Mặc dù dòng tiền vẫn tham gia sôi động nhưng diễn biến rung lắc tại vùng đỉnh đã khiến thị trường đảo chiều giảm và VN-Index kết thúc tuần giao dịch thứ 2 của tháng 9 tạo nến Spinning top, thể hiện sự lưỡng lự và thận trọng của nhà đầu tư. Trong đó, phiên cuối tuần ngày 15/9, hai chỉ báo kỹ thuật quan trọng là MACD và RSI vẫn đang suy yếu và hướng xuống nên chưa thể khẳng định thị trường đã tìm lại được điểm cân bằng ngay trong các phiên tới.
Theo ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích CTCK Sacombank (SBS), thị trường đã xuất hiện những tín hiệu khó khăn trong việc lướt sóng ngắn hạn, chỉ số lại đang chịu áp lực lớn từ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn (đặc biệt nhóm Vingroup), tâm lý chung đang ở trạng thái không mấy tự tin, vì vậy áp lực bán chốt lời cường độ cao hoàn toàn có thể dễ tái diễn trong các phiên sắp tới.
Sự kiện đáng chú ý có thể ảnh hưởng đến thị trường trong tuần này là cuộc họp thường kỳ của Fed vào ngày 19/9 và đáo hạn phái sinh ngày 21/9.
Quay lại diễn biến thị trường phiên giao dịch sáng đầu tuần 18/9, áp lực bán trên diện rộng nhanh chóng trở lại thị trường sau phiên hồi nhẹ nhẹ cuối tuần trước đã khiến VN-Index trở lại trong sắc đỏ.
Lực bán không quá lớn và chủ yếu mang tính chất thăm dò nên VN-Index không giảm quá sâu. Mốc 1.220 điểm vẫn đóng vai trò hỗ trợ khá tốt khi chỉ số chung lùi về gần vùng giá này đã được kích hoạt bật hồi, giúp thị trường tiến gần mốc tham chiếu.
Tuy nhiên, VN-Index chưa kịp hồi phục sắc xanh đã nhanh chóng thoái lui và lần này không thể giữ nổi ngưỡng 1.220 điểm khi áp lực bán dâng cao trên diện rộng thị trường. Sắc đỏ chiếm áp đảo bảng điện tử khi gấp hơn 2 lần số mã tăng, cùng gánh nặng ngày càng lớn từ nhóm cổ phiếu bluechip, đã khiến chỉ số chung mất hơn 10 điểm sau khoảng hơn 1 giờ mở cửa.
Trong nhóm Vn30 chỉ còn 4 mã may mắn giữ được sắc xanh nhưng mức tăng chỉ trên dưới 0,5%, còn lại đều mất điểm với các mã tạo gánh nặng lớn cho thị trường như VCB, VHM, VIC, CTG đều giảm hơn 1%.
Trên thị trường, hầu hết các nhóm cổ phiếu cũng đều mất điểm, ngoại trừ số ít ngược dòng thành công nhưng với mức tăng hạn chế như thủy sản, khai khoáng… Trong đó, điểm sáng là nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng, với tâm điểm là nhóm thép.
Trong bối cảnh thị trường chung tràn ngập sắc đỏ và giao dịch giảm mạnh, bộ 3 cổ phiếu thép vẫn ngược dòng khởi sắc với thanh khoản khá tốt. Hiện HPG đang tăng 1,3% với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt gần 9 triệu đơn vị; cặp HSG và NKG tăng trên dưới 2% và khớp lệnh đều đạt hơn 5 triệu đơn vị; hay trên HNX có VGS dù mở cửa điều chỉnh nhẹ nhưng đã nhanh chóng khởi sắc trở lại và đang tăng 4,4%...
Áp lực bán gia tăng về cuối phiên khiến thị trường tiếp tục nới rộng biên độ giảm, trong đó nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là gánh nặng chính.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 126 mã tăng và 359 mã giảm, VN-Index giảm 12,75 điểm (-1,04%), xuống 1.214,61 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 353,46 triệu đơn vị, giá trị 8.431,6 tỷ đồng, giảm 13,51% về khối lượng và 12,1% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 15/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 30,43 triệu đơn vị, giá trị 953,6 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, nhóm VN30 chỉ còn HPG, SHB, STB may mắn thoát hiểm với mức tăng chỉ trên dưới 0,5%; cùng BVH đứng giá tham chiếu, còn lại các cổ phiếu khác đều chìm trong sắc đỏ.
Thành viên nhà Vingroup là VHM tiếp tục gia tăng sức ép lên chỉ số chung khi chốt phiên giảm sâu nhất rổ VN30, giảm 2,6% xuống mức 49.200 đồng/CP và khớp lệnh hơn 1,96 triệu đơn vị.
Các mã khác trong nhóm giảm sâu có BCM giảm 2,5%, MWG giảm 2,1%, SAB giảm 2%, VIC giảm 1,9%, CTG giảm 1,8%...
Xét về nhóm ngành, với cặp đôi lớn VHM và VIC lùi sâu, nhóm cổ phiếu bất động sản là nhóm mất điểm nhiều nhất thị trường. Sắc đỏ lan rộng toàn ngành, chỉ còn một vài mã nhỏ lẻ may mắn giữ được sắc xanh với mức tăng thu hẹp đáng kể so với đầu phiên như KBC, TCH, DXG, NLG chỉ tăng trên dưới 1%, CTD tăng tốt hơn chút đạt 2,2%.
Tuy nhiên, nhóm tác động mạnh nhất lên chỉ số chung của thị trường là nhóm ngân hàng. Ngoại trừ 2 mã trong nhóm thuộc rổ VN30 nhích nhẹ, còn lại đều giảm điểm, với gánh nặng lớn nhất thuộc về VCB giảm 1,34%, đã lấy đi gần 1,7 điểm của chỉ số chung; các mã CTG, MBB, LPB, MSB,VIB, TPB đều giảm hơn 1%, VPB giảm 2%, cổ phiếu giảm sâu nhất là EIB khi giảm 4,33%.
Trong phiên sáng nay, EIB đã tổ chức thành công ĐHCĐ bất thường để bầu bổ sung thành viên HĐQT. Dù kết quả kinh doanh nửa đầu năm không mấy khả quan khi chỉ hoàn thành 28% mục tiêu cả năm, nhưng chia sẻ tại đại hội, ban lãnh đạo Ngân hàng cho biết: "Nếu tình hình không xấu đi, tiến triển khả quan, Ngân hàng vẫn có thể đạt được mục tiêu này, không có kế hoạch điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận".
Trong khi đó, không nằm ngoài dự báo của giới phân tích trong chuyên mục Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới, các nhóm cổ phiếu xuất nhập khẩu, đặc biệt là dệt may và thủy sản đang là những nhóm ngược dòng thị trường chung tỏa sáng.
Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Nhóm cổ phiếu thủy sản, dệt may... thời cơ đã điểm?
Ở nhóm thủy sản, cổ phiếu VHC chốt phiên tăng gần 3%, ANV tăng 2,24%, IDI tăng 1,44%...
Ở nhóm dệt may, cổ phiếu TNG tăng 1,5% lên 20.900 đồng/CP và khớp 1,35 triệu đơn vị, GIL tăng 1,7% lên 32.550 đồng/CP…
Ngoài ra, nhóm thép cũng tích cực với HPG vẫn tăng nhẹ và khớp lệnh 11,13 triệu đơn vị, HSG tăng 2,3% và khớp 7,68 triệu đơn vị, NKG tăng 1,6% và khớp 7,5 triệu đơn vị, SMC tăng 2,9%, TLH tăng nhẹ 0,5%.
Trên sàn HNX, thị trường cũng chìm trong sắc đỏ và giảm khá mạnh.
Chốt phiên, sàn HNX có 48 mã tăng và 115 mã giảm, HNX-Index giảm 1,4 điểm (-0,55%) xuống 251,36 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 33,98 triệu đơn vị, giá trị 705,45 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,48 triệu đơn vị, giá trị 29,17 tỷ đồng.
Top 3 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường đều mất điểm, trong đó SHS dẫn đầu đạt 6,16 triệu đơn vị và chốt phiên giảm 0,5% xuống mức 19.500 đồng/CP; tiếp theo là PVS và CEO cùng giảm hơn 1,5%, lần lượt khớp 2,97 triệu đơn vị và 2,87 triệu đơn vị.
Như đã nói ở trên, cổ phiếu dệt may TNG là điểm sáng khi chốt phiên tăng 1,5% lên mức 20.900 đồng/CP và thanh khoản sôi động với hơn 1,35 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên UPCoM, thị trường đã rung lắc và mất điểm về cuối phiên.
Chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,05%), xuống 93,71 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 19,72 triệu đơn vị, giá trị 334,91 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,04 triệu đơn vị, giá trị 34,41 tỷ đồng.