Tại Hội thảo khoa học "Giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam" sáng 16/4, ông Ketut Kusuma, chuyên gia World Bank, đánh giá thị trường vốn Việt Nam đã bắt kịp các quốc gia đồng đẳng. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa phát triển thành nguồn cung quan trọng mặc dù có tiềm năng to lớn.
“Thị trường duy trì đà tăng trưởng đều đặn và có sự bứt phá trong 2021, tuy nhiên sau đó lại sụt giảm nhanh chóng khiến thị trường bị ảnh hưởng nặng nề”, ông Ketut Kusuma nhận xét và khẳng định trong phần thuyết trình của mình “Việt Nam nên ở đẳng cấp khác”.
Các quỹ được MSCI khuyến nghị phân bổ khoảng 30% cho thị trường Việt Nam trong thị trường cận biên. Nếu Việt Nam được nâng hạng vào thị trường mới nổi thì quy mô của hạng này là 6.800 tỷ USD và chỉ cần 1% Việt Nam đã có 68 tỷ USD vào thị trường. Thông thường, dòng tiền sẽ vào thị trường trước khi công bố nâng hạng, giống như các thực trạng đã diễn ra ở Pakistan, Ả Rập Xê Út hay Kuwait.
Nếu đáp ứng chuẩn của FTSE Russell, Việt Nam có thể đón dòng vốn 25 tỷ USD, theo nhận định của chuyên gia WorldBank.
Trên thực tế, con đường nâng hạng lên thị trường mới nổi của TTCK Việt Nam rất dài. Năm 2018, FTSE Russell đã đưa TTCK Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng hai và đến kỳ đánh giá tháng 3/2024 tổ chức này vẫn giữ Việt Nam trong danh sách chờ nâng hạng. Trong khi đó, trong kỳ đánh giá tháng 6/2023, MSCI vẫn chưa đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng với lý do các tiêu chí không có thay đổi so với kỳ đánh giá một năm trước đó.
Tại hội thảo, vấn đề pre-funding được thảo luận kỹ. Theo ông Dương Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam, phương án gỡ khó đưa ra là tập trung tháo gỡ với nhóm nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giao dịch (10% là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài nhưng chiếm tỷ trọng giao dịch lớn). Nhóm này có tính tuân thủ cao chưa phát sinh mất khả năng thanh toán do chưa thu xếp được nguồn tiền. Do đó, trước tiên tháo gỡ với nhóm nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Nguyên tắc cho phép dựa trên việc công ty chứng khoán đánh giá năng lực, xác định mức ký quỹ để đảm bảo có thể thanh toán vào ngày thanh toán. Nếu đến thời điểm đó, nhà đầu tư nước ngoài không đủ điều kiện nộp, nghĩa vụ thanh toán về khối tự doanh công ty chứng khoán. Chứng khoán nhận về được công ty chứng khoán xử lý để thu hồi tiền đã bỏ ra.
“Thách thức phải xử lý trong trường hợp vào ngày thanh toán, nhà đầu tư không đủ tiền, thời gian để xử lý vấn đề kỹ thuật như chuyển nghĩa vụ thanh toán. Trong trường hợp công ty chứng khoán không thu xếp đủ nguồn tiền cũng sẽ ảnh hưởng an toàn trong hoạt động thanh toán. Để kiểm soát rủi ro, chúng tôi đang xem xét đặt hạn mức giao dịch cho thành viên thị trường.
Công ty chứng khoán cần đảm bảo quy mô giao dịch thực hiện cho nhà đầu tư nước ngoài, năng lực thanh toán của công ty chứng khoán phải đủ để thanh toán thay, trong trường hợp xấu nhất xảy ra. Chúng tôi coi đây là mấu chốt để quản lý rủi ro khi triển khai cơ chế giao dịch mới này”, ông Tuấn cho biết.
Theo Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối phụ trách Luật và Kiểm soát tuân thủ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, xét theo khía cạnh từ CTCK thành viên, cả giải pháp ngắn hạn hay dài hạn đều tạo áp lực về vốn hay việc phải nâng cấp hệ thống khi trách nhiệm và rủi ro từ phía CTCK là rất lớn. Do vậy, cần triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài của các CTCK trên thị trường.
Các CTCK cần bổ sung nguồn lực về vốn. Trách nhiệm thanh toán giao dịch cho nhà đầu tư thuộc về CTCK, do đó, tất yếu các CTCK phải chuẩn bị nguồn lực lớn về vốn để hạn chế rủi ro thanh toán.
Tại Việt Nam, đa số các CTCK đều có kế hoạch tăng vốn trong năm 2024 và 2025, là bước chuẩn bị cho cuộc chơi lớn này. Ngoài ra, các CTCK sẽ phải nâng cấp hệ thống để kết nối trực tuyến với nhà đầu tư nước ngoài nhằm nâng cao năng lực thực thi lệnh.
Quy mô thị trường tăng cao cùng với việc phát triển các sản phẩm cho phép nhà đầu tư tăng vòng quay vốn như short sell, day trading dẫn đến số lượng lệnh giao dịch tăng, đòi hỏi năng lực nhận, xử lý lệnh giao dịch của nhà đầu tư nói chung đối với CTCK trở nên cấp thiết.