Giao dịch chứng khoán sáng 18/8: Thị trường rung lắc trong vùng tích lũy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau nhịp điều chỉnh hôm qua, thị trường tiếp tục rung lắc trong phiên sáng nay khi một số mã trụ tăng nóng, nhất là VHM bị chốt lời.
Giao dịch chứng khoán sáng 18/8: Thị trường rung lắc trong vùng tích lũy

Phiên giao dịch giảm điểm ngày hôm qua (17/7) ít nhiều ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư khi quan ngại về khả năng tăng tiếp của thị trường. Tuy nhiên, đây có thể là lo ngại hơi quá bởi VN-Index vẫn đang vận động trong khoảng 1.350-1.380 điểm trong 6 phiên liên tiếp.

Việc tăng giảm của chỉ trong vùng sideway là điều hoàn toàn bình thường. Dòng tiền vận động giữa các nhóm ngành khác nhau, những mã trụ khác nhau khiến chỉ số có thể thay đổi nhất định với biên độ không lớn.

Có thể nhìn thấy rất rõ điều này trong các phiên giao dịch gần đây, nếu ở phiên tăng mạnh đầu tuần có sự tham gia của hàng loạt nhóm ngành như ngân hàng, thép, chứng khoán, cảng biển, dệt may,... thì ngay phiên tiếp theo tức là phiên hôm qua áp lực chốt lời diễn ra. Các mã cổ phiếu đã tăng trước đó như bất động sản, vận tải, cũng như một vài mã trụ nhất là VHM chính là lý do khiến thị trường điều chỉnh.

Nếu bóc tách sự biến động của VHM thì phiên hôm qua mức giảm điểm của VN-Index không quá lớn bởi riêng mã này đã lấy đi hơn 4,3 điểm của VN-Index.

Trong phiên sáng nay, thị trường đã cân bằng hơn vì VHM vẫn tiếp tục giảm điểm và là mã có vai trò lớn nhất níu VN-Index, nhưng phía bên kia đã có sự trở lai của MSN. Đà tăng của MSN đóng góp cho VN-Index hơn 1 điểm, góp phần cùng VCB, VIC, VNM, HPG đối chọi lại với VHM, VPB, tạo sự cân bằng cho thị trường.

Ngoài các mã trụ trên, dòng tiền hôm nay chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu dược, giúp nhiều mã tăng mạnh, trong đó VMD, JVC, SPM tăng trần, các mã BDB, DBT, VDP, IMP cũng tăng mạnh.

Sau 6 phiên liên tục vận động trong vùng 1.350-1.380 điểm có thể khẳng định thị trường đang vào vùng tích lũy ổn định, trước khi bước vào xu thế mới, có thể là tăng hoặc giảm tùy thuộc vào các thông tin hỗ trợ hay thông tin tiêu cực xuất hiện trong thời gian tới. Về mặt kỹ thuật thì chỉ số vẫn đang vận động trên đường trung bình 20 ngày cho thấy khả năng tích lũy để đi lên là lớn hơn.

Khi mà thị trường sideway, cơ hội đầu tư vẫn là hiện hữu, nhưng chọn mã nào để chiến thắng là không hề dễ.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng nhẹ 2,04 điểm (+0,15%), lên 1.365,13 điểm với 176 mã tăng và 177 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch 362,6 triệu đơn vị, giá trị 13.232,4 tỷ đồng, giảm 27% về khối lượng và 18,4% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 16,7 triệu đơn vị, giá trị 732,9 tỷ đồng.

Trong phiên sáng nay, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục chốt lời mạnh VHM khi đang bán ròng hơn 3,1 triệu đơn vị, khiến VHM tiếp tục giảm 1,89%, xuống 108.900 đồng. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy khá tốt, giúp VHM có thanh khoản vượt trội với hơn 15,4 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu sàn HOSE.

Dù VHM giảm giá, nhưng VN-Index vẫn đứng vững khi nhận được sự hỗ trợ của các mã trụ khác, trong đó đáng kể là MSN khi tăng 2,57% lên 136.900 đồng, sau khi một số công ty chứng khoán định giá mục tiêu cổ phiếu này ở mức 154.000 - 172.000 đồng. Đà tăng của MSN đóng góp cho VN-Index gần 1,1 điểm, góp phần cùng VCB, VNM đối chọi lại với VHM, VPB, tạo sự cân bằng cho thị trường.

Trong nhóm ngân hàng, ngoài VCB tăng 1,29% lên 102.300 đồng, còn có thêm CTG đảo chiều tăng 0,29% lên 34.700 đồng, ACB tăng 0,42% lên 35.750 đồng, HDB tăng 0,14% lên 35.800 đồng. Ngoài ra, còn có TCB, TPB, OCB đứng ở mức tham chiếu, còn lại đều giảm, trong đó giảm mạnh nhất là VPB giảm 1,23% xuống 64.300 đồng, là mã lấy đi số điểm của VN-Index nhiều thứ 2 sau VHM.

Trong khi đó, nhóm chứng khoán lại tìm được sự đồng thuận khi sắc xanh xuất hiện đồng loạt ở nhóm này với nhiều mã tăng mạnh như APG tiếp tục tăng trần, VDS, TVS, VIX tăng từ hơn 3% đến hơn 5%; VCI, HCM, AGR, CTS tăng từ hơn 2% đến gần 3%; các mã khác như SSI, FTS tăng hơn 2%, trong đó SSI khớp hơn 10 triệu đơn vị.

Nhóm bất động sản, ngoài VHM và VIC, một số mã lớn khác như NVL, BCM, KDH, NLG, DXG cũng đóng cửa trong sắc đỏ, trong khi HDG, SJS, VCG… có sắc xanh.

Nhóm sắt thép, ngoài HPG đứng giá tham chiếu 50.400 đồng, khớp 11,7 triệu đơn vị, còn có TLH giảm nhẹ 0,6%, còn lại đều có sắc xanh.

Ngoài các mã trụ trên, dòng tiền hôm nay chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu dược, giúp nhiều mã tăng mạnh, trong đó VMD, JVC, SPM tăng trần, các mã BDB, DBT tăng mạnh hơn 6%, VDP, IMP, DHG cũng có sắc xanh.

Trong khi đó, trên HNX, với sự hỗ trợ của các mã lớn như THD, nhóm chứng khoán, PHP, HNX-Index sau ít phút đầu gặp khó khăn đã bứt mạnh tốt sau đó.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 2,52 điểm (+0,73%), lên 345,63 điểm với 114 mã tăng và 77 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 94,9 triệu đơn vị, giá trị 2.519 tỷ đồng, trong đó giao dịch thoả thuận đóng góp 6 triệu đơn vị, giá trị 180,4 tỷ đồng.

Trên sàn này, ngoại trừ nhóm ngân hàng với SHB và NVB yếu thế, còn lại đều tăng tốt, nhất là nhóm chứng khoán với nhiều mã tăng mạnh, trong đó có 2 mã tăng trần là TVB và EVS. Các mã lớn cũng tăng tốt như VND tăng 2,85% lên 54.200 đồng, SHS tăng 2,11% lên 53.300 đồng, MBS tăng 3,7% lên 36.400 đồng, BSI tăng 5,17% lên 28.500 đồng, BVS tăng 3,13% lên 33.000 đồng. Ngoài ra, còn phải kể đến các mã IVS, ART, APS, WSS, HBS, PSI, VGI.

Trong đó, VND và SHS là 2 mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 9,85 triệu đơn vị và 6,97 triệu đơn vị.

Ngoài ra, mã vốn hóa lớn nhất sàn là THD tiếp tục túc tắc tăng 0,42% lên 214.400 đồng, cùng với PVS tăng 0,75% lên 27.000 đồng… đóng góp vào đà tăng của HNX-Index. Trong khi đó, SHB giảm 0,3% xuống 29.400 đồng, khớp hơn 5 triệu đơn vị.

Hôm nay BII cũng gây chú ý khi tăng trần lên 10.700 đồng, thanh khoản 5,48 triệu đơn vị.

UPCoM cũng có phiên giao dịch tích cực khi chỉ dao động trên tham chiếu và đóng cửa với mức tăng khá tốt.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,68 điểm (+0,72%), lên 94,88 điểm với 136 mã tăng và 115 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 43,6 triệu đơn vị, giá trị 898 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,4 triệu đơn vị, giá trị 40,8 tỷ đồng.

Sáng nay, VGT vượt mặt BSR trở thanh mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với 4,63 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2% lên 20.700 đồng. BSR khớp 4,09 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,5% lên 19.500 đồng. Hai mã ngân hàng SBS và ORS tăng tốt 3,3% lên 15.500 đồng và 7,8% lên 27.500 đồng, khớp hơn 4 triệu đơn vị và gần 3 triệu đơn vị.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục