Giao dịch chứng khoán sáng 19/4: Thị trường chưa "cầm máu", VN-Index tiếp tục bay hơn 20 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng trên diện rộng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, với tất cả các nhóm ngành đều mất điểm và chỉ số VN-Index bay hơn 20 điểm, chính thức thủng mốc 1.170 điểm.
Giao dịch chứng khoán sáng 19/4: Thị trường chưa "cầm máu", VN-Index tiếp tục bay hơn 20 điểm

Phiên lao dốc mạnh mẽ ngày 15/4 đã khiến thị trường chuyển qua trạng thái tiêu cực hơn và niềm tin về ngưỡng hỗ trợ mạnh 1.200 điểm dường như cũng trở nên mong manh hơn. Và điều gì đến rồi sẽ đến. Phiên giao dịch ngày 17/4, thị trường tiếp tục chìm trong biển đỏ và chỉ số VN-Index đã chính thức chia tay vùng giá trên.

Thị trường khép lại phiên giao dịch trước ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương (ngày 10/3 âm lịch, tức ngày 18/4 dương lịch) với nến đỏ giảm mạnh cùng dòng tiền yếu và lực bán có xu hướng gia tăng. Về kỹ thuật, các chỉ số đồng loạt hướng xuống và chưa có dấu hiệu tạo đáy, cho thấy VN-Index vẫn sẽ tiếp tục quán tính giảm điểm. Nếu áp lực bán tiếp tục gia tăng khiến thị trường đánh mất mốc 1.190 điểm, thì ngưỡng hỗ trợ gần nhất sẽ quanh khu vực 1.175 điểm, tương ứng với đường trung bình động MA200.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng cuối tuần ngày 19/4, lực bán vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Gam màu đỏ vẫn là chủ đạo trên bảng điện tử và chỉ số VN-Index tiếp tục chứng kiến màn giảm sâu.

Sau khoảng 90 phút mở cửa, trên sàn HOSE, số mã giảm điểm đang gấp tới 5 lần số mã tăng và nhóm VN30 cũng không mấy khả quan khi biến động quanh mốc 1.200 điểm. Chỉ số VN-Index bật hồi đôi chút sau khi xuyên thủng mốc 1.175 điểm và hiện đang dao động quanh mức giá 1.180 điểm.

Hiện chỉ còn 3 nhóm cổ phiếu là khai khoáng, bảo hiểm và vật liệu xây dựng giữ được sắc xanh với mức tăng đều chưa tới 0,5%.

Nhóm trụ cột ngân hàng không giảm quá sâu nhưng sắc đỏ cũng bao phủ gần như toàn ngành, ngoại trừ MSB may mắn tăng nhẹ chưa tới 0,5% và tích cực hơn là SHB tăng 1,8% với thanh khoản thuộc top 3 khi có gần 12,3 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong bối cảnh thị trường chung chìm trong sắc đỏ và giao dịch kém khả quan ở nhóm bluechip, ở nhóm vừa và nhỏ, một vài mã vẫn ngược dòng tỏa sáng, như PSH và QCG tiếp tục khoe sắc tím và trong bối cảnh dư mua trần lớn. Trong đó, QCG đứng tại mức giá trần 17.850 đồng/CP, đây cũng là mức giá cao nhất trong gần 7 năm qua của cổ phiếu này.

Mặc dù thanh khoản tăng mạnh, nhưng trong bối cảnh áp lực bán lớn trên diện rộng, đã khiến VN-Index tiếp tục giảm sâu và mất mốc 1.170 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 42 mã tăng và 447 mã giảm (11 mã giảm sàn, VN-Index giảm 23,08 điểm (-1,93%), xuống 1.169,93 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 522,9 triệu đơn vị, giá trị hơn 11.647 tỷ đồng, tăng mạnh 89,94% về khối lượng và 98,63% về giá trị so với phiên sáng trước đó ngày 17/4. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 9,72 triệu đơn vị, giá trị hơn 355 tỷ đồng.

Nhóm VN30 vẫn chỉ còn duy nhất SHB giữ được sắc xanh với mức tăng thu hẹp, đạt 0,5%, tạm đứng tại mức giá 11.150 đồng/CP và thanh khoản đứng ở vị trí thứ 4 toàn thị trường với hơn 19,71 triệu đơn vị; còn lại 29 mã giảm, trong đó BCM giảm sâu nhất là 5%, tiếp theo là VIC giảm 3,8%, SSI giảm 3,5%, CTG giảm 3,4%... Chốt phiên, chỉ số nhóm này cũng để mất hơn 20 điểm và lùi về mức 1.190 điểm.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi QCG đã mất sắc tím và đóng cửa tăng 3,9% lên mức 17.350 đồng/CP, thì cặp đôi nhỏ còn lại là PSH và QBS vẫn trong trạng thái dư mua trần trên 1 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, toàn thị trường không còn nhóm cổ phiếu nào giữ được sắc xanh. Trong đó, nhóm chứng khoán vươn lên top giảm mạnh và đã xuất hiện một số mã trong top vừa và nhỏ là AGR và APG chốt phiên ở mức giá sàn, bên cạnh BSI, CTS, VDS giảm hơn 6%, cùng hàng loạt mã khác trong ngành giảm trong biên độ 4-6%. Cổ phiếu VIX chốt phiên giảm 5% và là mã có thanh khoản lớn nhất thị trường, đạt 24,34 triệu đơn vị; trong khi SSI giảm 3,5% và khớp hơn 15 triệu đơn vị…

Nhóm bảo hiểm và khai khoáng đều đảo chiều giảm nhưng là các nhóm ngành giảm ít nhất thị trường khi chỉ mất trên dưới 0,5%.

Trên sàn HNX, thị trường chứng kiến thêm phiên giao dịch tiêu cực khi số mã giảm điểm chiếm áp đảo và chỉ số chung mất mốc 220 điểm.

Chốt phiên, sàn HNX có 34 mã tăng và 145 mã giảm, HNX-Index giảm 6,44 điểm (-2,85%), xuống 219,75 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 69,73 triệu đơn vị, giá trị 1.392,84 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,2 triệu đơn vị, giá trị 33,98 tỷ đồng.

Cặp đôi cổ phiếu họ P là PVS và PVC vẫn còn giữ chút sắc xanh trong bối cảnh thị trường chung chịu áp lực bán mạnh. Trong đó, PVS tăng 0,3% và khớp 5,41 triệu đơn vị, còn PVS tăng 0,7% và khớp 1,83 triệu đơn vị.

Trong khi đó, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng đua nhau giảm sâu, thậm chí SHS có thời điểm nằm sàn và chốt phiên giảm 7% xuống mức 17.300 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 26,54 triệu đơn vị; MBS giảm 5,2% xuống mức giá thấp nhất phiên 25.600 đồng/Cp và khớp 3,91 triệu đơn vị…

Ngoại trừ cặp đôi PVC và PVS xanh nhạt, còn lại hàng loạt mã khác trong nhóm HNX30 cũng giảm mạnh, thậm chí LAS nằm sàn với khối lượng dư bán sàn gần 1,2 triệu đơn vị, CEO, HUT, VIG đều giảm 5,8%...

Trên UPCoM, thị trường cũng nới rộng đà giảm về vùng giá thấp nhất khi tạm dừng phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 1,1 điểm (-1,25%), xuống 87,05 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 31,57 triệu đơn vị, giá trị 295,54 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,1 triệu đơn vị, giá trị 59,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR chốt phiên giảm 2,2% xuống mức 18.200 đồng/CP với giao dịch lớn nhất thị trường, đạt 5,32 triệu đơn vị.

Điểm sáng là AAH có thời điểm tăng trần và chốt phiên tăng 10,8% lên mức 4.100 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt 1,78 triệu đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục