầu kết thúc nhịp hồi phục; nếu tích cực, thị trường cũng sẽ bước vào nhịp điều chỉnh trước khi lên tiếp.
Do vậy, trong tuần tới, đặc biệt khi chỉ số đã bước vào vùng kháng cự mạnh 790-795 điểm, hoạt động chốt lời cùng sự rung lắc sẽ diễn ra mạnh, đồng nghĩa VN-Index nhiều khả năng sẽ phải đối diện với áp lực giảm điểm.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Mức độ lạc quan của thị trường đang dâng lên rất cao trong tuần lễ vừa qua nhờ vào việc Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh sau 2 tuần cách ly và một nguyên nhân khác là thị trường Mỹ với chỉ số DJ vẫn phục hồi khá ấn tượng lên lại trên 24 ngàn điểm.
Sự lan tỏa đều của dòng tiền đến từ nhiều nhóm cổ phiếu khác nhau tạo bức tranh giao dịch sôi động và nhiều màu sắc. Đó là yếu tố quan trọng giúp nhà đầu tư liên tục hoán đổi danh mục để gia tăng biên lợi nhuận. Quan sát trong tháng vừa qua, khá nhiều tài khoản mới đã được kích hoạt trở lại và lớp nhà đầu tư mới lẫn nhà đầu tư cũ đang đổ tiền vào thị trường.
Tôi cho rằng, xu hướng tăng có thể kéo dài thêm một đoạn nữa cho đến sát vùng kháng cự tâm lý 800 trong tuần tới. Sẽ có nhiều rung lắc quanh vùng này là đây là lúc nhà đầu tư mới cần cân nhắc điều chỉnh danh mục về hướng an toàn hơn.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Ông Vũ Minh Đức
Sự mạnh lên của lực cầu nội trong 2 tuần vừa qua là hết sức ấn tượng khi giúp VN-Index có chuỗi tăng điểm gần như liên tiếp, vượt qua nhiều khu vực kháng cự ngắn hạn. Tuy nhiên, vùng 800-810 điểm theo chúng tôi là một kháng cự mang tính chất trung hạn, và là một thách thức không nhỏ với lực cầu. Sự điều chỉnh theo tôi có thể sẽ diễn ra tại đây.
Thống kê từ CTCK BSC cho thấy, trong tuần qua, nhóm vốn hóa lớn (largecap) tăng 6,72%, nhóm vốn hóa trung bình (smallcap) tăng 4,31%, nhóm vốn hóa nhỏ (smallcap) tăng 5,96%, nhóm vốn hóa nhỏ - đầu cơ (penny) tăng 2,53%, VN30 tăng 7,17%. Thậm chí, nhiều cổ phiếu còn ghi nhận mức tăng 30% chỉ trong 1-2 tuần. Áp lực chốt lãi tiếp tục được dự báo trong tuần tới, điều này có tác động đến thị trường không?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt (VDSC)
Tôi nghĩ việc so sánh tăng giá trong 1 tuần qua là không đủ, mà phải nhìn ít nhất 2 tuần, khi VN-ndex hồi từ cuối tháng 3, hàng trăm mã đã hồi mạnh, thậm chí thị giá bây giờ còn cao hơn thời điểm trước khi “có dịch” (22/01/2020), như vậy tự suy là ra là có áp lực chốt lãi. Tuy nhiên, áp lực đó có làm thay đổi xu hướng hồi của VN-Index hay không thì hơi khó dự báo.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)
Không chỉ có vậy, trong nhịp hồi phục mạnh diễn ra trong gần 3 tuần qua, thị trường cũng đã chứng kiến rất nhiều cổ phiếu ghi nhận mức tăng trên 30%, thậm chí có những cổ phiếu tăng trên 50%, do đó việc nhà đầu tư ngắn hạn chốt lời là khó tránh khỏi và là thử thách đáng kể với đà tăng điểm của thị trường.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Bức tranh thị trường hiện tại là hai hình ảnh đối lập nhau rất rõ rệt. Một mặt là sự lo lắng, hoài nghi trong khi mặt kia lại tham lam không thể kìm nén khi thị trường bùng nổ.
Có nhiều cổ phiếu khối ngoại bán ra liên tục ròng rã nhưng tiền vẫn vào nhiều và cổ phiếu vẫn tăng giá. Nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn ngay trong thời điểm hiện tại và thậm chí để hồi phục có thể mất thời gian khá lâu 1,2 năm nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng và thậm chí tăng mạnh.
Nhà đầu tư đã mất mát khá nhiều trước đó nhưng rõ ràng là cũng đang kiếm lại kha khá trong đợt này. Dĩ nhiên với nhiều cổ phiếu phục hồi từ vùng đáy từ 30% trở lên thì khả năng điều chỉnh càng cao hơn.
Theo tính toán của tôi, khoảng cách giá cổ phiếu trung bình so với đỉnh hồi đầu năm còn thấp hơn khoảng 30%. Bối cảnh vĩ mô năm nay rất khác so với dự báo trước đó vì vậy mức điều chỉnh của thị trường như hiện tại là phù hợp. Chỉ số VN-Index đang ở độ dốc khá cao vì vậy áp lực điều chỉnh sẽ càng lớn hơn.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Thị trường hồi phục khá mạnh trên diện rộng trong thời gian ngắn và tạo ra tỷ suất sinh lời ngắn hạn hấp dẫn với nhà đầu tư bắt đáy. Vì thế, áp lực chốt lãi là cao khi thị trường bộc lộ dấu hiệu suy yếu.
Có một điều đang lưu ý là trong khi khối nội khá hồ hởi với thị trường thì diễn biến bán ròng với khối lượng lớn bất chấp lỗ của khối ngoại. Điều này có đáng lo ngại, theo các ông?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt (VDSC)
VN-Index hồi từ cuối tháng 3 đến nay nhưng khối ngoại vẫn chưa có phiên mua ròng nào trên HOSE (sàn giao dịch chính của họ), tôi nghĩ đó cũng là điều khá lo ngại. Về ngắn hạn, việc bán ròng có lẽ không khiến nhà đầu tư nội sợ hãi như từng xảy ra trong tháng 3, nhưng bất chấp cả những ý kiến lạc quan của nhiều chuyên gia bên quỹ được trích dẫn, thì tôi vẫn chưa thấy quỹ ngoại tăng mua đáng kể (lưu ý “Mua” khác “Mua ròng”).
Trong tháng 4 này trên HOSE, khối ngoại mua bình quân khoảng 400-550 tỷ đồng/phiên, khá ổn định nhưng chưa thấy dấu hiệu tăng mạnh. Phải chăng khối ngoại vẫn đang lo ngại về 1 đợt suy thoái kinh tế thế giới hậu Covid-19, như đang được trích dẫn trên các trang web tài chính quốc tế? Đó là điều tôi nghĩ cần theo dõi thêm.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)
Trước những tác động bất ngờ, tiêu cực và khó lường từ dịch bệnh, TTCK toàn cầu cũng đã trải qua nhiều thời điểm lao dốc, điều này khiến các quỹ đầu tư nước ngoài gần như bắt buộc phải cắt giảm giá trị danh mục đầu tư (đặc biệt tại những TTCK nhỏ như Việt Nam) để đảm bảo quản trị rủi ro, hoạt động này vốn thường diễn ra trong thời gian dài do vấn đề quy mô và thanh khoản của TTCK Việt Nam còn thấp.
Ông Dương Hoàng Linh
Bên cạnh yếu tố nền tảng kinh tế xã hội còn bị tác động kéo dài bởi dịch bệnh, điều này theo tôi khá đáng lo ngại, bởi với giá trị rút ròng rất lớn của khối ngoại như trong thời gian qua (và dự báo sẽ còn tiếp diễn), không dễ để dòng tiền trên thị trường có thể tìm được sự cân bằng, ngay cả khi được bù đắp phần nào bởi nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường gần đây.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Ngoài các quỹ đầu tư dài hạn thì hiện tại trên thị trường hình thành nhiều quỹ ETF với mức độ co giãn dòng tiền rất lớn tùy thuộc vào tình hình biến động thị trường thế giới. Nhiều dòng tiền quỹ lớn đang chuyển hướng sang các rổ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp để có độ an toàn cao hơn, vì vậy dẫn đến việc khối ngoại rút ròng mạnh trong thời gian vừa qua không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều thị trường quốc tế khác.
Việt Nam có lợi thế là đang kiểm soát tốt dịch bệnh và kỳ vọng các nhịp kinh tế có thể quay trở lại bình thường trong 2 – 3 tháng tới. Khi giá cổ phiếu đủ rẻ và doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì tất nhiên sẽ thu hút lại dòng tiền mới đầu tư trở lại.
Điểm nổi bật hiện nay là dòng tiền trong nước đã cân lại khá tốt và thậm chí mua nhiều hơn lượng nước ngoài bán ra do sự kỳ vọng phục hồi kinh tế đến sớm hơn. Về ngắn hạn cũng không có gì đáng lo ngại lắm vì áp lực bán ra của khối ngoại đang chậm dần và một số dòng tiền mới đang tích lũy cổ phiếu trở lại.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Khối ngoại liên tiếp bán ròng phần nào phản ánh sự quan ngại của họ với nên tảng cơ bản của danh mục họ nắm giữ trong bối cảnh chịu tác động từ đại dịch Covid 19. Những số liệu này chưa thực sự hé lộ và sẽ đến lúc nó sẽ góp phần hiệu chỉnh lại đà hồi phục hiện tại.
Nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán đã ghi nhận giao dịch tích cực trong tuần qua. Đã có những khuyến nghị đối với nhà đầu tư như trong ngắn hạn, hạn chế mua đuổi cổ phiếu giá cao và nên tận dụng nhịp tăng điểm này để chốt lời những cổ phiếu đã đạt mục tiêu lợi nhuận. Quan điểm của các ông? Ở thời điểm này, nhóm cổ phiếu nào còn cơ hội tăng trưởng?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt (VDSC)
Không chỉ nhóm bất động sản hay chứng khoán, thống kê của tôi cho thấy hầu hết nhóm ngành đều có diễn biến tích cực trong tuần qua, điều này hẳn nhiên khiến mọi nhà đầu tư đều vui mừng. Tuy nhiên, khuyến nghị mà quý báo trích dẫn có lẽ sẽ khiến nhiều người lo lắng. Tại sao phải chốt lời, thị trường sắp tới xấu hay sao…?
Khuyến nghị kiểu đó hẳn nhiên dành cho các traders, những người ưa thích giao dịch ngắn hạn, nhưng không phải ai cũng “chơi” chuyên nghiệp. Tôi dám chắc đến lúc này vẫn có nhiều người mắc kẹt do bắt đáy sớm, không có gan cắt lỗ, và đến giờ đang vui mừng vì cổ phiếu tăng tới… điểm hòa vốn.
Ông Hoàng Thạch Lân
Nói chung, khuyến nghị mua bán ngắn hạn phải tùy vào loại khách hàng, tôi tin cái đó nhiều môi giới lẫn chuyên gia phân tích đang làm tốt, nhưng ở góc độ báo chí, loại khuyến nghị chung chung kiểu như vậy lúc này không phù hợp. Thị trường vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lẫn các thông tin chứng khoán thế giới, nhưng không còn ở mức rủi ro hệ thống cao, kiểu như cách đây 2 tháng để tất cả cùng chạy theo 1 hướng.
Do đó, tôi nghĩ lúc này hãy để các nhà đầu tư nói chuyện riêng với môi giới hay chuyên gia phân tích của họ. Điều mà tôi nghĩ lúc này là liệu còn có nhóm nào có cơ hội tăng trưởng hay không? Tôi nghĩ là có, ví dụ như ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ thực phẩm hay 1 số nhóm ngành khác được đánh giá chịu ít tác động từ dịch Covid-19.
Chứng khoán đang đi đến giai đoạn phản ánh kết quả kinh doanh quý 1 năm nay, sẽ có nhóm cho thấy chịu ít tác động, hoặc tác động chưa tới (ví dụ những nhóm có kết quả theo backlog), nhưng cũng có nhóm sẽ cho thấy họ ngược lại được lợi... Ngân hàng được cho là sẽ phải giảm lợi nhuận để chia sẻ “nỗi đau” với khách hàng của mình, nhưng tôi tin là tác động đó chưa hề phản ánh lên quý 1.
Chứng khoán vốn là nhóm thiệt thòi, vì quan điểm “nước rút tụt quần”, trong khi thực tế lại chỉ ra trong đợt dịch Covid-19 này, thanh khoản giao dịch lại không hề giảm. Bán lẻ thực phẩm thì dĩ nhiên chịu tác động trực tiếp từ dịch Covid-19, nhưng giá cổ phiếu cũng giảm quá mạnh, và sau đợt giãn cách này, với việc được mở cửa kinh doanh trở lại, người dân được ra ngoài mua hàng trở lại, thì cho dù năng lực kinh doanh chỉ dự báo phục hồi chừng ba bốn chục phần trăm nhưng đó cũng là tin tốt cho doanh nghiệp và cho cổ phiếu rồi.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)
Nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán giao dịch tích cực bởi vì đây cũng là nhóm cổ phiếu trước đó bị giảm sâu và mạnh nhất. Tất nhiên, với quan điểm thị trường sẽ sớm phải đối diện với áp lực giảm điểm ngắn hạn như tôi đã nói, không chỉ hạn chế mua đuổi, nhà đầu tư cũng cần tránh gia tăng tỷ trọng cổ phiếu ở thời điểm hiện tại.
Trong mọi trạng thái thị trường, luôn xuất hiện những cơ hội đầu tư ngắn hạn, đặc biệt như một số cổ phiếu mid-cap có nền tảng tốt và thông tin hỗ trợ vừa qua (tiêu biểu là DBC).
Tuy nhiên, việc tìm kiếm được những cơ hội như vậy là không hề dễ dàng, và cũng không nên cố gắng thực hiện điều đó khi thị trường đã trải qua 1 hành trình hồi phục tương đối dài! Thay vào đó, hãy quan sát và đánh giá cẩn thận xu thế chung trong nhịp điều chỉnh sắp tới, liệu thị trường đã thực sự bước qua đáy chưa, hay vẫn chỉ là một nhịp hồi phục trong xu thế giảm?
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Ông Nguyễn Hồng Khanh
Thị trường giao dịch mạnh thì điều nhà đầu tư nghĩ đến là nhóm công ty chứng khoán sẽ được hưởng lợi. Với mức độ giao dịch như hiện tại thì có thể cả mảng môi giới lẫn tự doanh của nhiều công ty chứng khoán sẽ có bức tranh sáng sủa hơn trong quý II.
Khi kinh tế trở lại chu kỳ sản xuất nhà đầu tư lưu ý nhóm cổ phiếu sản xuất, tài chính, tiêu dùng thiếu yếu, bất động sản, xây dựng, và đặc biệt tôi quan tâm nhóm cổ phiếu ngành khu công nghiệp sẽ là điểm sáng trở lại khi một lớp nhà đầu tư FDI mới sẽ hình thành trong thời gian tới. Những công ty có nền tảng cơ bản bền vững ít nợ vay sẽ an toàn hơn so với phần còn lại.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Tôi cũng cho rằng việc mua mới ở thời điểm hiện tại có nhiều rủi ro cho ngắn hạn. Nhà đầu tư nên ưu tiên việc nắm giữ chờ bán ra khi VN-Index có sự suy yếu, nhất là tại các kháng cự mạnh.