Giao dịch chứng khoán sáng 16/9: Dòng tiền kiên nhẫn chờ cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường vẫn tiếp diễn tình trạng trầm lắng trong phiên giao dịch cuối tuần khi dòng tiền chọn cách đứng ngoài chờ đợi.
Giao dịch chứng khoán sáng 16/9: Dòng tiền kiên nhẫn chờ cơ hội

Trong phiên đáo hạn phái sinh hôm qua (15/9), không có diễn biến đột biến nào như thường lệ, mà thị trường chỉ lình xình trong biên độ hẹp, đóng cửa với mức tăng nhẹ và thanh khoản sụt giảm mạnh.

Sau tuần thanh khoản tăng trở lại tuần trước, tưởng chừng việc rút ngắn thời gian thanh toán về T+2 từ 29/8 và cho giao dịch lô lẻ từ 12/9 trở thành đòn bẩy để kịch dòng tiền trở lại thị trường, nhưng thực tế lại không như kỳ vọng. Bước vào tuần giao dịch từ 12-16/9, thanh khoản không những không tăng, mà còn sụt giảm mạnh trở lại mức thấp của tuần cuối tháng 8.

Tuy thanh khoản sụt giảm mạnh, nhưng dòng tiền không rút ra khỏi thị trường, mà vẫn ở lại tìm kiếm cơ hội. Điều này được thể hiện ở số dư tiền gửi trong tài khoản chứng khoán tại các công ty chứng khoán ở thời điểm hiện tại không có nhiều biến động so với thời điểm cuối quý II/2022, theo như chia sẻ của lãnh đạo một số công ty chứng khoán lớn.

Thực tế, mỗi lúc thị trường sụt giảm mạnh, dòng tiền ngay lập tức được kích hoạt, đơn cử như phiên thứ Tư (14/9), khi thị trường trong nước bị ảnh hưởng bởi phiên bán tháo trên phố Wall trong phiên tối trước đó sau dữ liệu CPI tháng 8 của Mỹ cao hơn dự kiến, dòng tiền bắt đáy đã nhập cuộc, giúp đây vẫn là phiên có thanh khoản tốt nhất trong tuần. Điều này cũng diễn ra ở các phiên 29/8 và 7/9.

Trở lại với phiên giao dịch sáng nay, diễn biến thị trường không có nhiều thay đổi khi VN-Index lình xình trong biên độ hẹp. Lực cầu yếu khiến giao dịch diễn ra nhỏ giọt, sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử, nhưng mức giảm không quá lớn khi bên nắm giữ cổ phiếu không muốn bán giá quá thấp.

Trong các nhóm dẫn dắt, nhóm ngân hàng có thêm nhiều sắc xanh hơn, trong đó VPB là mã có sức hút dòng tiền tốt nhất với thanh khoản gần 10,4 triệu đơn vị, đứng thứ 3 toàn sàn sau HAG và POW, đóng cửa tăng 2% lên 30.900 đồng.

Trong khi đó, dù nhận được lực cầu mạnh từ các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng HPG không thể tăng giá, mà chỉ lình xình quanh đường MA20.

Trong các mã thị trường, HAG lại trở lại độ nóng sau phiên điều chỉnh nhẹ do áp lực chốt lời ngắn hạn hôm qua. Chốt phiên sáng, HAG là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với gần 15,85 triệu đơn vị, nhưng mức tăng hạ nhiệt nhiều so với nửa đầu phiên sáng, chỉ còn tăng 1,5% lên 13.800 đồng.

Dù nhường vị trí đứng đầu thanh khoản cho HAG, nhưng POW vẫn duy trì được sự sôi động khá tốt sáng nay với 10,63 triệu đơn vị, đóng cửa duy trì đà tăng nhẹ 0,3% lên 14.500 đồng.

Trong khi đó, 3 mã còn lại của họ FLC còn giao dịch trên sàn là AMD (HOSE), ART và KLF (HNX) đều đồng loạt giảm sàn, nhưng lực cầu bắt đáy sau đó hoạt động tốt đã giúp AMD và ART thoát mức giá sàn, trong khi KLF không thể.

Diễn biến của VN-Index không có nhiều thay đổi khi chỉ số này chỉ lình xình quanh ngưỡng 1.240 điểm và đóng cửa phiên sáng với mức giảm nhẹ.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 2,44 điểm (-0,20%), xuống 1.243,22 điểm với 89 mã tăng, trong khi có tới 348 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 242,2 triệu đơn vị, giá trị 5.927,5 tỷ đồng, nhỉnh hơn chút ít so với phiên sáng qua, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 13,3 triệu đơn vị, giá trị 480,7 tỷ đồng.

Trong nhóm ngân hàng, ngoài VPB, sắc xanh còn xuất hiện ở một số mã khác là MSB, VCB, HDB, BID và TPB, nhưng mức tăng rất khiêm tốn. Trong khi EIB sau chuỗi phiên tăng ấn tượng, đã đảo chiều giảm 1,8% xuống 34.650 đồng, nhưng giảm mạnh nhất nhóm là LPB với mức giảm 2% xuống 14.500 đồng. STB trước sức ép của cung ngoại liên tiếp mấy phiên vừa qua và sáng nay tiếp tục giảm 1,5% xuống 22.700 đồng.

Nhóm chứng khoán chỉ còn duy nhất HCM tăng ở mức tối thiểu, VDS đứng giá, còn lại đều giảm, trong đó có 3 mã giảm hơn 2% là VND (-2% xuống 19.400 đồng), FTS (-2,1% xuống 35.150 đồng) và CTS (-2,9% xuống 18.450 đồng). SSI cũng giảm hơn 1,1% xuống 21.400 đồng và VCI giảm 1,4% xuống 35.550 đồng. Trong đó, VND là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 8,81 triệu đơn vị.

Nhóm thép cũng tương tự nhóm chứng khoán khi chỉ có 1 sắc xanh nhạt và 1 sắc tím, còn lại đều giảm, trong đó HPG giảm 0,4% xuống 23.500 đồng, khớp 8,78 triệu đơn vị, HSG giảm 2,8% xuống 17.600 đồng, khớp 7,1 triệu đơn vị, NKG giảm 2,2% xuống 22.700 đồng, khớp 6,11 triệu đơn vị.

Nhóm dầu khí chỉ còn GAS may mắn giữ sắc xanh nhạt, PLX đứng giá, còn lại cũng đều giảm.

Trên HNX, dù có lúc đảo chiều thanh công, nhưng lực cầu yếu khiến chỉ số chính của sàn này vẫn đóng cửa trong sắc đỏ.

Chốt phiên sáng, HNX-Index giảm 1,22 điểm (-0,44%), xuống 278,47 điểm với 30 mã tăng, trong khi có tới 127 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 33,3 triệu đơn vị, giá trị 597,2 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1 triệu đơn vị, giá trị 37,3 tỷ đồng.

KLF là mã có thanh khoản tốt nhất sàn HNX nhờ lực cầu bắt đáy hoạt động tốt, nhưng không thể giúp mã này thoát mức giá sàn trước lực cung còn lớn hơn. Chốt phiên sáng, KLF giảm sàn về 1.800 đồng, khớp 6,41 triệu đơn vị. Trong khi đó, người anh em ART may mắn thoát sàn, nhưng cũng giảm 6,1% xuống 3.100 đồng, khớp 2,22 triệu đơn vị, đứng sau KLF và PVS.

Ngoài KLF và ART, trên sàn HNX có thêm 5 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và đều đóng cửa trong sắc đỏ. Trong đó, PVS giảm 1,8% xuống 26.900 đồng, khớp 3,63 triệu đơn vị; SHS giảm 1,7% xuống 11.800 đồng, khớp 2,13 triệu đơn vị; IDC giảm 1,2% xuống 58.700 đồng, khớp 1,87 triệu đơn vị; CEO giảm 2,7% xuống 28.400 đồng, khớp 1,68 triệu đơn vị; và AMV giảm 2,8% xuống 7.000 đồng, khớp 1,52 triệu đơn vị. Ngoài ra, còn có PVC giảm 2,3% xuống 21.300 đồng, khớp 0,88 triệu đơn vị.

UPCoM cũng chỉ có sắc xanh nhạt ít phút đầu phiên, sau đó quay đầu giảm, đóng cửa phiên sáng giảm 0,32 điểm (-0,36%), xuống 89,94 điểm với 110 mã tăng và 180 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 23,3 triệu đơn vị, giá trị 266,7 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Sáng nay có 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó BSR vẫn dẫn đầu với 2,77 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,7% xuống 23.600 đồng; PVX giảm 4,7% xuống 4.100 đồng, khớp 1,51 triệu đơn vị; NHP tăng trần lên 1.300 đồng, khớp 1,11 triệu đơn vị; và KSH giảm sàn về 1.200 đồng, khớp 1,09 triệu đơn vị.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục