Trong những phiên gần đây, thị trường duy trì trạng thái khá lình xình bởi tâm lý thận trọng và giao dịch thăm dò. Tuy nhiên, đột biến đã diễn ra trong đợt khớp lệnh ATC của ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 7 (16/7) dù phần lớn thời gian thị trường vẫn trong trạng thái đi ngang quanh vùng giá 870 điểm.
Cụ thể, lực cầu bất ngờ gia tăng mạnh trong đợt khớp ATC và nhắm tới nhóm VN30, giúp hầu hết các cổ phiếu trong nhóm bluechip đều giao dịch khởi sắc, đáng kể là các mã lớn VIC, VNM, SAB, MSN, VJC… tìm tới mức giá cao nhất trong ngày. Kết phiên, chỉ số VN-Index đã tăng gần 7 điểm và vượt mốc 875 điểm.
Bên cạnh đó, một trong những nhân tố hỗ trợ thị trường là nhà đầu tư nước ngoài. Dù chưa thoát khỏi trạng thái bán ròng nhưng khối ngoại đã giảm áp lực và có những tín hiệu tích cực khi giá trị bán ròng chỉ đạt 25 tỷ đồng, giảm tới hơn 77% so với phiên trước đó.
Mặc dù thị trường ghi nhận phiên tăng điểm khá tốt nhưng đà tăng chủ yếu đến từ nhóm vốn hóa lớn do đây là phiên đáo hạn hợp đồng tương lai, vì vậy không phản ánh chính xác xu hướng thị trường.
Theo KBSV, chỉ số vẫn chưa thoát khỏi diễn biến điều chỉnh tích lũy trong biên độ hẹp. Bởi vậy, vẫn sẽ cần chờ thêm tín hiệu vượt vùng cản quanh 875 để có thể củng cố cơ hội vượt đỉnh cho chỉ số.
Bước vào phiên giao dịch cuối tuần ngày 17/7, nhà đầu tư vẫn chưa mấy tự tin xuống tiền sau phiên khởi sắc hôm qua khiến thị trường nhanh chóng trở lại trạng thái đỏ điểm. Chỉ số VN-Index lình xình trên mốc 870 điểm.
Trong đó, nhóm trụ đỡ thị trường hầu hết đều chịu áp lực bán ra và quay đầu điều chỉnh sau phiên khởi sắc hôm qua. Cụ thể, sau khoảng 50 phút giao dịch, nhóm VN30 có tới 20 mã mất điểm và chỉ 7-8 mã giữ được sắc xanh nhạt.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giao dịch khá phân hóa. Đáng kể DAH tiếp tục xác lập phiên giảm sàn thứ 4 sau nhịp ngắt quãng ngày 13/7 vừa qua. Như vậy, trong 13 phiên giao dịch trong tháng 7, cổ phiếu DAH chỉ có 2 phiên tăng, còn lại đều giảm sàn, với tổng mức giảm gần 50%.
Một điểm đáng chú ý khác là những mã mới tăng nóng như THD hay BVB vẫn diễn biến theo chiều hướng xấu. Cụ thể, THD tiếp tục giảm sàn về mức giá 77.000 đồng/CP với thanh khoản nhỏ giọt chỉ 200 đơn vị khớp lệnh, trong khi BVB đang giao dịch dưới giá tham chiếu.
Thị trường không có nhiều biến động trong nửa cuối phiên sáng khi phần lớn các mã trong nhóm VN30 vẫn giao dịch dưới mốc tham chiếu khiến VN-Index duy trì đà giảm điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 147 mã tăng và 189 mã giảm, VN-Index giảm 4,22 điểm (-0,48%), xuống 872,61 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 155,32 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.490 tỷ đồng, tăng 18,47% về khối lượng và 21,52% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 19,41 triệu đơn vị, giá trị 367,18 tỷ đồng.
Nhóm Vn30 chỉ có 6 mã tăng, trong đó có PLX và CTD cùng có mức tăng trên dưới 1,7%, còn lại BID, BVH, HPG, SSI chỉ nhích nhẹ.
Trái lại, có tới 22 mã giảm điểm, đáng kể là VIC -1,5% xuống 91.600 đồng/CP, VJC -3,1% xuống 108.500 đồng/CP, MSN -1,4% xuống 56.200 đồng/CP, TCB -1,9% xuống 20.600 đồng/CP, còn lại các mã đều có mức giảm nhẹ trên dưới 0,5%.
Tâm điểm đáng chú ý trong phiên sáng nay là cổ phiếu DAH. Mặc dù mở cửa vẫn duy trì sắc xanh mắt mèo nhưng lực cầu gia tăng mạnh đã giúp cổ phiếu này lội ngược dòng ngoạn mục lên thẳng trần.
Hiện DAH +6,9% lên mức giá trần 9.860 đồng/CP với thanh khoản vươn lên vị trí dẫn đầu sàn HOSE, đạt gần 9,1 triệu đơn vị khớp lệnh.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu HQC giằng co và tạm chốt phiên sáng +3,2% lên 1.930 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 9 triệu đơn vị. Trong khi đó, HAG đứng ở vị trí thứ 3 về thanh khoản khi khớp 6,45 triệu đơn vị nhưng chốt phiên -3,85% xuống 4.500 đồng/CP.
Cổ phiếu DHA cũng có phiên tích cực sau kết quả kinh doanh quý II/2020 khả quan với lợi nhuận sau thuế 6 tháng đạt 42,9 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm ngoái và đã hoàn thành 71,3% mục tiêu cả năm.
Tạm chốt phiên sáng, DHA +6,9% lên mức giá trần 32.600 đồng/CP nhưng thanh khoản chưa mấy cải thiện với 41.220 đơn vị được khớp lệnh.
Trên sàn HNX, mặc dù phần lớn thời gian trong phiên sáng đều giao dịch dưới mốc tham chiếu nhưng sự khởi sắc của một số bluechip đã giúp HNX-Index đảo chiều hồi phục.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 47 mã tăng và 52 mã giảm, HNX-Index tăng 0,65 điểm (+0,57%), lên 116,25 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 21,96 triệu đơn vị, giá trị hơn 268 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1,71 triệu đơn vị, giá trị gần 9,73 tỷ đồng.
Lực đỡ chính đến từ ACB khi cổ phiếu này tăng vọt nhờ lực cầu sôi động. Tạm dừng phiên sáng, thì ACB +2,9% lên 24.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn HNX, đạt hơn 4 triệu đơn vị. Trong khi đó, 2 mã ngân hàng còn lại là SHB và NVB điều chỉnh nhẹ trên dưới 1%.
Bên cạnh đó, một số mã khác trong nhóm HNX30 cũng có mức tăng trên 1% như CAP, DHT, DP3, L14, NDN… Đáng kể là PVB +4,24% lên 17.200 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, giao dịch không có nhiều nổi bật. Tạm chốt phiên sáng, KLF đứng giá tham chiếu 1.900 đồng/CP và khớp 2,62 triệu đơn vị; HUT tăng nhẹ lên 2.600 đồng/CP và khớp 1,11 triệu đơn vị…
Trên UPCoM, giao dịch cũng khởi sắc hơn trong nửa cuối phiên sáng sau diễn biến lình xình giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,34 điểm (+0,59%), lên 57,37 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 18,49 triệu đơn vị, giá trị 128,42 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,45 triệu đơn vị, giá trị 4,26 tỷ đồng.
Cổ phiếu KSH tạm dừng tại mức giá trần 700 đồng/CP với khối lượng giao dịch lớn nhất thị trường UPCoM, đạt 5,88 triệu đơn vị.
Tiếp theo đó, LPB chuyển nhượng thành công 5,24 triệu đơn vị và chốt phiên +2,33% lên 8.800 đồng/CP. Còn lại các mã chỉ khớp trên dưới nửa triệu đơn vị.
Cổ phiếu mới BVB tiếp tục giảm 1,5% xuống 13.200 đồng/CP với khối lượng giao dịch hơn nửa triệu đơn vị. Đây là phiên giảm thứ 4 liên tiếp trong tổng số 7 phiên giao dịch của thành viên mới này trên UPCoM.